Trung Quốc: Bố mẹ “học cùng” con cái

“Học cùng” không phải theo kiểu học nhóm, hỗ trợ nhau cùng học tập. Đây là chỉ hiện tượng bố mẹ bỏ nhà bỏ quê lên chăm sóc, giúp đỡ con cái học hành, bất kể con đang học tiểu học hay đã là sinh viên.

Thời gia đình một con, nên từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học, phụ huynh "học cùng" không phải là chuyện lạ. Theo số liệu thống kê của phòng nghiên cứu giáo dục Viện Khoa học xã hội, Trung Quốc (TQ) có 36,8% gia đình có hiện tượng bố hay mẹ "học cùng".

 

Điều mà mọi người không thể chấp nhận là sinh viên (SV) lâu nay vẫn được mọi người công nhận là một người đã trưởng thành, có thể tự lập mà còn trốn trong vòng tay của bố mẹ.

 

Người dân TQ chỉ trích đó là sự thất bại của phương thức giáo dục truyền thống TQ, đồng thời phản ánh sự tai hại của cách giáo dục mong con "hóa rồng". Giáo sư Ngụy của ĐH Giao thông Thượng Hải cho biết có nhiều gia đình đến "học cùng" không phải chỉ vì khả năng tự lập của con cái kém.

 

Do tình trạng thất nghiệp, ly dị, con cái trở thành niềm trông mong duy nhất và quan trọng nhất, nên khi được hỏi phần lớn phụ huynh "học cùng" đều trả lời rằng “con ở đâu thì nhà ở đó!”.

 

Hiện xung quanh cộng đồng SV ở Bắc Kinh, Quảng Châu, Hàng Châu, Thượng Hải đang hình thành một quần thể phụ huynh "học cùng".

 

Họ thuê nhà gần trường; do hạn chế về tuổi tác, hộ khẩu nên chỉ có thể làm những công việc chân tay nặng nhọc, cam chịu cực khổ ở nơi đất khách quê người để được chăm sóc con cái.

 

Ví dụ như Triệu Tú Hoa nguyên là giáo viên ưu tú của Trường Kỹ thuật Lan Châu, sau khi ly dị chồng trở thành bà mẹ độc thân. Vì muốn “học cùng” với cô con gái (đang chuẩn bị thi nghiên cứu sinh) nên đến Thượng Hải đã được nửa năm nay. Cuộc sống của hai mẹ con chỉ dựa vào đồng lương hưu mỗi tháng 500 nhân dân tệ và số tiền làm thêm của con.

 

Từ An Kỳ, thuộc phòng nghiên cứu xã hội học Viện Khoa học xã hội Thượng Hải, đặc biệt quan tâm đến các gia đình độc thân (do ly dị hay bạn đời ra đi sớm), cho rằng việc di cư theo con cái cũng được xem là lối thoát khỏi sự ám ảnh của cuộc hôn nhân trước và sự kỳ thị của xã hội đối với gia đình độc thân.

 

Hiện nay xã hội TQ vẫn có cái nhìn hơi khắt khe đối với vấn đề ly hôn, những gia đình độc thân luôn bị gán cho một cái mác hư hỏng. Gia đình độc thân luôn nghĩ đến việc bù đắp cho con cái nhiều hơn, đặt vào con tất cả tình cảm, do đó họ dễ dàng từ bỏ tất cả vì con cái.

 

Sự từ bỏ đó phải trả một cái giá rất đắt. Một nửa gia đình ly hôn hầu như không nhận được trợ cấp nuôi con, bắt đầu lại từ đầu ở một thành phố khác, áp lực kinh tế của gia đình độc thân vô cùng nặng nề.

 

Thật ra thì cuộc sống SV cũng không có nhiều việc phải làm, bố mẹ đến không chỉ khiến con cái mất đi cơ hội rèn luyện, mà dễ hình thành tính ỷ lại. Còn SV thì không hiểu được nỗi cực nhọc của bố mẹ, tấm lòng của bố mẹ, họ cho rằng tình thương yêu của bố mẹ quá nặng nề khiến họ không thở nổi.

 

Một nữ SV ĐH Khoa học kỹ thuật điện tử Hàng Châu được bố mẹ đến cùng học, cho biết cô hi vọng được trở về thời trung học, được ở chung với bạn học. Lý do "cùng học" của mẹ cô suốt ba năm qua là không muốn cô có bạn trai trong thời gian đang học.

 

Lư, học sinh lớp 12 Trường trung học Nam Khai cho biết hiện tượng “học cùng” rất phổ biến; trong mắt phụ huynh họ vẫn là trẻ con, cần chăm sóc, cần hỏi han nhắc nhở về chuyện ăn mặc, học tập hằng ngày; phụ huynh không tin tưởng là họ có thể chăm sóc tốt bản thân. Lư bức xúc: "Tôi phản đối việc học cùng, tuy chúng tôi chưa đến tuổi thành niên nhưng chúng tôi đã có cách sống và học tập của chúng tôi. Chúng tôi phần lớn cảm thấy việc “học cùng” chẳng giúp ích gì cho học tập mà chỉ làm tăng áp lực thôi”.

 

Ngay cả Dư, nghiên cứu sinh năm hai, cũng cho biết: “Thật ra tôi phải chịu một áp lực lớn, mẹ đã hi sinh nhiều vì tôi, nên hiện rất sợ mình có quyết định gì sai trái vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của cả hai mẹ con”. Dư đã từ bỏ cơ hội đi nước ngoài, hiện mỗi ngày đi làm thêm hai chỗ. Xem ra cũng như phụ huynh, gánh nặng của những đứa con được “học cùng” cũng không kém gì bố mẹ.

 

Một giáo viên cho biết nếu như “học cùng” giúp SV có sức đề kháng tạm thời nhưng đồng thời cũng sẽ khiến SV mất đi tính độc lập về tinh thần, tự do về tư tưởng và cảm nhận thiết thực về đời sống SV.

 

Giáo sư Tần Khởi Văn, chuyên gia xã hội học Trường ĐH Sư phạm Tây Nam, cũng cho biết "cùng học" là sự tôn sùng quan niệm giáo dục truyền thống. Nhiều gia đình mang nặng tư tưởng đời trước giỏi không bằng đời sau giỏi.

 

Tầng lớp người trung niên của TQ ngày nay phần lớn không có cơ hội học tập đầy đủ nên đặt tất cả hi vọng lên con cái, họ tự nguyện hi sinh cho việc học của con cái. Đây là tâm lý bù đắp thường thấy ở những người sinh ra trong thập niên 1950 - 1960.

 

Ngoài ra cùng với việc theo đuổi trình độ học vấn cao ở các thành phố lớn, phụ huynh cảm nhận được áp lực của sự cạnh tranh, ngày càng nhận thức được tính quan trọng của giáo dục, lại thêm tâm lý ganh đua, luôn hi vọng con cái của mình phải giỏi hơn người khác, luôn muốn làm cái gì đó cho con.

 

Đương nhiên việc gì cũng có mặt lợi của nó, “học cùng” đối với trẻ em dưới 15 tuổi rất có ích, nhưng đối với học sinh cấp III hay ĐH thì chẳng nên chút nào. 

 

Cảnh Chánh (Bắc Kinh) - Tuổi trẻ