Trò chuyện cùng sinh viên Trung Quốc du học Việt Nam

(Dân trí) - Trước buổi gặp gỡ tôi đã cẩn thận nhờ một cô bạn nói tiếng Trung rất giỏi làm phiên dịch để đề phòng “sự cố” xảy ra. Nhưng cuối cùng, cô ấy hoàn toàn “thất nghiệp”.

Khi tôi ngỏ ý muốn gặp gỡ vài sinh viên Trung Quốc sang học tiếng tại Việt Nam, thầy Tư, trưởng Khoa tiếng Việt của trường Đại học Ngoại Ngữ vui vẻ nhận lời ngay. Ông cho biết: Mỗi năm khoa đào tạo khoảng 5 lớp tiếng Việt dành cho học sinh Trung Quốc. Mỗi lớp có trên dưới 20 em theo học. Đây là chương trình 2+2, có nghĩa là sinh viên sẽ học 2 năm tại Trung Quốc và sẽ học tiếp 2 năm cuối ở Việt Nam.

 

Lớp học đang giờ giải lao, biết tôi là phóng viên nên các bạn hơi e ngại. Nhưng rồi, chỉ sau một vài câu trao đổi, cuộc chuyện trò của chúng tôi lập tức nổ như ngô rang.

  

Nếu không được giới thiệu trước chắc tôi không thể biết họ là nguời Trung Quốc, bởi trông các em cũng nhỏ nhắn và có khuôn mặt giống hệt những cô cậu sinh viên Việt Nam trong trường.

 

Tôi làm quen với một cô bé có nụ cuời cởi mở với cái tên rất hay, Dư Tuyết Diễm. Nhà Diễm ở tỉnh Vân Nam. Cô bé muốn trở thành một phiên dịch. Em đã học tiếng Việt tại Trung Quốc 2 năm và đã sang Việt Nam được nửa năm để học nốt chương trình còn lại. Diễm nói khá tốt song rất ngại môn ngữ pháp, cô than thở rằng đến bây giờ vẫn hay nhầm giữa từ “song” và “xong”.

 

 

Trò chuyện cùng sinh viên Trung Quốc du học Việt Nam - 1
 

Dư tuyết Diễm

Mỗi năm Diễm và các bạn phải nộp  2.000USD tiền học phí còn ở, ăn uống thì tự túc. Các em được ở ký túc xá sinh viên quốc tế của trường. Đó là khu vực quản lý an ninh khá chặt chẽ, khách đến chơi chỉ được lên phòng của sinh viên vào tối thứ tư và tối chủ nhật trong tuần. Diễm kể rằng, buổi tối cô thường ra cửa hàng Internet để đọc báo điện tử và “chát” với bạn bè. Những ngày không có tiết học, Diễm tranh thủ “bắt” xe buýt đi tham quan Hà Nội. Cô khoe đã từng đi chơi nhiều nơi, cô thích nhất được ngắm cảnh hồ Hoàn Kiếm, đi ăn bún ốc và chả cá Lã Vọng, rất ngon. Tuy nhiên Diễm phàn nàn rằng thức ăn ở Việt Nam ít dầu mỡ nên... chóng đói, khiến một ngày cô phải ăn mấy bữa.

 

Tôi tiếp tục quay sang bắt chuyện với cậu lớp trưởng Hoàng Vinh Soái. Cậu này khá tự nhiên và lém lỉnh. Soái nói tiếng Việt rất sõi. Cậu giới thiệu mình là người tỉnh Bằng Tường. Nhà Soái đã làm ăn buôn bán ở Việt Nam khá lâu nên cậu ấy đã rất quen thuộc Hà Nội, Soái nói rằng khi nào nhớ nhà chỉ việc bắt xe đi Lạng Sơn rồi qua biên giới đi tiếp một chặng nữa là về đến nơi.

 

Khi tôi hỏi về những khó khăn trong cuộc sống mới và hỏi cậu ấy có định đi làm thêm để giảm bớt chi phí cho gia đình không? Soái khoe, cậu đã từng làm phiên dịch cho vài đoàn khác và kiếm được một khoản kha khá, tuy nhiên thỉnh thoảng mới kiếm được một chân. “Em cũng muốn tập trung vào học tiếng thật tốt để trở thành một hướng dẫn viên du lịch giỏi, lúc ấy sẽ kiếm tiền để bù lại chi phí bỏ ra”- Soái nói.

 

Cậu bảo có rất nhiều bạn ở Việt Nam nên thường được đưa đi chơi. Soái đã từng đi thăm Quốc tử giám và thấy nó giống Quốc tử giám bên Trung quốc của cậu, tuy có bé hơn một chút. Rồi Soái lại khoe đang “cưa” một cô gái Hà Nội rất xinh và cô ấy sắp “đổ” rồi.

 

Soái cũng có “nỗi buồn” giống cô bạn Diễm, ấy là món ăn quá ít dầu mỡ khiến cậu thấy khó ăn và nhanh đói. Soái tả rằng bát phở ở quê cậu ấy to gấp 3 lần phở ở Hà Nội. Cậu ấy hỏi tôi, món “Thăng Long đệ nhất giả cầy” là món gì và bán ở đâu để rủ bạn đến ăn thử? Khi tôi hứa lúc nào có dịp sẽ mời cậu ấy đi thưởng thức, Soái tỏ ra rất khoái chí.

 

Câu chuyện của chúng tôi còn diễn ra rôm rả với Hoằng Mai, với Lê Minh, KhổngTú Diệp... điều khiến tôi cảm nhận rõ nhất là sự chân thành và chan hoà của các em.

 

Tạm biệt những bạn sinh viên Trung Quốc tôi cảm thấy vui vui bởi thông tin của thầy Tư,  “chúng tôi đang chuẩn bị đón thêm nhiều sinh viên Trung Quốc sang học tiếng Việt”.

 

Thanh Trầm