Trò mà dám “khôn” hơn thầy

(Dân trí) - Phản biện lại ý kiến của giảng viên, cô sinh viên bị “nhớ mặt đặt tên” thi đi thi lại cho đến gần hai năm sau khi thầy đã nghỉ dạy thì cô mới qua nổi "cửa ải" môn học này.

Thầy nói một, trò dám nói hai?

Có điều kiện học tiếng Anh từ nhỏ, em Tr.D.A, học sinh (HS) lớp 7 một trường THCS có tiếng ở TPHCM rất nổi trội ở môn học này. Nhưng gần cả năm nay, trong giờ tiếng Anh, A. chỉ ngồi yên một góc, không phát biểu, không ý kiến, trái hẳn với sự năng nổ, nhanh nhẹn của em.

Hoá ra, trong lần cô giáo giải bài, A. đứng dậy chỉ ra cách làm của cô chưa phù hợp và đưa ra một cách giải khác. Nhiều HS trong lớp đồng tình với cách giải của A. thì cô giáo không hề chỉ ra cách làm của A. đúng sai ra sao mà chỉ nói: “Em thích cách nào là việc của em. Còn học tôi phải làm theo cách của tôi”.

Học trò còn ngại bày tỏ ý kiến, quan điểm khác với thầy (Ảnh minh họa)
Học trò còn ngại bày tỏ ý kiến, quan điểm "khác" với thầy (Ảnh minh họa)

Đến giờ ra chơi, HS vẫn xầm xì cách của cô nhiều điểm chưa hợp lý. Sau lần đó, không bao giờ A. còn cơ hội để phát biểu trong lớp, kể cả những câu hỏi chỉ mình A. giơ tay, cô giáo cũng không gọi em.

Cũng là giáo viên dạy Toán nên khi con trai học lớp 8 nhận điểm 2 môn Toán, anh Nguyễn Văn Trung, ở quận Phú Nhuận, TPHCM xem xét lại bài làm của con rất kỹ. Con anh giải bài toán theo cách khác, không thể nói là sai, có chăng không giống với cách thầy hướng dẫn trên lớp.

“Đáng buồn là thầy thẳng tay cho điểm 2 mà không hề chỉ ra cháu làm sai ở đâu. Tôi khuyên con nên hỏi lại thầy, nhưng cháu lắc đầu không chịu, nói như vậy sẽ bị thầy ghét. Trong khi tôi khuyến khích con tìm nhiều hướng đi cho một vấn đề thì giờ cháu lại khăng khăng chỉ làm theo cách của thầy”, anh Trung tâm tư.

Bị “nhớ mặt đặt tên” vì dám phản biện thầy

Trên thực tế, không ít trường hợp chỉ cần học trò có ý kiến khác chứ chưa nói là trái với người thầy đã có thể nhận ngay “thái độ” từ thầy. Và nặng hơn có thể gánh hậu quả bị thầy trù dập.

Không chỉ ở bậc phổ thông, nặng việc truyền thụ kiến thức thầy giảng trò chép mà ở ngay cả bậc đại học, đòi hỏi cao sự tuy duy, tự học của sinh viên thì việc phản biện lại ý kiến của giảng viên cũng rất trắc trở.

Thầy trò ở TPHCM cùng trao đổi về một đề thi
Thầy trò ở TPHCM cùng trao đổi về một đề thi.

Câu chuyện được một nữ sinh H.N. trường ĐH V. kể tại một hội thảo giáo dục ở TPHCM. Giờ học Triết, khi bàn luận về chủ đề tác hại của ma tuý, giảng viên lớn tuổi khẳng định ma tuý chỉ có hại, làm mọi cách phải loại trừ. N. phản biện lại, cho rằng trong một số trường hợp ma tuý vẫn được sử dụng với liều lượng nhất định như chế biến thuốc chữa bệnh.

Thầy giáo không trao đổi thêm một lời, chỉ hỏi lại: “Chị tên gì?”. Cho đến lúc bạn bè đã ra trường, N. vẫn chưa thể qua nổi môn học của thầy. Cho đến hai năm sau chỉ khi thầy đã về hưu, N. mới thi qua môn học và tốt nghiệp.

“Em không khẳng định mình bị thầy trù dập. Nhưng giá như trong giờ học hôm đó, nếu em nói sai, thầy trao đổi lại thay cho việc chỉ hỏi tên em thì em đã không ấn tượng xấu cho đến bây giờ”, N. nói.

D. - sinh viên ngành Báo chí cũng chia sẻ câu chuyện cậu phản bác lại lập luận của giảng viên khi đang học năm thứ hai. D. không dám nhận là mình đúng nhưng có điều, thầy không trao đổi ý kiến của D. đưa ra mà chỉ vặn lại một bằng một câu mà trò hết đường tranh luận: “Thế anh là thầy hay tôi?”.

Không thể phủ nhận việc học ngày nay ngày càng có sự tương tác hai chiều giữa người dạy và người học. Nhưng nhìn chung việc dạy học vẫn còn nặng áp đặt từ người thầy, không hiếm những người thầy bảo thủ, máy móc, luôn cho mình là đúng, là nhất.

Theo một lãnh đạo ngành giáo dục ở TPHCM, nhiều thầy cô còn “khó chịu” khi HS có ý kiến khác mình trước hết là họ còn nặng vị thế “bề trên” - cho mình là người trao cho các em kiến thức nên rất ngại nhận sai. Họ chưa sẵn sàng tâm thế việc dạy học là thầy trò cùng giải quyết vấn đề, cùng đi tìm chân lý.

Nhà văn, nhà giáo Nguyên Ngọc cho hay điều quan trọng nhất của việc học là phải tạo được nền tảng, trao cho con người quyền đi tìm chân lý mới là thực học.

Ngoài người thầy, hiện nay HS có nhiều kênh để học hỏi. Việc trò giỏi hơn thầy phải xem là chuyện bình thường và cần khuyến khích. Còn không người thầy đang góp phần “bóp nghẹt” tư duy, sự sáng tạo, tự tin của trẻ cũng như đang tự “đóng khung” mình với tri thức, tư duy hạn hẹp.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm