Trò “chấm điểm” thầy: Chỗ sục sôi, nơi im tiếng

Ngày 25/10 là hạn cuối cùng các trường CĐ, ĐH phải hoàn thành báo cáo về ý kiến người học đối với giảng viên. Theo ghi nhận ban đầu, hiệu quả “chấm điểm” thầy ở nhiều trường rất khác nhau dù chủ trương này đã được triển khai từ 2007.

Dân lập hân hoan

 

Sau một năm thực hiện thí điểm tại một số lớp, năm nay trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) đã tiến hành triển khai đại trà việc cho sinh viên (SV) chấm điểm giảng viên (GV). Các lớp học đã được gắn camera để ghi hình việc lên lớp, giảng dạy của GV nhằm đối chiếu với ý kiến nhận xét của SV.

 

Ông Trần Hành, Hiệu trưởng trường cho biết: “Các SV rất hào hứng với việc đánh giá này và chúng tôi nhận thấy những đánh giá của các em rất khách quan, có tinh thần xây dựng. Bắt đầu từ học kỳ này, trường sẽ công khai kết quả đánh giá lên website và sử dụng ý kiến của SV làm một trong những yếu tố đánh giá, xếp loại GV vào cuối năm học”.

 

Ông Hành cũng cho biết thêm: Theo kết quả của năm đầu tiên, tất cả các GV đều được đánh giá chất lượng từ mức trung bình trở lên.

 

Với gần chục năm kinh nghiệm triển khai công tác SV đánh giá  GV, trường ĐH Dân lập Hải Phòng đã tạo cho SV một nếp quen trao đổi trực tiếp với Hiệu trưởng về chất lượng GV qua thư điện tử. Theo đó, phiếu đánh giá GV sẽ được SV gửi trực tiếp vào hòm thư điện tử của Hiệu trưởng. 

 

Theo kết quả ban đầu thì đến nay có khoảng trên 90% SV của trường hài lòng với chất lượng giảng dạy của thầy cô. 

 

Riêng vấn  đề công khai kết quả, ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường cho biết: “Chúng tôi sử dụng kết quả đánh giá GV nhằm mục đích điều chỉnh chất lượng giảng dạy. Vì lẽ đó, kết quả đánh giá này sẽ được chuyển về các phòng, ban chuyên môn hoặc trực tiếp tới GV để họ điều chỉnh. Nếu qua nhiều lần điều chỉnh không có tiến bộ chúng tôi sẽ xem xét các biện pháp xử lý thỏa đáng”.

 

Công lập “kín tiếng”

 

Cũng triển khai theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, nhưng nhiều trường công lập lại đang gặp khó khăn trong việc lấy ý kiến đánh giá GV từ SV. Nguyên nhân nằm ở chỗ, chính SV không tin tưởng việc đánh giá sẽ có hiệu quả gì và không nhìn thấy quyền lợi của mình trong việc này.

 

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nào cũng tổ chức lấy  ý kiến của SV 2-3 đợt. Tuy nhiên, nhiều SV lại không nhớ nổi “phiếu góp ý đó có nội dung gì”.

 

Nguyễn Văn  Đông, SV năm thứ 3 ĐH Công nghiệp Hà nội chỉ nhớ “mang máng” là có lần đã trả lời phiếu lấy ý kiến cùng với rất nhiều giấy tờ khác. “Thực sự em thấy việc lấy ý kiến này không có tác dụng. Vì lấy ý kiến khi chúng em đã học xong rồi thì GV có bị điều chỉnh hay không đâu còn tác dụng nữa”, Đông cho biết.

 

Có lẽ  vì lứa SV nào cũng suy nghĩ rằng “chuyện đã qua” không còn liên quan đến mình nữa nên nhiều em không tham gia đánh giá hoặc “làm cho xong chuyện”.

 

Là một trong số ít trường công lập thực hiện hiệu quả chương trình này, ĐH Nông-Lâm TPHCM lại “vấp” phải vấn đề kinh phí. Ông Huỳnh Thanh Hùng, Hiệu trưởng trường chia sẻ: “Hiệu quả rất tốt nhưng tốn kém quá. Tiền in phiếu thăm dò, tổ chức nhân sự, máy móc xử lý tổng hợp, xử lý thông tin… cũng không phải là nhỏ”.

 

Để khắc phục tình trạng này, trường đặt ra “chuẩn”: GV nào có tỷ lệ hài lòng của SV dưới 75% mới phải tiếp tục lấy ý kiến đánh giá những lần sau đó. Ông Hùng cho biết, sau 3-4 đợt đánh giá hiện hầu hết GV đều đạt từ 75% trở lên tỷ lệ hài lòng từ SV.

 

"Do đây là vấn đề liên quan đến "tính mạng" của mình nên các trường dân lập rất quan tâm. Ở các khối công lập, nhiều trường như Ngoại thương, Bách khoa, SP Huế, SP Đồng Tháp… làm rất tốt. Tuy nhiên, năm 2008 mới có 38 trường báo cáo kết quả. Bộ muốn chương trình này phải được nhân rộng hơn nữa.

 

Dự kiến trong năm học này, Bộ sẽ tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm. Sau đó sẽ có công văn chính thức quy định về hoạt động này trong các trường CĐ, ĐH". (Bùi Văn Quân - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục)

 

Theo Minh Yến 
Nông Thôn Ngày Nay