Trò chuyện cùng chàng tiến sỹ trẻ nơi nhà giàn

(Dân trí) - Trở về sau gần 9 năm học tập và nghiên cứu tại Irkutsk, một trong những mảnh đất lạnh giá nhất của nước Nga, tiến sỹ Nguyễn Văn Chí lại chọn cho mình công việc là được gắn bó với trời biển quê hương - nhà giàn dầu khí.

Những ngày đầu năm, PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện cùng anh để nghe chàng tiến sỹ trẻ chia sẻ những cảm nhận về tuyết trắng và biển xanh mà không phải ai cũng có được.

 

PV: Xin chào TS. Nguyễn Văn Chí! Lại  ra nhà giàn cho một chuyến công tác đầu năm, anh cảm thấy như thế nào?

 

TS. Nguyễn Văn Chí: Xin chào bạn!  Mỗi chuyến công tác ra giàn khoan là một hành trình dài thú vị. Tôi rất hào hứng và sẵn sàng cho chuyến đi đầu năm, ra với địa chỉ đã trở nên quen thuộc của mình trong suốt một năm qua.

 

TS. Nguyễn Văn Chí (trái) cùng đồng nghiệp tại khu nghỉ trên nhà giàn
TS. Nguyễn Văn Chí (trái) cùng đồng nghiệp tại khu nghỉ trên nhà giàn



Công việc chủ yếu hiện tại của anh?

 

Hiện tại, tôi đang làm phiên dịch - quản trị trên giàn RP-2 của Liên doanh dầu khí Vietsovpetro.

 

Từ xứ tuyết về với sóng biển, đại dương, anh đã quen dần với môi trường đặc thù ngoài nhà giàn chưa ạ? Cuộc sống, làm việc giữa trùng khơi có khác với những gì mà anh tưởng tượng không?

 

Ồ, đó là một cuộc sống rất khác biệt và thú vị! Có thể bạn nghĩ cuộc sống ngoài đó khắc nghiệt và buồn tẻ lắm. Rõ ràng rằng không gian sinh hoạt ngoài đó hẹp, công việc đòi hỏi sự chính xác và an toàn cao. Nhưng với tôi thì đó là một môi trường sống và làm việc hấp dẫn với nhiều điều cần khám phá và trải nghiệm. 

 

Ngoài giờ làm việc, sinh hoạt của anh và đồng nghiệp tại nhà giàn như thế nào?

 

Sau ca làm việc, mọi người trên giàn khoan có thể giải trí bằng việc chạy bộ trên sân bay, đạp xe thể dục, tập tạ, đá bóng, bóng chuyền, xem tivi, hát karaoke… Thể thao là một niềm yêu thích của tôi bây giờ. 

 

Kết quả sau 9 năm gắn bó với nước Nga là tấm bằng tiến sỹ…
Kết quả sau 9 năm gắn bó với nước Nga là tấm bằng tiến sỹ…

Có phải lý do anh chọn  làm việc cho LD Vietsovpetro là được tiếp xúc với những con người của đất nước Nga mà anh đã gắn bó?

 

Có lẽ đó là một cái duyên rất lớn của tôi với đất nước và con người Nga (cười).

 

Anh nhớ gì nhất trong quãng thời gian học tập ở xứ sở bạch dương?

 

Tôi vẫn thường xem các chương trình truyền hình hoặc phim tài liệu của nước Nga với các đồng nghiệp người Nga trên giàn. Những lúc đó tôi như được quay về với mảnh đất Irkutsk – Nga thân thương. Những rặng bạch dương vàng mùa thu, những con đường tuyết trắng mùa đông, dòng Angara, hồ Baikal, từng ngôi nhà và góc phố, thầy cô và bạn bè, những lưu học sinh Việt Nam từng gắn bó, tất cả như mới ngày hôm qua vậy.

 

Ở Nga lâu và yêu nước Nga như thế, chắc cũng có chút gì đó ảnh hưởng đến phong cách sống, tính cách của anh? Đã bao giờ anh nghĩ đến việc sẽ ở lại nước Nga sinh sống, làm việc chưa?

 

Chắc chắn là có rồi. Tôi học được cách làm việc, cách nghiên cứu và cả cách sống nữa. Mỗi nền văn hóa có những nét đẹp và chứa đựng những viên ngọc quý riêng. Được sống và tiếp thu những tinh hoa văn hóa Nga là một may mắn mà tôi không thể bỏ qua được (cười). Nếu có cơ hội tôi vẫn muốn được quay lại thăm nước Nga và mảnh đất Irkutsk – thủ phủ xứ Đông Siberia mà tôi coi như là quê hương thứ hai của mình.

 

Ở nhà giàn mà nhớ đến nước Nga thì như thế nào nhỉ? Có chút so sánh giữa tuyết trắng, lạnh và biển xanh, nắng vàng không ạ?

 

(Cười) Bạn có một sự liên hệ rất tinh tế! Nhìn kỹ những cơn mưa biển tôi có thể thấy được những đợt tuyết rơi trên nước Nga xa xôi. Cũng vậy, nếu nhìn kỹ biển xanh nắng vàng, bạn cũng có thể thấy được những ngày hè tươi mát của nước Nga.

 

Xa Việt Nam gần 9 năm, giờ lại tiếp tục đi làm xa nhà, có khó khăn gì không ạ?

 

Nhiều bạn bè vẫn bảo rằng cuộc đời tôi gắn liền với những chuyến đi xa. Nhưng cũng may mắn tôi có khoảng 15 ngày nghỉ hàng tháng để về với gia đình, quê hương.

 

... và những trải nghiệm, kỷ niệm không thể nào quên
... và những trải nghiệm, kỷ niệm không thể nào quên



Được Nhà nước cử đi du học, trở về lại làm việc trên những công trình kinh tế - an ninh có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, anh nghĩ gì về điều này?

 

Tôi thấy mình may mắn khi có cơ hội làm việc trên những công trình biển vừa có ý nghĩa kinh tế, vừa có ý nghĩa chủ quyền biển. Đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho đất nước trên các công trình biển là một nghĩa vụ, một niềm vui đối với tuổi trẻ, nhất là những người được học tập ở nước ngoài bằng mồ hôi, công sức của nhân dân như tôi.

 

Còn điều gì anh muốn chia sẻ nữa không ạ?

 

Nhân dịp đầu xuân năm mới, tôi chúc cho các bạn trẻ, nhất là các bạn đang học tập ở nước ngoài luôn có sức khỏe tốt để học tập nghiên cứu,  xứng đáng là hình ảnh con người Việt Nam nơi nước bạn và là hào khí, sức mạnh cho đất nước mai này. Chúc độc giả Dân Trí một năm mới dồi dào sức khỏe, thêm nhiều thành công và hạnh phúc, an lành!

 

Vâng, xin cảm ơn anh và chúc anh có một năm mới thắng lợi nơi biển trời quê hương!
 

Nguyễn Văn Chí sinh năm 1983 tại Hải Lăng – Quảng Trị. Năm 2008, anh tốt nghiệp loại xuất sắc tại ĐHKTTH Irkutsk, LB Nga; bảo vệ thành công luận án tiến sỹ ngành CNTT năm 2011. Anh từng giữ cương vị bí thư liên chi đoàn – trưởng đơn vị LHS Irkutsk; được cộng đồng DHS tại Irkutsk bình chọn là “Nhân vật của năm 2011”.

 

Thực hiện: Hải Nam

Ảnh: Nhân vật cung cấp