Trường ĐH Công nghệ: Mô hình liên kết giữa Trường và Viện nghiên cứu

Mô hình liên kết hợp tác giữa Trường đại học và Viện nghiên cứu rất phổ biến ở các nước trên thế giới, nhưng còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Trường Đại học Công nghệ là đơn vị triển khai thành công và hiệu quả mô hình này.

GS.TS Nguyễn Thanh Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ: “Những ngày đầu mới thành lập, khó khăn lớn nhất đối với Trường Đại học Công nghệ là có được đội ngũ giảng viên có trình độ khoa học và công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu đào tạo có chất lượng của những ngành học mới, trong bối cảnh lúc đó các lĩnh vực công nghệ cao còn rất mới mẻ đối với nước ta.”
 
Đứng trước thực tế hệ thống các trường đại học và viện nghiên cứu khoa học ở nước ta được tổ chức độc lập và riêng biệt với nhau, dẫn đến tình trạng không có sự phối hợp cần thiết giữa các trường đại học và viện nghiên cứu, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký kết Văn bản Thoả thuận chính thức với Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện trong nghiên cứu, đào tạo và hợp tác quốc tế.
Trường ĐH Công nghệ: Mô hình liên kết giữa Trường và Viện nghiên cứu

"Mô hình liên kết giữa Trường và Viện nghiên cứu đã tạo những nét riêng trong khâu đào tạo của trường ĐH Công nghệ" - GS.TS Nguyễn Thanh Thủy
 
Trong khuôn khổ đó, Trường ĐH Công nghệ đã phối hợp với Viện Công nghệ Thông tin, Viện Cơ học, Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện Vật lý, Viện Khoa học Vật liệu và Viện Toán học xây dựng: các Chương trình đào tạo sau đại học chất lượng cao, Mô hình phối thuộc phòng thí nghiệm và đặc biệt là các Chương trình đào tạo đại học các ngành học mới, có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, như: Công nghệ Cơ điện tử, Công nghệ Vật liệu Nano, Công nghệ Vũ trụ. Năm 1999, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, lúc đó là Chủ tịch Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, đã được mời làm Chủ nhiệm của Khoa Công nghệ (trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) và sau đó, là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐH Công nghệ. Giáo sư cũng là người có công đầu trong việc thiết lập và vận hành mô hình liên kết đặc biệt và hiệu quả này.

Ngay cả lúc mới thành lập, tuy quy mô Trường ĐH Công nghệ không lớn, nhưng tỷ lệ về số lượng các nhà khoa học đầu ngành, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ của trường được xếp ở tốp đầu trong các trường đại học của cả nước. Trường ĐH Công nghệ nhanh chóng khẳng định được vị trí hàng đầu trong hệ thống các trường đại học kỹ thuật và công nghệ định hướng nghiên cứu của Việt Nam và năm 2011, được xếp hạng 147 trong tốp 200 Trường đại học hàng đầu thuộc lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ của châu Á - điều này đã chứng minh tính đúng đắn của hướng đi này. Bên cạnh 2 khoa có bề dày về đào tạo và nghiên cứu: Khoa Công nghệ Thông tin và Khoa Điện tử Viễn thông, Trường có 2 khoa: Khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ nano (định hướng sâu vào khoa học và công nghệ vật liệu, chú trọng công nghệ nano) và Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa (định hướng sâu vào Cơ điện tử, cơ học biển, cơ học thủy khí và môi trường, công nghệ vũ trụ).

Ngoài ra, Trường ĐH Công nghệ còn có một mô hình phối hợp rất sáng tạo và hiệu quả với các doanh nghiệp hoạt động khoa học và công nghệ, đó là với Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI) - Viện nghiên cứu, đào tạo, sản xuất công nghệ cao, trong đào tạo ngành kỹ thuật công nghệ cơ điện tử.

Khoảng 85% sinh viên có việc làm đúng chuyên môn sau khi tốt nghiệp, gần 100% có việc làm phù hợp sau 1 năm cũng xuất phát từ hướng đi đúng đắn trong vấn đề liên kết giữa Trường và Viện. Theo chủ trương chung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiều năm nay chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Công nghệ luôn ở mức ổn định, khoảng 550 sinh viên mỗi năm. Tuy vậy, so với nhu cầu thực tế của các công ty, đơn vị và doanh nghiệp đặt hàng cho Nhà trường, số lượng tuyển sinh như vậy vẫn chưa đáp ứng đủ.
 
Trường ĐH Công nghệ: Mô hình liên kết giữa Trường và Viện nghiên cứu

Cơ hội nghiên cứu và học tiếp là thế mạnh của trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội.

“Ngoài vấn đề hợp tác với các Viện khoa học và công nghệ trong nước, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội có quan hệ hợp tác chuyên môn rất nhiều đối tác trường đại học, viện nghiên cứu và công ty hàng đầu của nước ngoài. Bên cạnh uy tín chuyên môn của Đại học Quốc gia Hà Nội, nói chung và của Trường Đại học Công nghệ, nói riêng, một lý do rất quan trọng là Nhà trường có tới 65% giảng viên có bằng Tiến sỹ và phần lớn trong số họ đều ở độ tuổi khá trẻ, được đào tạo bài bản ở các nước có trình độ khoa học công nghệ cao. Chính họ là cầu nối với các giáo sư trong các đại học, viện nghiên cứu danh tiếng và các chuyên gia trong các công ty hàng đầu. Do đó, sinh viên đang theo học hoặc sau khi tốt nghiệp ở Trường, khi có đủ tiêu chuẩn, sẽ có nhiều cơ hội xin học bổng, tiếp tục học tập ở các trường đại học hàng đầu trên thế giới. Đây là điều mà nhiều học sinh, sinh viên rất quan tâm và lựa chọn học tập tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội của chúng tôi.” - GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy tự hào nói.

Được biết năm nay, Trường Đại học Công nghệ tiếp tục tuyển sinh 7 ngành thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Các ngành đào tạo đều có nhu cầu xã hội cao về nhân lực. Các chương trình đào tạo được phát triển có hệ thống và được cập nhật thường xuyên theo các tiêu chí kiểm định chất lượng quốc tế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm