Triết lý khác người của vị giáo sư Ironman
(Dân trí) - Sự khác biệt trong tư duy và phong cách sống của GS. Dương Nguyên Vũ, một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, có thể xem là đại diện tiêu biểu cho triết lý giáo dục mà ngôi trường này đang theo đuổi.
“Chẳng ai cấm Giáo sư không được làm DJ”
Tôi khá bất ngờ khi được GS. Dương Nguyên Vũ hẹn gặp lúc… 5h sáng tại khuôn viên ĐH VinUni, kèm theo lời dặn “Nhớ mặc đồ thể thao”. Ban đầu tôi nghĩ có lẽ do vị Viện trưởng danh tiếng này quá bận rộn. Nhưng thực tế hoàn toàn khác.
Đúng giờ, tôi có mặt tại ký túc xá. Các giáo sư và sinh viên VinUni đều ở đây. GS. Vũ đã đợi sẵn. Tôi đặc biệt ấn tượng với bộ trang phục thể thao màu cam sặc sỡ ông đang mặc.
Cuộc trò chuyện cứ thế diễn ra khi tôi và ông chạy bộ quanh hồ Ngọc Trai của Khu đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm, Hà Nội), nơi trường ĐH tinh hoa đang chuẩn bị khai giảng khóa đầu tiên, tọa lạc. Lúc này tôi mới biết vị Giáo sư đang chạy cạnh mình là một Ironman thực thụ. Thậm chí ông còn là Đại sứ Ironman, Chủ tịch CLB 3 môn phối hợp (gồm bơi lội, đạp xe và chạy bộ) đầu tiên của Việt Nam (Viet Nam Triathlon Club - VNTC).
GS. Vũ kể, sáng nào ông cũng dậy từ 4h30 để chạy bộ hoặc đạp xe. “Đạp xe có hôm 60km, hôm 80km, chạy bộ thì 10km, sau đó về bơi 2-3km. Riêng Chủ nhật có thể chơi cả 3 môn.”
Lý do vị GS từng là Giám đốc nghiên cứu đổi mới sáng tạo, cố vấn khoa học cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Hàng không châu Âu (Eurocontrol) chơi thể thao rất đặc biệt. Thể thao không đơn thuần là để rèn luyện sức khỏe mà đây còn là một bài tập về tính kỷ luật.
“Kỷ luật có nghĩa là phải có kế hoạch và thực hiện đúng những gì đã định. Kỷ luật là yếu tố cần thiết cho bản thân nếu thực sự muốn xuất sắc”, ông lý giải.
Ông cũng cho rằng, thể thao là phong cách sống trải nghiệm hết mình với đời thực, thay vì chỉ sống với những khái niệm. Người chưa chạy thường nghĩ mình không thể chạy quá 5km, nhưng chỉ cần kiên trì luyện tập thì sau một thời gian có thể chinh phục cung đường 21km, thậm chí là dài hơn. Người sợ nước thường không dám tập bơi nhưng chỉ cần nhúng mình xuống nước nhiều lần thì sẽ không sợ chìm nữa, thậm chí là bơi rất giỏi.
“Lúc thực sự trải nghiệm niềm đau, nỗi khổ mà cơ thể phải chịu đựng thì mình mới nhận biết được đâu là giới hạn thật sự của bản thân. Nó lớn hơn mình nghĩ rất nhiều”, GS. Vũ chia sẻ.
Sống hết mình, trải nghiệm những điều chưa từng làm và vượt qua những giới hạn để vươn tới những điều lớn lao cũng chính là triết lý giáo dục của vị giáo sư từng có nhiều năm giảng dạy tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore (top 13 thế giới) và nhiều trường đại học danh tiếng ở châu Âu. Với ông giáo dục là không áp đặt. Thầy chỉ giống như một người hướng dẫn, mở ra không gian để sinh viên bộc lộ bản thân và phát triển. Khi bản thân các sinh viên đã là những tài năng thì không gian mở càng lớn, khả năng phát triển, trở thành những người xuất sắc của họ càng nhiều.
“Trói buộc sẽ giết chết sự sáng tạo. Mọi việc luôn vận động và thay đổi. Không có quan điểm nào là tuyệt đối cũng giống như việc không ai cấm đàn ông không được mặc đồ sặc sỡ hay cấm một vị giáo sư không được làm DJ”, GS. Vũ vừa chỉ vào bộ trang phục màu cam, vừa nói về sở thích chơi nhạc DJ của ông.
Bắt não bộ phải làm việc để kích hoạt tư duy sáng tạo cũng là nhiệm vụ của môn Agile Innovation (tạm hiểu là Sáng tạo thích ứng nhanh) - môn học mà đích thân GS. Vũ lên chương trình và trực tiếp đứng lớp. Đây là môn học vốn chỉ có ở ĐH Cornell (Mỹ) và lần đầu tiên được giảng dạy tại Việt Nam, trong chương trình học của ĐH VinUni. Đặc biệt, GS. Vũ cũng là một trong số ít những Viện trưởng dù quản lý nhưng vẫn trực tiếp đứng lớp giảng dạy.
“Được truyền đi ngọn lửa đam mê, được dùng tri thức để tác động đến tương lai thông qua thế hệ trẻ là trọng trách và cũng là vinh dự của người thầy, một vinh dự mà không phải ai cũng có được”, vị Viện trưởng của ĐH VinUni khẳng định.
Giá trị lớn nhất là sự cho đi
GS. Dương Nguyên Vũ gia nhập VinUni khi tên tuổi của ông đã được thế giới công nhận. Ông hiện là Giáo sư Khoa Kỹ thuật cơ khí và Hàng không, Giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý không lưu của Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Ông cũng là một chuyên gia công nghệ thông tin nổi tiếng trong giới hàng không thế giới, từng giữ cương vị Cố vấn khoa học cấp cao kiêm Chủ nhiệm hội đồng khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu về không lưu của châu Âu (Eurocontrol).
Gác lại sự nghiệp lẫy lừng ở trời Âu, ông trở về Việt Nam tham gia giảng dạy, đồng thời đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng Viện John von Neumann thuộc ĐHQG TP Hồ Chí Minh từ năm 2010, và bây giờ tham gia vào dự án trường Đại học VinUni. GS. Vũ chia sẻ, thực tế đã tham gia các hoạt động giáo dục và nghiên cứu tại Việt Nam hơn 20 năm, nhưng gia nhập VinUni là quyết định khiến ông phấn khích nhất.
Dẫn câu nói nổi tiếng của Nelson Mandela: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”, GS. Vũ cho rằng Việt Nam rất cần những mô hình như VinUni, với định hướng trở thành một đại học tinh hoa, để thực sự bứt phá. Khát vọng lớn nhất của những tri thức đã thành danh ở nước ngoài như ông là được làm gì đó để Việt Nam sớm trở thành một quốc gia hùng cường và để bản thân ông có thể tự hào về đất nước. Mục tiêu này lớn hơn suy nghĩ của nhiều người về một trường đại học.
“Khi ở nước ngoài, thành tựu dù có lớn đến đâu cũng không phải là cho Việt Nam. Đó là lý do vì sao tôi chọn VinUni, nơi có chung tầm nhìn và là nơi tôi có cơ hội để hiện thực hóa ước mơ của đời mình”, GS. Vũ tiết lộ.
GS. Vũ cũng cho rằng Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore chỉ mất hơn 20 năm để vào top 50 thế giới, nên với sự đầu tư bài bản, mô hình bền vững và lộ trình nghiêm túc mà VinUni đang theo đuổi, mục tiêu về một trường đại học Việt Nam đạt đẳng cấp thế giới là hoàn toàn có cơ sở.
“Đây là một sứ mệnh không dễ dàng, nhưng không chỉ tôi mà rất nhiều nhà khoa học người Việt Nam trên thế giới cùng có chung niềm tin như vậy”, GS. Vũ khẳng định.
Giáo sư cũng cho rằng, ý nghĩa của cuộc sống nằm ở giá trị mình mang lại cho mọi người chứ không phải là điều mình nhận được. Còn giá trị của một con người thì được đo lường bằng những đóng góp của người đó cho xã hội. Đó cũng là lý do vì sao ông hoàn toàn không tiếc nuối về quyết định trở về trong lúc đang trên đỉnh cao của sự nghiệp.
“Triết lý sống của tôi là cứ cống hiến, làm hết những gì mình nghĩ là tốt, đừng đo đếm sẽ được gì, cứ cho đi thì những gì trở lại với mình có thể còn lớn hơn rất nhiều”, GS. Vũ chia sẻ.