Trường có "ông vua con" hay "bà la sát" thì làm sao giáo viên hạnh phúc?

(Dân trí) - Tôi đã không ít lần nghe bạn bè là giáo viên trường mầm non, phổ thông than thở và đặt cho hiệu trưởng của mình biệt danh là "ông vua con", "ông trời con", là "bà la sát"...

Không phải ngẫu nhiên mà những năm gần đây việc xây dựng trường học hạnh phúc được Bộ GD-ĐT đặt ra và là mong mỏi của nhà giáo cả nước. Thực trạng giáo viên không được hạnh phúc ở chính ngôi trường mình dạy không còn là tình trạng hiếm thấy.

Trường có ông vua con hay bà la sát thì làm sao giáo viên hạnh phúc? - 1

Nhiều quy định hiệu trưởng đặt ra nhằm cản trở sự phấn đấu của giáo viên, thui chột chuyên môn, không lành mạnh trong thi đua. (Ảnh minh họa)

Có những ngôi trường mà giáo viên cảm thấy khó chịu khi đi dạy

Tâm tư của nhiều thầy cô giáo đang giảng dạy ở các cấp học làm tôi ngạc nhiên: "Khi người thầy không được hạnh phúc với nghề họ rất khổ tâm và tâm trạng rối bời. Mỗi ngày còn làm nghề là trăm mối băn khoăn".

Cách đây không lâu, nói chuyện với người bạn là giáo viên có thâm niên dạy học trên 30 năm, anh trải lòng: "Tôi muốn dạy trực tuyến hết năm học này, đến trường giờ cảm thấy không thoải mái". Cái không "thoải mái", khó chịu đó là thầy bị ban giám hiệu tỏ ra chẳng bằng lòng vì những góp ý về cách xếp hạng giáo viên vừa qua, cách điều hành... Chả là trường bổ nhiệm, xếp hạng sai quy định, với kinh nghiệm, tuổi tác anh góp ý để giáo viên trong trường không bị thiệt thòi và đã bị hiệu trưởng làm khó dễ.

Tôi đã không ít lần nghe bạn bè là giáo viên trường mầm non, phổ thông than thở và đặt cho hiệu trưởng của mình biệt danh là "ông vua con", "ông trời con", là "bà la sát"... Cái gì cũng có lí do của nó mà khi nghe kể về nguyên nhân tại sao giáo viên lại nhìn "thủ trưởng" của mình bằng con mắt không mấy thiện cảm như vậy ai cũng cho là chỉ có ở các ông quan thời phong kiến.

Một thầy giáo tiểu học giãi bày: "Vài năm trở lại đây cứ mỗi ngày đến trường là tôi không thoải mái vì hiệu trưởng o ép giáo viên. Những quy định được đặt ra nhằm cản trở sự phấn đấu của giáo viên, thui chột chuyên môn, không lành mạnh trong thi đua.

Đó là việc trừ điểm thi đua cao khiến giáo viên khó có thể đạt được các danh hiệu thi đua. Nghỉ dạy có phép do ốm đau trừ điểm. Thu không đủ tiền bảo hiểm y tế của học sinh trừ điểm. Học sinh ở lại lớp trừ điểm… Thế nhưng, hiệu trưởng đi trễ về sớm, nghỉ làm thì chẳng hề tự trừ điểm, năm nào cũng chiến sĩ thi đua, bằng khen. Giáo viên nào lên tiếng thì thế nào cũng bị trù dập. Áp lực đè lên vai giáo viên làm ảnh hưởng đến tâm lý, công việc giảng dạy".

Không thiếu những vụ việc hiệu trưởng lạm quyền, tham nhũng, sai phạm về tài chính, không dạy 2 tiết/tuần theo quy định mà vẫn lãnh phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, lạm thu tiền trường, nhận tiền chạy trường, trù dập giáo viên, nhưng thanh tra phòng, thanh tra nhà nước thanh tra xong là chỉ rút kinh nghiệm.

Giáo viên một trường tiểu học cho biết: "Hiệu trưởng nhà trường để xảy ra sai phạm triền miên như không dạy 2 tiết/tuần suốt một thời gian dài vẫn lãnh các khoản phụ cấp hàng trăm triệu đồng và làm hồ sơ giả để hợp thức hóa, sai phạm về tài chính, quản lý tài sản…, nhưng thanh tra Phòng GD-ĐT về làm việc đều bưng bít cho qua".

Những thầy cô giáo dám đứng ra góp ý phê bình, làm đơn, lấy lại công bằng, đứng về lẽ phải sau đó bị "vùi dập". Nhiều giáo viên nhìn vào đồng nghiệp như vậy dù biết nhưng thường im lặng hoặc đứng về phe hiệu trưởng để yên thân và hưởng lợi.

Trong các vụ việc đi tìm lẽ phải của giáo viên, nếu không có sự minh bạch của các cơ quan quản lý thì thiệt thòi luôn bị đẩy về phía thầy cô giáo dám đứng ra đấu tranh. Riết rồi không ai muốn, ai tin nữa, mặc kệ cho những hiệu trưởng thiếu tài, không có tâm làm gì thì làm và giáo dục nơi đó cứ mãi ì ạch, giậm chân tại chỗ, tụt hậu so với nơi khác, giáo viên không còn lòng nhiệt huyết, người thầy giỏi không được ghi nhận xứng đáng. 

Để nhà giáo hạnh phúc cần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh

Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã có rất nhiều thông tư, điều lệ trường học, văn bản… nhằm xây dựng  các nhà trường có môi trường sư phạm văn hóa, đạo đức nhà giáo mẫu mực. Không thiếu những quy định chế tài như thế với mong muốn đời sống giáo dục thật sự lành mạnh. Thế nhưng, nhiều góc khuất do người đứng đầu cơ sở giáo dục tạo ra vẫn tồn tại. Muốn môi trường giáo dục "trường ra trường lớp ra lớp, thầy ra thầy trò ra trò" thì phải bắt đầu từ người hiệu trưởng và các cấp quản lý cơ sở giáo dục đó.

Phải khẳng định rằng vẫn còn không hiếm những thầy cô hiệu trưởng có năng lực quản lý giỏi, có đạo đức và tầm nhìn trong việc xây dựng, phát triển nhà trường. Để một trường học thật sự hạnh phúc phải bắt đầu từ hiệu trưởng bởi hiệu trưởng có vai trò quan trọng, là người lan tỏa hạnh phúc trong nhà trường đến giáo viên, học sinh và phụ huynh. Theo tôi, để nhà giáo thật sự hạnh phúc ở chính ngôi trường mình dạy và cống hiến, cần phải:

Thứ nhất, cấp quản lý các cơ sở giáo dục phải nghiêm khắc xử lý đúng quy định của pháp luật những hiệu trưởng để xảy ra sai phạm, không bao che, nâng đỡ kiểu rút kinh nghiệm và cho qua. Thực tế có rất nhiều tỉnh thành đã làm rất tốt việc này như thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Sóc Trăng, Cà Mau…  đã kỷ luật hay cách chức những hiệu trưởng chỉ không dạy vẫn lãnh tiền phụ cấp.

Thứ hai, phải đẩy lùi, triệt tiêu nạn chạy việc, chạy trường chạy lớp, chạy chức chạy quyền trong giáo dục.

Thứ ba, bổ nhiệm hay thi tuyển hiệu trưởng cần minh bạch, công khai và chọn những thầy cô giáo thật sự có tài, có tâm và có tầm.

Thứ tư, tổ chức công đoàn nhà trường phải mạnh dạn đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng của giáo viên, xây dựng một tập thể đoàn kết, gắn bó yêu thương nhau, nâng cao trách nhiệm, quyền hạn trong hoạt động của mình.

Thứ năm, tập thể sư phạm nhà trường phải nêu cao tinh thần đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, hối lộ, chống dối trá, tạo dân chủ trong trường học.

Hồng Đào

Mọi ý kiến góp ý về giáo dục của độc giả, xin gửi bài viết về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Trân trọng cám ơn!