Trung Quốc: Con học online, phụ huynh “quá tải”

(Dân trí) - Mặc dù dịch Covid-19 có dấu hiệu giảm nhiệt ở Trung Quốc nhưng nhiều trường nước này vẫn tiếp tục dạy học online để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, việc này lại khiến nhiều bậc phụ huynh phải “đau đầu”.

Việc học online khiến học sinh phải nhìn vào màn hình máy tính nhiều giờ hơn mỗi ngày và khiến cha mẹ, ông bà phải trông chừng các em cũng như kiểm tra bài về nhà của con em được đăng lên các nhóm chat, chụp ảnh các bài tập đã hoàn thành và nộp cho giáo viên.

Nhiều bậc phụ huynh tốn quá nhiều thời gian với việc này và đã lên các trang mạng xã hội bày tỏ quan điểm rằng các lớp học online quá “hình thức” và khiến họ phải gánh thêm quá nhiều trách nhiệm trong khi vẫn phải làm việc như bình thường.

Nhiều bậc phụ huynh lo ngại việc nhìn vào màn hình quá nhiều thời gian trong ngày sẽ ảnh hưởng tới thị lực của con cái.

Trung Quốc: Con học online, phụ huynh “quá tải” - 1
Một bé gái tại tỉnh Thiểm Tây theo dõi bài học online tại nhà.

Liu Yuanju, nhà nghiên cứu thuộc Viện Tài chính và Luật Thượng Hải, cho rằng việc áp dụng hình thức học online gây ảnh hưởng nhiều nhất lên các bậc phụ huynh cũng như có một số điểm yếu.

Học online yêu cầu các gia đình phải có kết nối Internet và có điện thoại thông minh cũng như đòi hỏi các bậc phụ huynh phải có hiểu biết nhất định về công nghệ.

Ông Sun, cha của một học sinh lớp 4 ở Thượng Hải cho biết con trai ông học 7 tiết học/ngày trên laptop tại nhà, từ 8h50 tới 17h. Ông Sun cho biết ông phải theo dõi quá trình học tập của con trai trong suốt ngày đầu tiên. Sau đó, ông chuyển giao trách nhiệm này cho ông bà của đứa trẻ.

Mỗi tiết học kéo dài 40 phút và gồm 2 phần: một bài giảng livestream kéo dài 20 phút và sau đó là tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên, kéo dài 20 phút qua app.

Theo ông Sun, nhiều bậc phụ huynh được yêu cầu đăng ký tài khoản trên app này. Tài khoản này liên kết tới số điện thoại của họ và khiến họ “ngập” trong những thông báo về bài tập cũng như ghi chú trong bài học.

“Tôi nhận được thông báo mỗi lần giáo viên giao bài tập trên app. Việc này khá phiền phức”, ông Sun nói. Ông Sun cũng sử dụng app này trong công việc và cảm thấy lúc nào cũng nghe thấy âm thanh báo tin “Ding Ding” của app.

Ông Sun cho rằng giải pháp dạy học online là cách hữu hiệu để giáo dục học sinh trong bối cảnh các em không thể tới trường vì dịch Covid-19, nhưng việc này cũng làm tốn quá nhiều thời gian của các bậc phụ huynh.

Ông Sun cho rằng việc này đòi hỏi phải có thành viên trong gia đình không làm việc và theo dõi con trẻ cả ngày, giúp các em hoàn thành bài vở. Ông cũng cho rằng làm như vậy là các nhà trường đã đặt trách nhiệm của mình lên vai các bậc phụ huynh.

Từ giữa tháng 2/2020, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã mở chương trình dạy học online cũng như việc dạy học qua truyền hình để hỗ trợ học sinh học tập tại nhà.

Nhiều giáo viên cũng thiết kế các bài giảng online để hỗ trợ học sinh, đặc biệt các em năm cuối trung học, chuẩn bị thi tuyển sinh đại học quốc gia vào tháng 6 tới.

Tuy nhiên, những bài giảng online này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cả học sinh và phụ huynh.

Nhiều chuyên gia giáo dục Trung Quốc cho rằng dạy học online có thể làm gia tăng khoảng cách về giáo dục giữa đô thị và nông thôn, hững nơi có điều kiện tiếp cận Internet khác nhau.

Nhiều phụ huynh cảm thấy học online khá bất tiện vì nhiều bậc ông bà không am hiểu công nghệ. Ngoài ra, do bối cảnh xã hội Trung Quốc, các bà mẹ là đối tượng phải chịu trách nhiệm giám sát việc học hành của con cái.

Hồi tháng 2/2020, các quan chức giáo dục thành phố Jinan đã nhận nhiều chỉ trích vì đề xuất các bà mẹ xin nghỉ việc để ở nhà chăm sóc, giám sát con cái.

Chen Wenxin, mẹ của một bé gái 7 tuổi ở Thượng Hải, cho biết kể từ khi con gái bà bắt đầu học online vào tuần trước, bà cảm thấy nghi ngờ tính hiệu quả của giải pháp này.

Mặc dù con gái bà khá chủ động và không cần giám sát quá sát sao, Chen cho biết đôi khi bé gái cảm thấy chán và xao lãng trong các tiết học.

Bà Chen cũng là người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục online. Bà cho biết các bài giảng online hiện nay vẫn thiếu tính tương tác giữa giáo viên và học sinh.

Nhà nghiên cứu Li cho rằng các nhà giáo dục nên xem xét lại thiết kế của các bài giảng online cũng như chỉ dạy những nội dung phù hợp để dạy online, không nên bao gồm những nội dung bao gồm thí nghiệm và tương tác, hoạt động thực hành.

Ông Li cũng cho rằng nên bổ sung các tiết dạy bù khi dịch bệnh lắng xuống, như kéo dài thời gian học tập tại trường hoặc tổ chức các tiết dạy bù kiến thức cho học sinh.

Minh Hương

Theo Sixth Tone

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm