Trường kinh doanh Harvard cũng “khủng hoảng”

Sự “tụt dốc” của Harvard Business School (HBS) theo đà của nền kinh tế Mỹ, dưới cái nhìn của cựu sinh viên Philip Delves Broughton.

Một ngài Tổng giám đốc Mỹ kiêu ngạo

 

Năm 2002, Jeff Immelt, Tổng giám đốc General Electric, đã đến HBS để giao lưu với các sinh viên. Có một sinh viên hỏi ông ta về sự thờ ơ của General Electric trước thực tế kinh doanh tại những nước General Electric có mặt, đặc biệt là Trung Quốc.

 

Ban đầu vị Tổng giám đốc có vẻ tức giận. Và rồi ông ta kết luận: “Tôi có thể thử cải tạo thế giới mà tôi thấy từ vị trí tôi đang có tại General Electric”. 

 

Thời của họ đã hết

 

Sáu năm sau, tôi nhìn lại câu trả lời của Jeff Immelt thấy ở đó một “điềm báo trước” cho sự tụt dốc của siêu cường kinh tế Mỹ. Immelt đã phải thận trọng, bởi thời của những Tổng giám đốc Mỹ kiêu ngạo đã hết -  những trung tâm tăng trưởng chính của thế giới đã ở tận châu Á, Nga và châu Mỹ Latin.

 

Với HBS -  nơi những khoản thu khổng lồ đến từ việc “bán kỹ năng quản lý Mỹ” -  sự tụt dốc này khiến người ta lo lắng. Bởi hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp Mỹ luôn là lý do thu hút sinh viên nước ngoài đến nước này.

 

Từ khắp thế giới, những sinh viên này tôn trọng các “phương pháp Mỹ” -  dựa trên các số liệu thống kê, ngược lại với những phương pháp nghiên cứu về cảm quan và đa dạng về văn hóa mà người ta thấy ở những nơi khác trên thế giới.

 

Nhưng chính sự tôn trọng này đang bị lung lay bởi thực tế hiện nay.

 

Sự trỗi dậy của những kẻ từng yếu thế

 

Sự nổi lên mạnh mẽ của các nền kinh tế châu Á đã trở thành một mối đe dọa ngày càng đáng lo ngại với HBS. Hơn một nửa số trường kinh tế có tiếng trên thế giới hiện nằm ngoài lãnh thổ Mỹ và 15% trong số đó là ở châu Á. 

 

Trong lớp tôi tại Harvard, gần 30% học sinh được xếp vào loại “quốc tế”. Rất nhiều môn học đề cập đến các vấn đề quốc tế. Còn có hẳn một “tuần lễ quốc tế” trong đó các sinh viên được mặc quần áo truyền thống và được mời lên giới thiệu về đất nước mình.

 

Chúng tôi không dứt tranh luận về toàn cầu hóa và không ngừng nhắc đến “Ấn Độ và Trung Quốc”,  cơ hội của thời đại chúng ta.

 

Một lần, lãnh đạo một doanh nghiệp tư vấn lớn đến nói chuyện. Chủ đề là sự khác nhau giữa phong cách Mỹ và châu Âu trong đàm phán thương mại. Ông ta làm nổi bật sự khác biệt bằng cách so sánh bóng đá Mỹ và châu Âu.

 

Ông nói: Tại Mỹ, bạn chạy thẳng cho đến cầu môn và ghi bàn: thẳng thắn, cứng rắn, trực tiếp. Tại châu Âu, người ta không ngừng chuyền bóng trong khi chờ đợi cơ hội ghi bàn: lươn lẹo, gián tiếp, khó lường.

 

Một sinh viên Pháp giơ tay: “Tuy nhiên một trận bóng đá ở Mỹ kéo dài 3-4 giờ, trong khi tại châu Âu, mọi việc được giải quyết trong 90 phút”. Những sinh viên châu Âu khác bật cười, và ông giám đốc kia có vẻ tức giận.

 

Sự hẹp hòi - hệ quả của việc lấy nước Mỹ làm trung tâm

 

Một lần, một người bạn gốc Trung Đông nói với tôi rằng: HBS không thực sự là một ngôi trường quốc tế. Dưới con mắt của cậu ta, đạo đức được dạy tại HBS về cơ bản là hẹp hòi. Tất cả mọi chủ đề đều được nghiên cứu dưới quan điểm Mỹ. Nếu thử áp dụng mô hình này tại Dubai hay Nigeria, người ta sẽ thất bại.

 

Từ lâu Mỹ đã coi toàn cầu hóa như một công cụ truyền bá phương pháp quản lý của mình. Nhưng giới kinh doanh ngày càng trở nên đa cực, và người Mỹ sẽ không thể mãi là chủ cuộc chơi. Vậy đâu là tương lai cho HBS?

 

Theo Vũ Minh Thu

Sinh Viên Việt Nam/Prospect

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm