Trường ĐH Vinh áp dụng tuyển sinh theo nhóm ngành
(Dân trí) - Thực hiện Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16/12/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2016 - 2017, Trường Đại học Vinh sẽ chuyển phương thức tuyển sinh theo ngành sang phương thức tuyển sinh theo nhóm ngành theo tinh thần tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học.
Hướng đi mới trong “cuộc cách mạng giáo dục”
GS.TS.NGƯT Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh cho biết: Việc tuyển sinh theo nhóm ngành sẽ mở ra nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong quá trình học tập cũng như tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
“Trước hết cần thấy rằng, việc tuyển sinh theo nhóm ngành là một xu thế phát triển tất yếu của giáo dục đại học Việt Nam. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã tiến hành tuyển sinh đại học theo nhóm ngành và nhóm trường.
Việc tuyển sinh theo nhóm ngành sẽ thúc đẩy các trường đại học tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; bảo đảm công khai, minh bạch trong việc xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh; cân đối quy mô đào tạo giữa các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của xã hội.” - GS.TS. Đinh Xuân Khoa nhấn mạnh.
Cũng theo Theo GS.TS. Đinh Xuân Khoa, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã đề ra mục tiêu:
"Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia; trong đó, có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế. Đa dạng hóa các cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực, ngành nghề; yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế".
“Trên cơ sở đó, Trường Đại học Vinh nhận thấy sự cần thiết phải thực hiện tuyển sinh theo nhóm ngành và đã xây dựng Đề án tuyển sinh đại học năm 2016 trình Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép xét tuyển đại học và triển khai kế hoạch dạy học theo nhóm ngành bắt đầu từ năm học 2016 - 2017”, GS.TS. Khoa nói.
Thứ hai, việc tuyển sinh theo nhóm ngành sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh khi lựa chọn nghề nghiệp, cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ cao hơn so với cách thức tuyển sinh theo ngành như những năm trước đây. Việc xác định các nhóm ngành và mỗi nhóm ngành sử dụng chung một mức điểm trúng tuyển sẽ không còn dẫn đến hiện tượng ngành có tỷ lệ chọi cao, ngành có tỷ lệ chọi thấp.
GS.TS. Đinh Xuân Khoa phân tích: “Thay vào đó, thí sinh đạt điểm chuẩn sẽ được vào học chung nhóm ngành, phổ điểm trúng tuyển đối với thí sinh sẽ rộng hơn. Từ đó, cơ hội trúng tuyển và được học đúng ngành của thí sinh sẽ tăng lên rất nhiều.
Nhà trường đang xây dựng một chương trình học của sinh viên sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I: thời gian đào tạo là 1,5 năm; giai đoạn II: thời gian đào tạo là 2,5 năm (đối với hệ đào tạo 4 năm); 3,5 năm (đối với hệ đào tạo 5 năm).
Sau khi kết thúc giai đoạn I, căn cứ vào hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học của sinh viên, Nhà trường sẽ xem xét, phân ngành học cho sinh viên để học các học phần ngành và chuyên ngành.
Tuy nhiên, lúc này sinh viên có thể lựa chọn ngành học khác, tùy theo nguyện vọng của mình, hoặc có thể đăng ký học cùng một lúc 2 ngành. Đây là một lợi thế không nhỏ mà việc triển khai đào tạo theo nhóm ngành đưa lại cho sinh viên”.
Trên thực tế hiện nay, việc lựa chọn ngành nghề của phần lớn thí sinh khi đăng ký vào đại học đều chưa phải là những sự lựa chọn được tính toán kỹ lưỡng và tối ưu nhất.
Do vậy, trong giai đoạn I, thời gian 1,5 năm học các học phần chung của nhóm ngành, nhờ được trang bị những kiến thức về nhóm ngành; được sống và học tập trong môi trường đại học; được tư vấn, tiếp cận nhiều hơn những kiến thức về xã hội, sinh viên sẽ có những phân tích, đánh giá thực tiễn về cơ hội việc làm của các ngành cũng như năng lực thực tế của bản thân.
