Trường học kiêm bãi trông xe: mất nhiều, được ít
Không hợp đồng, không giấy phép, không phát hành vé theo quy định, nhiều năm nay việc sử dụng sân chơi trong các trường học làm bãi trông giữ xe vẫn diễn ra một cách tràn lan.
Sau sự việc một học sinh của trường Tiểu học Nam Trung Yên bị gãy chân do va chạm với xe taxi ở ngay trong trường, rất nhiều bậc phụ huynh tỏ ra băn khoăn về vấn đề an toàn của con em mình khi đến lớp. Trong cuộc đua người người trông xe, nhà nhà thành bãi đỗ, không thể không nhắc tới các trường học - nơi mà sân chơi cho học sinh được coi là điểm gửi xe lý tưởng. Vì thế, câu chuyện tai nạn giao thông hiện nay không còn là “đặc sản” của đường phố mà nó có thể hiện diện ngay cả ở nơi tưởng như an toàn nhất: học đường.
Học sinh mất chỗ chơi
Trường THPT Quang Trung - Đống Đa ở 178 đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) là một ngôi trường đẹp. Bên cạnh các dãy phòng học đẹp đẽ, khang trang, sân trường cũng khá rộng rãi. Vì thế lúc giải lao hoặc sau giờ tan lớp, nhiều học sinh vẫn lưu lại trường để chơi thể thao, tập bóng, đá cầu...
Tuy vậy thời gian gần đây nhiều em đã phải từ bỏ thói quen này bởi nhà trường đã làm dịch vụ trông giữ xe ô tô ngày đêm. Sân trường lúc nào cũng thường trực ít nhất 10-15 xe ô tô các loại. Do xe ô tô của khách đậu lấn chiếm hết chỗ chơi nên việc chạy nhảy, nô đùa của các em không còn thoải mái như trước nữa. Bên cạnh đó, bảo vệ nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở do lo ngại học sinh hiếu động khi chơi thể thao hay đùa nghịch có thể dẫn đến va chạm, làm xước sơn hay hỏng gãy gương kính xe của khách.
Anh Nguyễn Đức V - một phụ huynh có con học tại đây cho biết: “Trước đây, sau giờ học cháu nhà tôi thường nán lại khoảng 30 phút để chơi bóng với bạn. Nhưng bây giờ thì bọn trẻ không còn được “rộng cẳng” như vậy nữa vì lúc nào cũng lo đá bóng làm vỡ kính xe thì bố mẹ sẽ phải đền. Tôi cũng muốn góp ý với nhà trường, nhưng cũng ngại việc góp ý này sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của cháu nên đành động viên con tìm chỗ khác chơi vậy”.
Không chỉ chiếm dụng mất sân chơi của học sinh, việc tổ chức cho trông giữ xe ô tô ngay trong sân trường cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn do học sinh mải nô đùa, trong khi trường THPT Quang Trung - Đống Đa lại cho phép xe ô tô ra vào liên tục bất kể giờ giấc. Có mặt tại trường vào sáng 24-2, chúng tôi còn chứng kiến một chiếc xe gửi tại đây bỗng dưng hú còi báo động ầm ĩ ngay giữa giờ học. Nhân viên bảo vệ phải mất đến gần 10 phút vẫn không thể nào tắt được thứ âm thanh quái ác làm ảnh hưởng đến việc học của toàn trường.
Tương tự, tại trường Tiểu học Nghĩa Dũng ở 55 Nghĩa Dũng (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng biến thành bãi trông giữ xe từ nhiều năm nay. Có mặt tại đây sáng 28-2, dù đang trong giờ học nhưng chúng tôi vẫn đếm được có tới 13 chiếc xe đang đậu trong sân trường. Chị P.T.H - một phụ huynh nói với vẻ đầy sự ái ngại:
“Đây là trường tiểu học nên các cháu học sinh đều chưa tới 10 tuổi. Chính vì còn quá nhỏ nên khả năng quan sát và phản ứng với xe cộ rất hạn chế không thể nhanh nhạy như người lớn. Trẻ con lại mải chơi, vậy mà nhà trường vẫn cho xe ô tô được ra vào tự do nên tôi rất lo, nhỡ con mình xảy ra vẫn đề gì thì biết kêu ai?”
Mất bò vẫn chưa làm chuồng
Thanh minh về việc sử dụng sân trường làm nơi trông giữ xe, bà Đỗ Thị Mai Thanh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghĩa Dũng cho biết, sau sự cố xảy ra ở trường Tiểu học Nam Trung Yên, Ban giám hiệu của trường Tiểu học Nghĩa Dũng cũng rất lo nguy cơ xảy ra tai nạn với học sinh.
“Hiện nay trường Tiểu học Nghĩa Dũng có 4 xe ô tô là của giáo viên và khoảng hơn 10 xe là của người dân xung quanh gửi. Với các xe ô tô của giáo viên, chúng tôi yêu cầu các cô phải đến thật sớm trước khi học sinh tới lớp và về thật muộn sau khi các em đã ra hết sân trường. Còn việc nhận trông xe thêm là nhà trường cũng muốn tạo thêm nguồn thu cho quỹ của công đoàn vì hiện nay quỹ rất eo hẹp. Ngoài ra một phần được dùng để chi trả lương cho bảo vệ” - bà Thanh nói.
Về trách nhiệm cá nhân, bà Thanh cũng thừa nhận: “Việc cho gửi xe trong sân trường dù đứng ở góc độ nào mà nói cũng là không đúng. Nếu có nguồn thu thì tất cả mọi người đều được hưởng, nhưng khi xảy ra sợ cố thì hiệu trưởng lại là người chịu trách nhiệm chính. Không chỉ là nguy cơ tai nạn, giả sử xảy ra cháy nổ, mất mát tài sản thì tôi cũng phải là người đứng ra giải quyết. Vì thế nếu cơ quan chức năng yêu cầu chấm dứt thì trường cũng sẽ chấp hành”.
Trong khi đó, khi được hỏi về chủ trương nhận trông giữ xe của trường mình, bà Nguyễn Thị Kiều Hạnh - Hiệu trưởng trường THPT Quang Trung - Đống Đa lại từ chối vì lý do bận đi họp. Trao đổi nhanh với chúng tôi qua điện thoại, bà Hạnh cho rằng số lượng xe ô tô gửi trong trường là không đang kể và không có gì đáng phải quan tâm.
Thực tế với việc xe ô tô gia tăng chóng mặt như hiện nay thì nhu cầu về bãi đỗ là rất lớn. Thế nhưng, tận dụng sân chơi của học sinh để làm dịch vụ thu tiền thì cũng cần phải xem lại, nhất là khi việc này ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi và sự an toàn của các em. Mặt khác, bấy lâu nay chúng ta vẫn kiên quyết dẹp bỏ các điểm trông giữ xe không phép thì việc tồn tại những bãi xe “dù” trong trường học cũng không thể là ngoại lệ.
Theo Nguyễn Long
An Ninh Thủ Đô