"Trường ĐH nên cho sinh viên làm trước rồi hãy dạy sau"

(Dân trí) - Theo Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, trước đây, chúng ta thường học trước, làm sau. Bây giờ làm trước, trải nghiệm trước sau đó mới học thì cái học vào hơn.

Góp mặt tại chương trình "Hội nghị Khoa học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0" (CMCN 4.0) do Bộ Công thương phối hợp với trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tổ chức sáng ngày 26/2 tại Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng (Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel) có bài phát biểu chỉ rõ sự khác biệt về quan điểm giáo dục, triết lý người thầy, sự học, nền tảng của các trường đại học, khoa học đào tạo, nhân lực con người... giữa thời trước so với thời nay - thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hội nghị với sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ CMCN 4.0.
Hội nghị với sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ CMCN 4.0.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, trong thời đại mới, người đi sau phải khác biệt so với người đi trước, vì nếu giống người đi trước thì chúng ta mãi mãi là người đi sau. Bản chất của CMCN 4.0 là các công nghệ mới và sáng tạo.

Ông Hùng kể câu chuyện bản thân sang Malaysia mang theo trăn trở của một tập đoàn vốn ít, công nghệ chưa hiện đại, "không có gì trong tay"... hỏi các học giả nước này. Lúc này, một vị giáo sư người Malaysia đáp ngắn gọn băn khoăn ấy: "Người không có gì trong tay là người có mọi thứ để thắng". Bởi lẽ, người đã có quá nhiều thứ trong tay đồng nghĩa với nỗi sợ mất mát. Đó chính là câu nói "khai sáng" cho tập đoàn Viettel những ngày đầu.

"Chính số 0 mới có sức sáng tạo, chứ không phải là số 1", Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel.

Ông Hùng chỉ rõ hàng loạt điểm khác biệt trước đây - bây giờ trong giáo dục đại học nói riêng và nguồn nhân lực thị trường nói chung. Cụ thể:

Trước đây, chúng ta thường học trước, làm sau. Bây giờ làm trước, trải nghiệm trước sau đó mới học thì cái học vào hơn. Cho nên, các trường đại học cần cho các em làm nhiều hơn, thậm chí cho các em làm trước rồi dạy sau.

Trước đây, người thầy giảng dạy 100%. Bây giờ người thầy có thể không phải là người thầy chuyên nghiệp mà là những doanh nhân, chuyên gia tham gia vào giảng dạy.

Trước đây giáo viên là thầy. Bây giờ người thầy có lẽ là huấn luyện viên (HLV); vì vậy, trò làm là chính và mô hình này có điểm rất hay ở chỗ, trò bao giờ cũng giỏi hơn HLV.

Trước đây chúng ta dạy - học, làm nghiên cứu trong thế giới thực là các phòng thí nghiệm rất tốn kém vật tư, vật liệu, thời gian. Bây giờ chúng ta đã có thể nhìn thế giới thực từ thế giới ảo, cho nên chúng ta có thể biến môi trường ảo thành môi trường mô phỏng hơi hướng thế giới thực vừa nhanh, vừa tiết kiệm.

Trước đây chúng ta dạy sinh viên chuyên sâu từng chuyên ngành. Bây giờ thì lại theo hướng đa ngành, mở rộng cơ hội liên kết giữa các ngành và kỹ năng học giữa các ngành.

Trước đây, sinh viên học trong trường. Bây giờ, học ở ngoài các tốt và các trường trong nước không chỉ liên kết với nhau mà còn liên kết với các trường nước ngoài cũng như các doanh nghiệp.

Trước đây, chúng ta chỉ cần ngôn ngữ giữa người với người (học tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp...) Bây giờ chúng ta cần biết ngôn ngữ người - máy, bởi ở thời CMCN 4.0, máy làm là chính.

Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Trước đây chúng ta dạy học sinh kỹ năng giải quyết vấn đề là chính. Bây giờ có lẽ học cách tìm ra vấn đề là quan trọng nhất vì có những câu hỏi mới có sự sáng tạo.

Trước đây, chúng ta học về những cái thế giới đã làm. Bây giờ chúng ta học về cái chưa ai là.

Trước đây, chúng ta học sự tiệm cận, tiến hóa tốt hơn từng ngày. Bây giờ chúng ta học những đột phá, những cái mới.

Trước đây, thực là quan trọng, nhà trường dạy cái thực là chính. Bây giờ mọi cái được ảo hóa và chúng ta dạy về thế giới ảo.

Trước đây, nghe theo là quan trọng. Bây giờ chúng ta cần hơn tư duy phản biện.

Trước đây, chúng ta dạy sinh viên học "What?" (cái gì), "How?" (thế nào). Bây giờ có lẽ học "Why?" là quan trọng vì có biết "tại sao" thì chúng ta mới có thay đổi và sáng tạo...

Trước đây, tài sản quan trọng nhất của trường đại học là sách, thư viện, giảng đường. Bây giờ, sách đã có trên mạng thì tài sản quan trọng nhất của trường đại học là phòng lab (phòng thí nghiệm), hạ tầng máy móc thậm chí phải giống như một nhà máy. Chắc ít ai trong chúng ta nghĩ đến việc nghĩ trường đại học phải có hạ tầng như một nhà máy để sinh viên có thể thực hiện quá trình sáng tạo trong các "nhà máy" đó.

Trước đây, tiền lương thường có mặt bằng. Bây giờ, nhân sự cạnh tranh chất lượng khác biệt dẫn đến mức lương khác biệt, chênh lệch nhiều.

Trước đây, cạnh tranh là chúng ta làm giống người khác nhưng tốt hơn. Bây giờ, cạnh tranh là sự khác biệt. Trước đây, chúng ta phấn đấu trở thành trường đại học như MIT (Học viện công nghệ số 1 thế giới tại Mỹ) nhưng bây giờ chúng ta phấn đấu trở thành trường đại học làm khác, học khác, dạy khác và... hơn MIT. Và các trường đại học Việt Nam phải cố gắng để nhận bất kì sinh viên giỏi nào của các quốc gia trên thế giới.

Trước đây, chúng ta tìm giáo viên trong số những người giáo viên thì cơ hội tìm kiếm giáo viên là không lớn. Bây giờ chúng ta tìm giáo viên là tất cả những người có chuyên môn đại học, có đam mê dạy học.

Trước đây, chúng ta tìm người trong số 90 triệu người Việt Nam. Bây giờ chúng ta tìm người trong số 7 tỷ người trên thế giới thì cơ hội lớn hơn rất nhiều.

Trước đây, lương giáo viên được định nghĩa một cách hành chính vì vậy chúng ta tìm người chất lượng tương đối như nhau. Bây giờ giáo viên được trả lương theo thị trường (trong nước và thế giới). Do vậy, trường đại học có thể tuyển bất cứ giáo viên nào trên thế giới về giảng dạy.

Trước đây, người giỏi nhất là giỏi nhất. Bây giờ, người giỏi nhất có thể là người dốt nhất vì họ có xu thế ít học hỏi người xung quanh mình; trong khi người dốt lại đi khắp nơi trên thế giới để tìm ra những ai giỏi nhất trên thế giới. tích hợp họ lại. Và đó cũng là cách để tập đoàn Viettel phát triển và khẳng định vị thế của mình.

Trước đây, sinh viên ra trường là mắt xích trong thị trường lao động, trong các nhà máy. Bây giờ sinh viên ra trường trở thành giám đốc của công ty do chính mình thành lập, tập hợp các nguồn lực khác nhau để gây dựng sự nghiệp riêng.

...

Kết lại, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, những tư duy nêu trên rất cần thiết trong dòng chảy đổi mới của thời đại. Cuộc sống luôn sôi động, náo nhiệt và phát triển đã dạy chúng ta rằng: "Điều duy nhất không thay đổi là sự thay đổi".

Vì vậy, các trường đại học phải luôn cần sự cố gắng. Sự cố gắng để thích nghi, giúp cơ thể tiết ra hoóc môn để tăng sự sinh trưởng, tăng sự thông minh chứ không phải cố gắng thì sẽ không còn thời gian và sức lực để sống.

Để thích nghi và phát triển, các trường đại học phải đặt những mục tiêu cao hơn, nhận những nhiệm vụ khó hơn và vượt khỏi vòng tròn an toàn cũng như giới hạn bản thân; phải đặt ra mục tiêu cao nhất, không chỉ là cao nhất đối với Việt Nam mà cao nhất trên thế giới - những mục tiêu mà đa phần mọi người nghĩ là không thể; phải thu hút những người giỏi nhất và ứng dụng công nghệ hiện đại nhất.

Lệ Thu (ghi)