Trồng rau cải, nuôi con vào Đại học
Ấp Cái Già Bến, xã Hiệp Mỹ Đông, Cầu Ngang, Trà Vinh, có gia đình anh Nguyễn Minh Mẫn trồng rau cải, nghèo khó, cơ cực nhưng nuôi được 3 con ăn học đàng hoàng.
Vợ chồng anh Mẫn, chị Chuối bắt đầu lập nghiệp ở xã Hiệp Mỹ Đông từ năm 1980. Được cha mẹ cho gần chục công đất nhưng lại nằm trong vùng ngập mặn, nhiễm phèn quanh năm, trồng lúa cho năng suất thấp, cuộc sống hết sức bấp bênh. Khi 3 đứa con lần lượt chào đời thì gia đình anh chị rơi vào túng quẫn. Thấy trồng lúa không ổn, anh chị xẻ mương lên liếp trồng rau cải.
Ở ấp Cái Già Bến này trước nay chưa có ai trồng rau. Nhưng công sức cải tạo đất không quản đêm hôm đã cho anh chị những gánh rau ít ỏi đầu tiên. Ngày ngày chị gánh rau ra chợ, giá cả đắt rẻ không chừng, có ngày bán cả gánh rau chưa mua được hai cân gạo. Nhưng cuộc sống có thu nhập thường xuyên, đỡ bấp bênh.
Có hôm anh cuốc đất đói lả, nằm thiếp đi trên bờ đê do cả buổi sáng không ăn uống gì. Cơm thì bữa đói bữa no. Vài người hàng xóm bảo sao không cho con cái nghỉ học phụ giúp trồng rau hoặc đi làm ăn xa kiếm tiền phụ thêm. Anh chị nghiến răng chịu vất vả, kiên quyết cho 3 đứa con được đến trường.
Tôi đến nhà anh chị, thấy căn nhà vẫn còn ọp ẹp, xiêu vẹo lắm. Ngước nhìn thấy ánh mặt trời xuyên qua mái lá. Anh nói: “Mái lá này đã sáu năm, rách hết rồi, ráng thêm mùa mưa năm nay cũng phải thay. Còn chiếc bàn tre này vừa để tiếp khách vừa để ăn cơm và cho các con học hành”.
Khó khăn như vậy nhưng cả 3 đứa con của anh chị đều học giỏi. Con lớn là Nguyễn Thị Mỹ Lệ Dung sinh năm 1981, học sinh xuất sắc của trường THPT huyện Cầu Ngang.
Nhắc đến Lệ Dung là chị Chuối không cầm được nước mắt: “Hằng ngày cháu Dung phải lội bộ ra ngoài thị trấn xa hàng chục cây số để học. Nhà không có tiền cho cháu ăn quà sáng, đi học phải nhịn đói, có hôm cháu đi học về xỉu dọc đường vì đói, nhờ bạn đưa vào bệnh viện cấp cứu truyền nước mới tỉnh lại”.
Lệ Dung thi đậu vào trường đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TPHCM nhưng Dung lại học Cao đẳng Sư phạm Trà Vinh để nhẹ lo cho cha mẹ. Đi học trong tỉnh, hằng tuần Lệ Dung về phụ giúp cha mẹ gánh nước tưới rau. Hiện Lệ Dung đã tốt nghiệp, đi dạy ở trường THCS xã Long Sơn.
Con trai Nguyễn Minh Khoa sinh năm 1985, năm học 2003-2004 từng làm xôn xao cả trường THPT Cầu Ngang khi đậu 3 trường ĐH. Hiện Khoa đang học năm thứ hai trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Chi phí ăn học cho con khá tốn kém buộc anh chị phải quần quật ngoài vườn rau có khi đến tận nửa đêm.
Công việc nặng nhọc vất vả, thu nhập từ tiền bán rau cải chưa nhiều nên ăn uống thiếu thốn, chị Chuối thường bị bệnh. Hôm tôi đến nhà, trông chị nước da vẫn còn xanh, khuôn mặt gầy guộc. Chị vượt qua bệnh tật vì thương con và nhờ anh Mẫn luôn động viên: “Ráng sống phụ với tui lo cho thằng Khoa trở thành bác sĩ”.
Mới đây, túng quá anh chị đành đem cầm cố hết 4 công đất để mỗi tháng có số tiền gần bằng 30 gia lúa gửi cho con. Tài sản duy nhất đem đi cầm cho người ta anh chị đau lòng lắm nhưng lại ráng chịu đựng.
Anh tâm sự: “Chuyện học của cháu còn dài, mấy công đất có thể phải bán đứt thì tôi vẫn quyết chí nuôi thằng Khoa học đến nơi đến chốn. Đất có thể hết, nhà cửa xiêu vẹo có thể sập nhưng thằng Khoa phải thành bác sĩ để chữa bệnh cho bà con ở đây”.
Thấu hiểu nỗi cơ cực của cha mẹ, Khoa cố gắng học tập và năm học 2004-2005 được tặng cùng lúc học bổng của trường ĐH Cần Thơ và của Hội khuyến học tỉnh Trà Vinh. Món tiền quý giá kịp thời giảm bớt gánh nặng đang oằn trên vai vợ chồng nghèo trồng rau ở ấp Cái Già Bến.
Con út Nguyễn Thị Mỹ Lệ Tiên của anh chị đang học lớp 8 trường THCS Hiệp Mỹ Tây và cũng là học sinh xuất sắc. Ngoài giờ học, Lệ Tiên phụ giúp cha mẹ cắt rau, nhổ cỏ và gánh rau ra chợ.
Anh chị cố dằn nỗi mệt nhọc, vui cười nói: “ Hiện gia đình tôi không có nỗi lo nào ngoài việc học hành của các con cho thành người. Các con có sức học đến đâu, vợ chồng tui ráng lo đến đó. Đời mình nghèo khổ vì ít chữ nghĩa rồi, nay phải lo cho con thoát cảnh đó”.
Theo Phượng Khánh
Tiền phong