Trên cơ sở đó, sinh viên sẽ xem xét lại sự lựa chọn của mình lúc đăng ký dự thi, nếu thấy chưa phù hợp có thể đề nghị chuyển ngành hoặc đăng ký bổ sung học thêm ngành khác. Điều này sẽ chấm dứt một hiện tượng khá phổ biến, đó là sau một, hai năm học tập ở đại học, nhiều sinh viên không hài lòng với sự lựa chọn của mình đã tìm mọi cách để rút hồ sơ thi lại đại học.
Việc làm này vừa lãng phí thời gian và tiền bạc của sinh viên và phụ huynh, ảnh hưởng đến quá trình học tập của sinh viên; vừa gây khó khăn cho các trường vì ảnh hưởng đến ngân sách, đến chỉ tiêu tuyển sinh của Trường.
Như vậy, có thể nhận thấy, việc tuyển sinh theo nhóm ngành sẽ định hướng việc làm cho sinh viên được tốt hơn, giúp sinh viên chủ động hơn trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp, đáp ứng tốt nguồn nhân lực và các ngành nghề mà xã hội đang cần.
Sinh viên có thể học song song 2 ngành học và hoàn thành chương trình học trước thời gian quy định
Theo GS.TS. Đinh Xuân Khoa, việc tuyển sinh theo nhóm ngành cùng với triển khai đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate, có nghĩa là: hình thành ý tưởng - thiết kế ý tưởng - thực hiện và vận hành) của Trường Đại học Vinh sẽ tạo điều kiện cho sinh viên có thể học song song 2 ngành đại học hoặc hoàn thành chương trình đào tạo trước thời gian quy định.
Trước khi xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO, Trường Đại học Vinh đã tiến hành phương thức đào tạo theo tín chỉ. Với phương thức đào tạo này, nhiều sinh viên của Trường đã tốt nghiệp đại học trước thời gian quy định; tốt nghiệp 2 ngành học cùng lúc.
Trong những năm tới, với mô hình đào tạo theo tiếp cận CDIO, việc tích hợp, liên thông giữa các chương trình đào tạo trong một nhóm ngành và giữa các nhóm ngành sẽ lớn hơn, do đó, sinh viên có cơ hội học tập để tốt nghiệp 2 ngành đại học trong khoảng thời gian nhanh nhất. Ngoài ra, nhờ tính liên thông của chương trình đào tạo, sinh viên có thể đăng ký học vượt để hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian sớm nhất.
Do vậy, cơ hội, khả năng có việc làm của sinh viên sau khi ra Trường sẽ lớn hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của xã hội đối với ngành nghề đào tạo, những kiến thức mà sinh viên được trang bị sẽ nhiều hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của việc làm.
Bên cạnh đó, khi triển khai đào tạo theo CDIO thì chất lượng đào tạo, kỹ năng thực hành, thực tế cho sinh viên các ngành học được nâng lên, đáp ứng chuẩn đầu ra và yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Đồng thời, phù hợp với mục tiêu chiến lược của Trường Đại học Vinh là nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế, trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia; là thành viên của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) và là thành viên của Hiệp hội CDIO quốc tế.
Việc tiến hành tuyển sinh theo nhóm ngành ở Trường Đại học Vinh được diễn ra với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo cả về tổ chức bộ máy, nhân sự và cơ sở vật chất của Trường.
Từ năm học 2016 - 2017, Nhà trường cũng tiến hành tái cấu trúc Nhà trường để phù hợp với việc tuyển sinh và đào tạo theo nhóm ngành, khối ngành. Các nhóm ngành sẽ có những khoa đào tạo tương ứng để đáp ứng nhiệm vụ quản lý sinh viên, tổ chức hoạt động đào tạo, qua đó đáp ứng tối đa nhu cầu của người học.
Tuyển sinh theo nhóm ngành cũng là bước đi quan trọng trong quá trình tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Nhà trường.
Nhìn chung, với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị khang trang, đồng bộ, hiện đại cùng chương trình đào tạo tiên tiến, tiếp cận với thế giới và khu vực, Trường Đại học Vinh có thế mạnh trong công tác tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Việc triển khai tuyển sinh theo nhóm ngành là một việc làm cần thiết, đem lại lợi ích thiết thực cho người học, nhà trường và xã hội. Một mặt, mở ra nhiều cơ hội trong học tập và việc làm cho người học sau khi ra trường, góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Mặt khác, là cơ sở, nền tảng để Trường Đại học Vinh trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia, là thành viên của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á.
Nguyễn Duy