Trò chuyện với chàng sinh viên Đại sứ môi trường
(Dân trí) - Nhìn cảnh môi trường quê hương ngày càng bị ô nhiễm, chàng sinh viên học ngành Kinh tế đối ngoại Nguyễn Tuấn Cường mày mò nghĩ cách “cứu” môi trường. Bước đầu, dự án tuyên truyền của Cường đã giúp cậu trở thành Đại sứ môi trường Bayer năm 2010.
Để trở thành đại sứ môi trường, Tuấn Cường - sinh viên năm 3 khoa Kinh tế Đối ngoại Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở TPHCM) đã trình bày thuyết phục đề tài “Tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân vùng quê”. Nói về ý tưởng xây dựng nên đề tài, chàng sinh viên là cựu học sinh trường THPT Tân Châu (An Giang) cho biết: “Ý thức bảo vệ môi trường ở quê em rất tệ. Dù không có một nhà máy công nghiệp xả nước thải vậy mà chỉ rác sinh hoạt thôi cũng đã gây ô nhiễm nặng”.
Cường kể rằng, “người dân quê em từng tự hào về con kênh Vĩnh An với dòng nước trong lành, đầy phù sa và tôm cá. Nhưng đó chỉ là chuyện của rất nhiều năm trước. Vì thiếu ý thức nên người dân sống ven kênh này thải rác sinh hoạt vô tội vạ xuống lòng kênh. Rồi nước kênh chuyển sang đen ngòm, bốc mùi hôi nồng nặc, ruồi muỗi sinh sôi... Với nhiều lí do và sự ô nhiễm kinh khủng, cuối cùng chính quyền địa phương đã quyết định lấp con kênh này.
“Làm thế nào để người dân từ bỏ thói quen xả rác không đúng chỗ?”, “Làm thế nào để không tái diễn những dòng kênh bị lấp?”. Đó là những câu hỏi khiến Cường luôn trăn trở. Sau nhiều lần suy nghĩ, Cường nghĩ ngay đến vai trò người phụ nữ trong gia đình, có vai trò quyết định đến việc sinh hoạt hàng ngày. Đó chính là đối tượng chính được hướng đến trong đề tài “Truyền giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân vùng quê”.
Sau khi thuyết phục được ban tổ chức cuộc tuyển chọn đại sứ môi trường, đề tài được nâng thành dự án và cấp kinh phí gần 2 triệu đồng. Với số tiền ít ỏi này, Cường bắt tay vào việc in tờ rơi và mua gần 100 thùng rác đặt trước mỗi nhà dân và trường học để người dân không vứt rác tùy tiện. Đặc biệt, để các bà nội trợ hiểu thêm về điều này, Cường tìm đến các chùa, nhà thờ để nhờ các sư, thầy tuyên truyền, giảng giải về việc bảo vệ môi trường.
Và rồi cuối năm ngoái, Cường được nằm trong 50 sinh viên đến từ 180 quốc gia được có mặt trong chuyến du khảo sinh thái tại Đức trong vòng một tháng. Bên cạnh được trau dồi ngoại ngữ, Nguyễn Tuấn Cường nhìn nhận rằng cái được chính là có được chuyến đi học kinh nghiệm ý thức bảo vệ môi trường nơi xứ người.
Vai trò của một đại sứ môi trường chỉ kéo dài trong vòng 1 năm. Bên cạnh dự án đầu tiên bước đầu thành công, Cường còn ấp ủ thêm nhiều đề tài khác tuyên truyền xây dựng môi trường xanh khác. Biết rằng để thay đổi thói quen của con người không dễ, nhưng quan điểm của chàng sinh viên trẻ này là “thà làm việc nhỏ chứ không thể làm ngơ với việc môi trường đang bị hủy hoại”.
Ước mơ của Cường là sau khi ra trường sẽ tiếp tục học lên với chuyên ngành phát triển bền vững. Tuấn Cường cho rằng “ môi trường và kinh tế không khác nhau lắm. Ở nước ngoài có ngành học rất hay là phát triển bền vững. Mới nghe thì thấy chẳng liên quan gì nhưng thực tế ngành học này liên quan nhiều đến kinh tế. Vì kinh tế muốn phát triển tốt thì phải đi đôi với một môi trường tốt”.
Được biết, cuộc thi Đại sứ môi trường Bayer là hoạt động do Trung tâm phát triển và hợp tác quốc tế thanh niên (CYDECO) thuộc Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Giáo Dục và Đào tạo và tập đoàn Bayer tổ chức thường niên kể từ năm 2006. Đây là chương trình giáo dục môi trường dành cho sinh viên do Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phối hợp với các đối tác tại các quốc gia đồng thực hịên.
Năm 2010, cùng với Nguyễn Tuấn Cường, bạn Nguyễn Thị Thanh Thảo, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM cũng là Đại sứ môi trường với dự án “Lồng ghép giáo dục kiến thức và ý thức bảo vệ môi trường vào bài tập toán ngoại khóa cho học sinh tiểu học”
Lê Phương