Trường mầm non trên đỉnh Ba Tur

(Dân trí) - Bí thư Đảng uỷ xã Ngọc Yêu (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) A Vay vừa cố nhoài người đạp cần khởi động chiếc xe máy đã quá “già nua”, vừa nói trong hơi thở: Các lớp học “cắm làng” ở đây còn tạm bợ lắm. Muốn duy trì sĩ số học sinh, cô giáo phải “ba cùng” với bà con...!

Lớp học mầm non của làng Ba Tur (xã Ngọc Yêu) nằm chênh vênh trên sườn đồi, bên dưới là con suối nhỏ chảy qua. Cô giáo Nguyễn Thị Yến (SN 1984) thấy có người dưới xuôi lên, mừng quá quên cả mời khách uống nước.

 

Yến quê gốc ở Hải Dương, theo gia đình vào Kon Tum từ năm 1978. Năm 2006, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Kon Tum (chuyên ngành Mầm non), được phân công về dạy ở Ba Tur này. Lớp học do Yến phụ trách có 16 em nhưng ở hai cấp độ khác nhau. Ngoài số em từ 3 - 4 tuổi dạy theo chương trình mầm non, cô còn phải kèm thêm tiếng Việt và Toán cho các em 5 tuổi để chuẩn bị cho các em vào lớp Một.

 

Trường lớp ở Ba Tur rất tạm bợ đúng như lời Bí thư A Vay nói. Diện tích lớp học chỉ chừng 20m2, sau gần một năm học đến nay mái tranh đã thủng nhiều chỗ nhìn thấy trời, các tấm phên nứa che chung quanh gãy nát, trống trên hở dưới... Thôn trưởng A Tha cho biết, cứ vào đầu năm học dân làng cùng nhau góp sức, góp công làm lớp học, nguyên liệu chủ yếu lấy từ rừng về.

 

“Toàn làng có 16 cháu trong độ tuổi mầm non, hôm nay chỉ có 12 cháu đến lớp, còn 4 cháu phải theo bố mẹ lên rẫy. Người dân Xê Đăng làng Ba Tur rất ham học, nhưng khổ nổi đến mùa lên rẫy để con ở nhà không có ai trông coi, đành phải mang theo thôi” - cô Y Phê, hiệu trưởng trường Mầm non xã Ngọc Yêu nói.

 

Do đó, cứ vào vụ mùa, để duy trì sĩ số học sinh các cô giáo cắm làng phải “ba cùng” với dân, ngày dạy học, đêm đi tuyên truyền, vận động phụ huynh. Cô Yến kể, các em học sinh ở đây ngoan và chăm đi học lắm, chỉ thương một nỗi vì cuộc sống còn quá nghèo, bố mẹ thì suốt ngày còn phải lo miệt mài với chuyện nương rẫy để kiếm cái ăn. Có hôm đang dạy học, một cháu bỗng ngã lăn ra, chân tay lạnh ngắt, hỏi ra mới biết sáng bố mẹ đi rẫy sớm, em vội đi học nên không ăn gì, mắc gió...

 

Về những kỷ niệm vui đầu tiên khi lên dạy ở vùng cao này, Yến kể: “Một lần đang giảng bài, cháu xin ra chơi (nhưng lại nói bằng tiếng Xê Đăng), cô không hiểu nhưng gật đầu cho qua chuyện, thế là cả lớp kéo nhau ra sân chơi (vì cô giáo gật đầu cho rồi mà!)”. Yến tâm sự: Thật tình lúc đầu chúng em chỉ mong sao sớm được chuyển công tác thôi, nhưng giờ thì... thương các em quá, nếu mình mà bỏ đi nữa thì đời các em sẽ lại quay về cái vòng đói nghèo như bố mẹ chúng thôi! Yến chỉ mong muốn Nhà nước sớm cho Ba Tur một lớp học kiên cố, mùa mưa các em không phải co rúm người lại mỗi khi cơn gió lạnh thổi qua.

 

Chia tay với lớp học mầm non Ba Tur nơi độ cao 1.500m so với mực nước biển, trong chúng tôi còn mãi những ánh mắt tròn xoe, ngây thơ của 14 em học sinh người dân tộc Xê Đăng, còn mãi lời gửi gắm của cô giáo “cắm làng” Nguyễn Thị Yến: “Ba Tur đang rất cần có một lớp học kiên cố”.

 

ĐH