Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam khảo sát việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại tỉnh Phú Thọ

(Dân trí) - Ngày 16/10 vừa qua, đoàn khảo sát của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam do bà Nguyễn Đăng Cúc - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam làm trưởng đoàn đã có đã có buổi làm việc tại huyện Phù Ninh (Phú Thọ) nhằm khảo sát về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tại các trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn huyện.

Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh Phú Thọ có bà Nguyễn Thị Kim Hải - Ủy viên BTV Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh; Thường trực Hội Khuyến học tỉnh; lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; lãnh đạo UBND, Ban chỉ đạo xây dựng XHHT, Thường trực Hội Khuyến học và một số phòng, ban chuyên môn của huyện Phù Ninh; lãnh đạo UBND, Hội Khuyến học, các trung tâm học tập cộng đồng các xã được khảo sát.


Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Trong khuôn khổ chương trình làm việc, đoàn khảo sát đã đến thăm, làm việc với lãnh đạo UBND xã, Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã Phú Lộc (huyện Phù Ninh); nghe báo cáo về tình hình dạy nghề cho LĐNT gắn với việc triển khai học tập suốt đời cho người lớn thông qua mô hình trung tâm học tập cộng đồng của xã. Theo đó, công tác dạy nghề cho LĐNT tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Phú Lộc luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; đã bước đầu mở rộng liên kết, tập trung vào truyền nghề và tổ chức dạy các nghề: Trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả… Sau học nghề, một số hộ gia đình đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật và những kiến thức được học vào đời sống lao động sản xuất, thu được kết quả khả quan, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Tiếp đó, đoàn đã làm việc với UBND huyện Phù Ninh và Hội Khuyến học tỉnh, nghe báo cáo về thực trạng đào tạo nghề cho LĐNT hiện nay trên địa bàn huyện Phù Ninh nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung; vai trò của Hội khuyến học các cấp trong việc triển khai Quyết định 971/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2016 - 2020. Theo báo cáo của UBND huyện Phù Ninh, hiện nay toàn huyện có 19 trung tâm học tập cộng đồng, 199 nhà văn khu dân cư, 68 cơ sở giáo dục, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 1 trường cao đẳng cơ điện và nghề giấy. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã chỉ đạo tổ chức mở 60 lớp đào tạo nghề cho trên 2.100 người, riêng năm 2017 tổ chức 6 lớp; sau học nghề đã có trên 88% học viên có việc làm. Các nghề được đào tạo chủ yếu là kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; sửa chữa điện tử, điện lạnh, điện dân dân dụng, gò, hàn; làm bánh, bún… Dự kiến đến năm 2020, huyện sẽ mở khoảng 70 lớp đào tạo nghề cho trên 4.000 lượt LĐNT.

Theo báo cáo của Hội Khuyến học tỉnh, từ năm 2011 đến nay, các trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia công tác đào tạo nghề cho người lao động. Đã có 1.306 lớp học nghề được tổ chức tại trung tâm, với số người tham gia là 41.268 người (trong đó có 38.765 thanh niên, học sinh). Các nghề được đào tạo chủ yếu là may công nghiệp, dịch vụ nhà hàng, đan lát thủ công, lái xe ô tô, vận hành xe nâng, máy xúc, điện công nghiệp, mộc, đào tạo ngoại ngữ cho xuất khẩu lao động (tiềng Nhật, Hàn, Trung, Đài Loan); nuôi cá lồng, trồng cây keo lai, trồng chè, trồng cây ăn quả (bưởi, hồng…), trồng hoa và cây cảnh; kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, cây trồng… Nhiều lao động được đào tạo đã tự tạo việc làm hoặc tìm được việc làm, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống. Dự kiến từ năm 2018 - 2020, các trung tâm phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề cho khoảng trên 58.000 người. Các nghề trung tâm có thể trực tiếp đào tạo là các lớp dạy nghề ngắn hạn, tập huấn kỹ thuật cây trồng, chăm sóc vật nuôi; đồ thủ công đan lát, đào tạo ngoại ngữ; tin học, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, nữ công gia chánh, nấu ăn... Các nghề có thể phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề: May công nghiệp, điện dân dụng, dịch vụ nhà hàng, khách sạn…

Hội Khuyến học tỉnh và UBND huyện Phù Ninh cũng có một số kiến nghị, đề xuất như: Chính phủ cần có cơ chế chính sách, đầu tư ngân sách và bố trí đội ngũ, nguồn lực cho việc đào tạo nghề cho LĐNT; mở rộng các ngành nghề đào tạo gắn với nhu cầu thực tế của thị trường và người lao động với phương châm “cần gì, học nấy”… từ đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của đào tạo nghề cho LĐNT tạo các trung tâm học tập cộng đồng.

Qua nghe báo cáo và kiểm tra thực tế, thay mặt đoàn khảo sát, đồng chí Nguyễn Đăng Cúc - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: Nhìn chung, các báo cáo đều khẳng định việc đào tạo nghề cho LĐNT là một việc cần thiết góp phần phát triển kinh tế gia đình, ổn định an ninh trật tự xã hội, nâng cao chất lượng nhân lực và chất lượng cuộc sống; khẳng định sẽ tiếp tục triển khai tinh thần Quyết định 971/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với 3 nhiệm vụ được giao cho tổ chức Hội khuyến học các cấp. Thông qua khảo sát đã đánh giá được nhu cầu học nghề của LĐNT, nhất là học nghề ngắn hạn; thấy được những thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm trong quá trình đào tạo nghề cho LĐNT thông qua hoạt động tại các trung tâm học tập cộng đồng… Đồng chí Nguyễn Đăng Cúc cũng biểu dương sự cố gắng trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện việc dạy nghề cho LĐNT tại các trung tâm học tập cộng đồng trong tỉnh gắn với việc triển khai xây dựng các mô hình học tập trên địa bàn.

Để nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian tới, đồng chí đề nghị: Huyện Phù Ninh cần nhân rộng các mô hình điểm. Huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò nòng cốt của Hội Khuyến học các cấp trong việc tổ chức và nâng cao chất lượng các hoạt động xây dựng xã hội học tập; trong đó coi trọng công tác khảo sát nhu cầu học tập của người dân, tuyên truyền, tư vấn học nghề, giám sát, hỗ trợ hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được học theo nhu cầu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, nguồn nhân lực, năng suất lao động. Chú trọng phát triển, đào tạo các ngành nghề thủ công; song song với việc truyền đạt kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cần trang bị những kiến thức về tiêu chuẩn an toàn sản phẩm, thị trường, kiến thức kinh doanh trong điều kiện hội nhập, tác phong làm việc công nghiệp, sau đào tạo nghề chú trọng giải quyết đầu ra cho sản phẩm.

H.K.H