Nghệ An:
Trường mầm non bị tố lạm thu nhiều khoản vô lý
(Dân trí) - Nhiều khoản thu nằm ngoài quy định của Bộ GD-ĐT nhưng được trường Mầm non thị trấn Con Cuông (Nghệ An) “lách” bằng hình thức tự nguyện và được ban đại diện phụ huynh vận động và tổ chức thu.
Phụ huynh bức xúc vì trường “lạm thu”
Trong đơn thư của phụ huynh học sinh trường Mầm non thị trấn Con Cuông (huyện Con Cuông, Nghệ An) phản ánh, đầu năm học 2012-2013, ngoài khoản thu theo quy định của Bộ GD-ĐT thì nhà trường đã tổ chức thu nhiều khoản trái quy định, có nhiều khoản “vô lý” và để ban đại diện cha mẹ học sinh tự đứng ra “vận động” tổ chức thu với 14 khoản thu khác nhau.
Theo đó, tiền vận động xã hội hóa giáo dục được “vận động” thu với mức sàn cao, 400.000đ/cháu và 250.000đ/cháu (hộ nghèo). Tiền mua đồ chơi, sách vở đồ dùng học tập thu 168.000đ/cháu. Ngoài ra, trường còn thu thêm tiền trang trí lớp học theo chủ điểm là 160.000đ/cháu; Tiền quỹ lớp 50.000đ đến 120.000đ/cháu (tùy vào các lớp); Tiền quỹ hội lớp 50.000đ đến 100.000đ/cháu (tùy vào các lớp); Tiền quỹ hội trường 100.000đ/cháu; Tiền vệ sinh trường, lớp 25.000đ/cháu; Tiền giặt gối, chăn 30.000đ/cháu; Tiền nước uống 30.000đ/cháu; Tiền ăn 15.000đ/cháu/ngày; Tu sửa nhỏ 40.000đ/cháu; Tiền đầu cấp 100.000đ/cháu; Tiền trực ca trưa 40.000đ/cháu/tháng x 9 tháng; Tiền hỗ trợ cô dinh dưỡng 10.000đ/cháu/tháng x 9 tháng.
Theo phản ánh của một số phụ huynh thì hầu hết các khoản thu trên không có danh sách chi tiết gửi cho từng phụ huynh để tham khảo và bàn bạc mà do nhà trường cùng ban đại diện phụ huynh học sinh tự đứng ra “vận động” tổ chức thu. Mặc dù rất bức xúc về những khoản thu vô lý đó, song vì “muốn con hay chữ” nên các phụ huynh đành phải đóng góp và không dám “lên tiếng”.
Ngoài ra, một vấn đề cũng khiến nhiều phụ huynh học sinh có con em theo học tại trường bức xúc, việc đầu năm học, trường đã phân bố lớp 3 tuổi với 3 lớp học, nhưng sau khi vào học được 1 tuần, nhà trường tiến hành sát nhập 3 lớp thành 2 lớp với số trẻ mỗi lớp lên đến 38 em, chỉ với 1 cô giáo của trường và một cô giáo hợp đồng đứng lớp là sai quy định của Bộ GD-ĐT khiến phụ huynh học sinh lo ngại việc đảm bảo chất lượng giáo dục của con em mình.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã đến gặp lãnh đạo trường Mầm non thị trấn Con Cuông. Chiều ngày 1/11, chúng tôi có mặt tại trường Mầm non thị trấn Con Cuông để tìm hiểu sự việc. Bà Hồ Thị Yến - Hiệu trưởng trường Mầm non thị trấn Con Cuông đã từ chối làm việc và tuyên bố “phải có giới thiệu của Phòng thì chúng tôi mới làm việc với báo chí”. Khi được hỏi có một văn bản của Phòng quy định về vấn đề phóng viên tới làm việc phải có giới thiệu của Phòng hay không thì bà hiệu trưởng trả lời: “không có! Nhưng tôi là cấp dưới nên phải có sự chỉ đạo của cấp trên chúng tôi mới làm việc”.
Mặc dù PV đã xuất trình đầy đủ giấy giới thiệu, giải thích rõ ràng về Luật Báo chí, bà hiệu trưởng này vẫn một mực không hợp tác. Đem vấn đề trên, trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Sĩ Huệ - Phó Phòng GD-ĐT huyện Con Cuông khẳng định “Phòng không có quy định nào về việc nhà báo muốn làm việc với trường phải có sự chỉ đạo của Phòng”. Cuối cùng chúng tôi cũng đã phải nhờ đến Phòng GD-ĐT huyện Con Cuông thì mới làm việc được với lãnh đạo trường Mầm non thị trấn Con Cuông.
Ngay sau đó, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo trường. Về vấn đề các khoản thu, bà hiệu trưởng Hồ Thị Yến khẳng định: “Nhà trường chỉ trực tiếp thu các khoản theo quy định của Bộ GD-ĐT. Còn lại các khoản thu khác theo hình thức “tự nguyện” đều do ban đại diện cha mẹ học sinh của trường tự đứng ra tổ chức bàn bạc và thu. Việc thu các khoản tiền đều có bàn bạc và có sự nhất trí của các phụ huynh học sinh”.
Phụ huynh “è cổ” đóng tiền “trực ca trưa”, “hỗ trợ cô dinh dưỡng”
Khi được thắc mắc về các khoản ngoài quy định như “tiền xã hội hóa giáo dục” được thu theo hình thức “tự nguyện” nhưng các phụ huynh phản ánh là “áp đặt” theo một barem sẵn có là 400.000đ/cháu và 250.000đ/cháu (hộ nghèo), cô Yến lý giải: “Tiền này do ban đại diện cha mẹ học sinh tự đứng ra tổ chức thu. Khi vào đầu năm học mới, nhà trường sẽ có những dự định như làm lại sân hay mái che cho các cháu có sân chơi nên sẽ dự trù kinh phí xây dựng, rồi bàn bạc với ban đại diện cha mẹ học sinh và sẽ đề ra mức thu để có đủ kinh phí xây dựng. Nếu thiếu thì nhà trường sẽ phải lấy tiền học phí để bù vào”.
Anh Nguyễn Đình Thành - hội phó ban thường vụ hội phụ huynh cho biết: “Tiền xã hội hóa giáo dục do ban đại diện cha mẹ học sinh và trường bàn bạc đưa ra mức thu dựa trên dự kiến kinh phí xây dựng, mua sắm của trường. Hộ nghèo thu 250.000/cháu. Còn lại thu mức tối thiểu là 400.000/cháu. Nhưng đều được sự đồng ý của phụ huynh”.
Như vậy, mặc dù đây là một khoản thu ngoài quy định, được thu theo mức “tự nguyện” nhưng thực tế ở trường đã có sẵn một barem áp đặt từ trên xuống. Thử hỏi, với số tiền như vậy, để không bị “mất lòng” và muốn cho con mình được “yên phận” học hành thì có phụ huynh nào dám không đồng ý?
Ngoài khoản thu xã hội hóa giáo dục, cha mẹ học sinh được “vận động tự nguyện” đóng góp tiền mua đồ chơi, sách vở, đồ dùng học tập cho trẻ với mức thu 168.000/cháu và tiền trang trí lớp học theo chủ điểm: 160.000đ/cháu. Về khoản thu này, bà Yến lý giải: “Đây là tiền học liệu. Tiền mua sách vở, bút chì, bút màu rồi tất cả các thứ để các cháu học tập”.
Khi được chúng tôi thắc mắc về khoản thu quỹ lớp lại còn có thêm khoản thu quỹ hội lớp và quỹ hội trường thì bà Yến cho biết: “Quỹ hội lớp là họ tự nguyện để tặng hoa cho cô giáo chủ nhiệm trong ngày hội riêng, để động viên cô. Quỹ hội trường để mời các cô giáo ngày hội một bữa cơm. Quỹ lớp là để sử dụng cho các hoạt động trong lớp như thăm hỏi các cháu, mua phiếu bé ngoan động viên các cháu. Theo tôi thì ở đâu cũng có những khoản thu như thế này, và chúng tôi không áp đặt một cái gì hết”. Mặc dù nhà trường đã không áp đặt với khoản thu này, nhưng thực tế nhà trường đã để cho ban đại diện cha mẹ học sinh làm sai mục đích và trách nhiệm của mình khi tự đứng ra vận động tổ chức thu.
Về khoản thu tiền vệ sinh trường lớp và tiền giặt chăn gối, khi được hỏi hiện nay cả nước đang tiến hành chống lạm thu để giảm nhẹ cho các phụ huynh học sinh, vậy tại sao không kết hợp lại thành 1 khoản để thu cho gọn nhẹ, bà Yến lý giải rất “gọn gàng”: “Phải tách riêng ra cho phụ huynh học sinh dễ hiểu”. Một số ý kiến phụ huynh lại cho rằng: Việc tách riêng các khoản thu và đề ra nhiều khoản thu như vậy của trường với mục đích là cho phụ huynh dễ hiểu hay để nhà trường dễ thu. Thức chất đây cũng chỉ là những biện pháp “nhà cũ mà sơn mới” để các trường tránh né quy định của Bộ GD-ĐT.
Các khoản thu theo hình thức “tự nguyện” mà phụ huynh thấy vô lý và bức xúc nhất là tiền “trực ca trưa”, “hỗ trợ cô dinh dưỡng”, “tu sửa nhỏ” và tiền “đầu cấp”. Về những khoản thu này, bà Yến giải thích thêm: “Do trường có các cháu học bán trú và các cô phải làm việc ngoài giờ hành chính nên ban đại diện cha mẹ học sinh đã tự vận động họp bàn và thống nhất để bồi dưỡng thêm cho cô. Tiền đầu cấp thì được thu với các cháu mới vào trường để mua bổ sung thêm các đồ chơi cho trẻ”.
Về vấn đề phụ huynh phản ánh hai lớp học 3 tuổi là 3A và 3B có số lượng trẻ nhiều quá quy định với 38 trẻ và chỉ có một giáo viên của trường và một giáo viên được thuê hợp đồng đứng lớp sẽ không đảm bảo chất lượng và không gian học tập của trẻ, bà Yến cho biết: “Ban đầu trường tổ chức 3 lớp 3 tuổi nhưng do cơ sở vật chất của trường không đầy đủ, ban giám hiệu nhà trường không có phòng làm việc và phải lấy một phòng học làm phòng làm việc của giáo viên, nên trường phải sát nhập 3 lớp 3 tuổi như quy định thành hai lớp 3 tuổi”.
Theo quy đinh của Bộ GD-ĐT, mỗi lớp mẫu giáo 3 tuổi không được quá 25 trẻ/lớp/2 cô. Nhưng tại trường Mầm non thị trấn Con Cuông, số lượng trẻ đã vượt quá quy định với số lượng 38 trẻ và chỉ với 2 giáo viên đứng lớp. Như vậy, với số trẻ tại trường Mầm non thị trấn Con Cuông đã vượt quá quy định nhưng chỉ với hai cô giáo đứng lớp sẽ không đảm bảo được chất lượng giáo dục cho trẻ và không gian học tập, phát triển của trẻ.
Tú Duy - Tình Huê