Trường Sư phạm tập trung đổi mới chương trình đào tạo

(Dân trí) - Các trường ĐH, CĐ sư phạm phải tập trung đổi mới căn bản nội dung chương trình đào tạo, chương trình bồi dưỡng giáo viên ở trình độ CĐ và ĐH để đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa ở giáo dục phổ thông vào năm 2015.

Đây là một trong những nội dung của chỉ thị về việc thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển xã hội giai đoạn 2013-2015 do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận ký ban hành.

Thành lập Hội đồng hiệu trưởng các trường sư phạm

Ngoài yêu cầu trên, chỉ thị cũng yêu cầu các trường ĐH, CĐ Sư phạm (SP) tham gia vào Hội đồng hiệu trưởng các trường cao đẳng, đại học SP do Bộ GD-ĐT thành lập để góp phần hình thành chính sách, cơ chế phát triển các trường SP và phát triển nhân lực ngành giáo dục.

Chỉ thị cũng cho biết, các đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT sẽ tập trung xây dựng và thực hiện quy hoạch mạng lưới phát triển các trường cao đẳng, đại học, các cơ sở đào tạo sư phạm trình độ đại học theo vùng và các trường đại học sư phạm trọng điểm. Xây dựng cơ chế ưu tiên đầu tư nguồn lực, khuyến khích các trường đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển mạnh mẽ nghiên cứu khoa học giáo dục. Trước tháng 5/2013, Bộ trưởng ra quyết định thành lập Hội đồng hiệu trưởng các trường cao đẳng, đại học sư phạm.

Các trường CĐ và ĐH SP nghiên cứu hình thành các trung tâm biên soạn tài liệu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên về nội dung, phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, nghiệp vụ SP cho giáo viên tại địa phương hoặc cho cả vùng; đề xuất cơ chế huy động nguồn lực và quản lý, sử dụng các trung tâm hiệu quả.

Bên cạnh đó, các trường SP và các đơn vị đào tạo khác (TCCN, CĐ, ĐH) phải tổ chức rà soát và đánh giá tác động của chuẩn đầu ra đối với việc đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp dạy học, thi kiểm tra đánh giá và cải thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng trong nhà trường. Phối hợp với các cơ sở sử dụng lao động, hoàn thiện chuẩn đầu ra của sinh viên tốt nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục đại học, đổi mới chương trình đào tạo, chuẩn bị nguồn lực và tổ chức đào tạo để đạt chuẩn.

Các cơ sở đào tạo mở ngành đào tạo, xác định quy mô đào tạo dựa theo nhu cầu phát triển nhân lực của ngành, địa phương, khả năng cung ứng nhân lực trên địa bàn hoặc vùng lân cận, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và ý kiến tư vấn của Hội đồng phát triển nhân lực địa phương, Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng theo ngành đào tạo. Củng cố và phát triển Trung tâm tư vấn sinh viên và quan hệ với doanh nghiệp để giúp đỡ sinh viên trong việc lựa chọn ngành nghề và giới thiệu miễn phí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp; bố trí cán bộ phụ trách công tác quan hệ với doanh nghiệp, tạo đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp và nắm bắt thông tin phản hồi từ doanh nghiệp về nhu cầu đào tạo, phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

Xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển, quản lý nguồn nhân lực của mình phù hợp với mục tiêu, các giải pháp phát triển nhà trường và tổ chức đào tạo đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Xây dựng các chỉ số chất lượng đào tạo và có kế hoạch sử dụng kinh phí một cách hiệu quả góp phần cải thiện chất lượng đào tạo.

Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng tại các cơ sở đào tạo, lãnh đạo các cơ sở đào tạo phối hợp với các tổ chức công đoàn, thanh tra nhân dân và các tổ chức đoàn thể khác, kiểm tra nội bộ việc thực hiện các quy định về tuyển sinh, tổ chức đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ để ngăn ngừa vi phạm pháp luật về tuyển sinh và tổ chức đào tạo.

Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách nhất

Cũng theo Chỉ thị này, mỗi Sở GD-ĐT chọn ra những vấn đề cấp bách nhất, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, hiệu quả giáo dục để tập trung xử lý hoặc tham mưu với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết dứt điểm trong các năm 2013 và 2014.

Sở GD-ĐT thống kê theo trình độ, chuyên môn được đào tạo của những sinh viên tốt các trình độ cao đẳng và đại học chưa có việc làm, xây dựng đề án giải quyết việc làm cho những sinh viên nói trên và trình cơ quan có thẩm quyền của địa phương phê duyệt vào trước tháng 5/2013.

Tham mưu với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập và hướng dẫn tổ chức hoạt động của Hội đồng phát triển nhân lực địa phương, Hội đồng chuyên gia theo ngành đào tạo để giúp công tác đào tạo phù hợp với quy hoạch và các điều kiện đảm bảo chất lượng. Kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến công tác đào tạo nhân lực theo thẩm quyền được giao.

Liên quan đến việc phát triển nhân lực phục vụ ngành giáo dục địa phương, Chỉ thị yêu cầu các Sở GD-ĐT đánh giá hiện trạng đội ngũ giáo viên, nhân viên phục vụ và cán bộ quản lý theo trình độ, chuyên môn được đào tạo, vị trí việc làm và độ tuổi làm việc tại các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục do sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm quản lý. Xác định nhu cầu bồi dưỡng, thay thế và đào tạo mới nhân lực trong ngành giáo dục của địa phương.

Xác định nhu cầu đào tạo lại, nhu cầu đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp hoặc chuyển đổi việc làm cho những giáo viên chưa bố trí được công việc phù hợp với chuyên môn và trình độ đào tạo. Lập kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng theo nhu cầu đã được xác định và phối hợp với các trường cao đẳng, đại học sư phạm tổ chức thực hiện kế hoạch hiệu quả.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, rà soát công tác tuyển dụng, sử dụng và bồi dưỡng giáo viên, để đảm bảo quá trình tuyển dụng diễn ra công khai, minh bạch có sự giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp. Ngoài ra tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND), thành phố trực thuộc Trung ương về các giải pháp, cơ chế, điều kiện thực hiện quy hoạch nhân lực ngành giáo dục ở trình độ, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học tại địa phương.

S.H

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm