Trung Quốc tăng đầu tư cho giáo dục mầm non

(Dân trí) - Hôm qua Trung Quốc thông báo sẽ tăng đầu tư cho giáo dục mầm non nhằm đảm bảo rằng trẻ em nước này dễ tiếp cận hơn với một nền giáo dục mầm non "cơ bản" và "chất lượng".

Theo đó, Trung Quốc sẽ thiết lập một mạng lưới giáo dục mầm non có kết cấu tốt để phục vụ cả khu vực thành thị và nông thôn. Thông báo này được đưa ra sau cuộc họp của Hội đồng Nhà nước bàn về chính sách với giáo dục mầm non do Thủ tướng Ôn Gia Bảo chủ trì.
 
Thông báo này nhận định giáo dục mầm non là một "mắt xích yếu" trong hệ thống giáo dục của Trung Quốc do sự thiếu hụt giáo viên và sự phát triển không cân đối giữa các khu vực thành thị và nông thôn.

Sắp tới, chính phủ Trung Quốc sẽ khuyến khích các cộng đồng đô thị, làng mạc, các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp xây dựng nhà trẻ để đáp ứng sự thiếu hụt này và hỗ trợ các nhà trẻ tư thục để họ có thể giảm giá dịch vụ của mình.

Cũng theo thông báo này, các trường mẫu giáo ở các vùng biên giới, các khu vực nông thôn và miền núi, đặc biệt là các tỉnh vùng sâu vùng xa kém phát triển sẽ được hỗ trợ hơn nữa về tài chính.

Đồng thời, chính phủ sẽ đào tạo 10.000 giáo viên và giám đốc các trường mẫu giáo trong ba năm nữa.

Các quan chức cũng phải đảm bảo về sự an toàn của các trường mẫu giáo và các trường không được phép thu các khoản phí không có bảo hiểm.
 
Trung Quốc tăng đầu tư cho giáo dục mầm non - 1
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (bên trái) trò chuyện với trẻ em ở Trường mẫu giáo Xiliushujing, Bắc Kinh trong một chuyến khảo sát ngành giáo dục mầm non khu vực Bắc Kinh hôm 2/11/2010. (Ảnh: Tân Hoa Xã) 

Trước đó, vào hôm 2/11, trong chuyến khảo sát hai trường mẫu giáo ở Bắc Kinh, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển giáo dục mầm non. Ông Ôn Gia Bảo cho biết chính phủ Trung Quốc sẽ tăng đầu tư cho giáo dục mầm non và dành đủ diện tích để xây trường mầm non trong các quy hoạch đô thị nhằm thu hẹp sự thiếu hụt trường mầm non.

Ngoài việc đầu tư về hạ tầng cơ sở, chính phủ Trung Quốc cũng sẽ chú ý hơn đến lương của giáo viên mầm non, trong đó có việc tăng lương và đào tạo thêm giáo viên đủ tiêu chuẩn.

Hiện nay, học phí bậc mầm non gia tăng và việc trẻ không được đi học mẫu giáo đã trở thành những mối quan tâm hàng đầu của những bậc phụ huynh có con nhỏ sống ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, bởi vì tốc độ phát triển dân số của các thành phố này đã vượt quá mức phát triển của các trường mẫu giáo.

Ví dụ, ở Bắc Kinh nơi có dân số hơn 17 triệu người, số lượng trường mẫu giáo giảm từ 3.056 trường vào năm 1996 xuống còn 1.266 trường vào thời điểm hiện nay.

Vấn đề thiếu hụt trường mẫu giáo bắt nguồn từ năm 2000, khi chính quyền thành phố cải tổ ngành giáo dục mầm non, yêu cầu nhiều trường mẫu giáo trở thành những doanh nghiệp thương mại.

Xuân Vũ
Theo CPC/Tân Hoa Xã