Từ chối ở lại Mỹ, về làng lập nghiệp

Tốt nghiệp thạc sĩ và nhận được nhiều lời mời ở lại Mỹ làm việc, nhưng anh Siu Hril (SN 1980) vẫn quyết trở về buôn làng Tây Nguyên để thực hiện ấp ủ bảo tồn, phát triển văn hóa.

Tốt nghiệp thạc sĩ và nhận được nhiều lời mời ở lại Mỹ làm việc, nhưng anh Siu Hril (SN 1980) vẫn quyết trở về buôn làng Tây Nguyên để thực hiện ấp ủ bảo tồn, phát triển văn hóa.

Từ phụ hồ đến du học Mỹ

Sinh ra trong một gia đình dân tộc Jrai nghèo tại làng Brel, xã Ia Der, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, từ nhỏ Siu Hril đã  bươn chải kiếm sống dù sớm hiểu rằng: muốn thoát khỏi  đói nghèo, trước hết phải có kiến thức.

Anh chia sẻ: “Bà con làng mình nghèo lắm, nhiều nhà còn thiếu ăn thiếu mặc. Để nuôi được bốn anh em mình khôn lớn, bố mẹ đã phải làm lụng rất cực khổ, nên khi nghe mình muốn học lên, cả nhà đều phản đối vì sợ không có tiền”. Mặc cho bạn bè cùng trang lứa đều bỏ học ở nhà làm rẫy, sau khi tốt nghiệp THPT, Hril tạm nghỉ 2 năm đi phụ hồ, dành tiền học tiếp.


Hril và nhóm bảo tồn văn hóa Jrai.

Hril và nhóm bảo tồn văn hóa Jrai.

Thi đậu ngành quản trị du lịch trường đại học Đà Lạt, suốt 4 năm học, Hril cứ một buổi đi học, một buổi đi làm và không ngừng trau dồi tiếng Anh. Tốt nghiệp đại học, anh xuống TP HCM xin vào làm việc tại công ty lữ hành Handspan Adventure Travel để có cơ hội trải nghiệm. Là người con của núi rừng lại thông thạo tiếng Anh, Hril được bố trí hướng dẫn khách trong những tour lên Tây Nguyên, đặc biệt là Gia Lai. Nhờ đó, anh có dịp giới thiệu những bản sắc văn hóa của dân tộc với du khách như: nghề dệt thổ cẩm, tạc tượng nhà mồ, cách chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc...

"Siu Hril là một công dân ưu tú của xã Ia Der. Ngoài mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo, Hril còn thực hiện những dự án cộng đồng thiết thực góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của người Jrai, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con. Chính quyền địa phương luôn ủng hộ và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để việc làm ý nghĩa của Hril phát triển hơn nữa” - Ông Ksơr Bơ, Chủ tịch UBND xã Ia Der.

Đều đặn, ban ngày làm tour, đêm về Hril lại tiếp tục hoàn thiện dự án “Phát triển cộng đồng dựa vào văn hóa và du lịch” còn dang dở từ thời sinh viên bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Một lần lên mạng, anh tình cờ biết đến học bổng phi Chính phủ của trường đại học Tổng hợp Hawaii (Mỹ) nên mạnh dạn gửi bài luận để tìm kiếm cơ hội du học. “Thật bất ngờ khi những ý tưởng về phát triển cộng đồng dựa vào văn hóa và du lịch bản địa của mình được các các giáo sư Đại học Tổng hợp Hawaii đánh giá cao, mình nhận được học bổng đào tạo thạc sĩ chuyên ngành quy hoạch vùng và đô thị tại trường này”, anh Hril vui mừng kể.

Tháng 3/2011, Hril lên đường sang Mỹ. “Ban đầu, mình gặp khá nhiều khó khăn bởi mọi thứ ở Mỹ đều khác với Việt Nam, đặc biệt là môi trường học tập. Chương trình học rất nặng, sinh viên tự học, tự nghiên cứu là chính nên mình phải cố gắng rất nhiều mới bắt kịp được tiến độ”. Sau ba năm miệt mài đèn sách, với tấm bằng thạc sỹ trong tay, Hril nhận được nhiều lời mời ở lại Mỹ làm việc từ các công ty danh tiếng nhưng anh từ chối tất cả để trở về Tây Nguyên.

Khôi phục, bảo tồn văn hóa dân tộc

Về lại buôn làng, việc đầu tiên Hril làm là mở lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em với mong muốn truyền cái chữ, phát triển tương lai cho các em. Đều đặn, một tuần 3 buổi, căn nhà nhỏ của gia đình anh trở thành lớp học của hơn 20 học sinh đủ mọi lứa tuổi. Các em không chỉ được học miễn phí, mà còn được dạy cách giao tiếp với người nước ngoài và cả kiến thức về văn hóa dân tộc.

Ngoài dạy học, Hril còn tìm cách khôi phục, bảo tồn văn hóa dân tộc Jrai. Trong lúc anh đang tìm kiếm nguồn tài trợ cho 3 dự án cộng đồng gồm: lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, lớp dạy tạc tượng nhà mồ, lớp chế tác bảo tồn nhạc cụ Ting - ning và K’ni thì may mắn được Trung tâm Trao đổi giáo dục với Việt Nam (CEEVN) đồng ý dùng Quỹ Hỗ trợ bảo tồn Nghệ thuật Văn hóa dân gian tài trợ.

Sau nhiều ngày tìm kiếm, Hril đã mời được nghệ nhân dệt thổ cẩm Rơ Lan Pel (xã Biển Hồ, thành phố Pleiku) đến truyền dạy cho 10 học viên. “Trước đây, bà con không còn thiết tha với nghề dệt thổ cẩm nhưng bây giờ đã có nhiều người tìm đến xin học. Các sản phẩm học viên làm ra, mình vừa quảng bá trong nước vừa nhờ bạn bè ở các nước bạn chào bán, nhằm tạo thêm thu nhập cho chị em, quan trọng hơn là giữ được nghề dệt truyền thống của dân tộc mình”, Hril tâm sự.

Với lớp tạc tượng nhà mồ, anh cũng đã thuyết phục được nghệ nhân Ksơr H’nao (người giành giải nhất hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên năm 2015) đến truyền dạy. Những dự án của anh được đông đảo người dân hưởng ứng, nó không chỉ góp phần bảo tồn, phát triển nét đẹp văn hóa dân tộc mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người.

Nói về tương lai, Hril cho biết: Anh và một số người bạn đang dự định thành lập nhóm bảo tồn sử thi người Jrai, giới thiệu văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.

Theo Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm