Trường nghề cần chủ động liên kết với doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19

Lệ Thu

(Dân trí) - Mùa dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải chủ động tìm kiếm, liên kết với doanh nghiệp bị ảnh hưởng để lên phương án đào tạo lại nghề cho lao động bị ảnh hưởng.

Đó là đề nghị của ông Đỗ Năng Khánh (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) khi nói phương án đào tạo lại nghề cho lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19

Vấn đề triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP đang được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đặc biệt chú trọng.

Đây là một trong 12 chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Gói chính sách này có tổng kinh phí là 4.500 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, điểm đáng chú của việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo lại nghề là việc đơn giản hóa thủ tục.

Trường nghề cần chủ động liên kết với doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19 - 1

Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (đang đứng) thông tin tại hội nghị.

Điều kiện để nhận hỗ trợ đào tạo nghề là: Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.

Doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020.

Nói rõ về chính sách này, ông Đỗ Năng Khánh (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết: Thực chất chính sách này có từ năm 2015 nhưng khó triển khai trên thực tế vì những thủ tục hành chính còn phức tạp. Do đó, chính sách hỗ trợ lần này (trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19) được đơn giản hóa tới mức tối đa.

Hồ sơ xét duyệt đào tạo lại nghề gồm có: Văn bản đề nghị kèm theo doanh thu chứng minh giảm so với cùng kỳ 10%; Mẫu khai thay đổi cơ cấu tổ chức, áp dụng công nghệ; Phương án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và xác nhận của BHXH tỉnh.

Trường nghề cần chủ động liên kết với doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19 - 2

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu.

Bàn về việc triển khai chính sách vào thực tế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Đỗ Năng Khánh nhấn mạnh, điểm quan trọng nhất là doanh nghiệp phải có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

"Lần này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải chủ động tìm kiếm liên kết với doanh nghiệp bị ảnh hưởng để lên phương án đào tạo lại nghề cho lao động bị ảnh hưởng. Với phương án này, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH sẽ là người duyệt, không như trước đây phải trình lên Chủ tịch tỉnh, thành phố.

Do đó, nhiệm vụ của lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH sẽ rất nặng nề. Với 1,5 triệu đồng/người/tháng, học 6 tháng là 9 triệu đồng, đây là khoản kinh phí không nhỏ dành cho đào tạo lại nghề. Nguồn kinh phí cũng được xác định từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp do BHXH trực tiếp chi trả", ông Khánh lưu ý.

Theo ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tại Nghị quyết của Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định triển khai các nội dung quy định về chính sách hỗ trợ theo trình tự, thủ tục rút gọn.

"Hiện, Bộ đã dự thảo và đang xin ý kiến của các bên liên quan để sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định. Khi Quyết định của Thủ tướng ban hành thì công tác triển khai chính sách hỗ trợ sẽ theo tinh thần đề ra là tinh giản tối đa các điều kiện, thủ để các đối tượng tiếp cận, thụ hưởng chính sách.

Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc: Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách", ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm