GS.TS Triết học Thái Kim Lan:

Triết học không khô khan!

(Dân trí) - Với những cống hiến trong khoa học, giáo dục và văn hóa, GS.TS Triết học Thái Kim Lan, một Việt kiều Đức, đã được bình chọn là một trong những gương mặt “Vinh danh nước Việt” năm 2006. Bà còn được biết tới như một người có nhiều đóng góp trong việc khôi phục bộ môn nghệ thuật tuồng ở Việt Nam.

Triết học - Khô khan mà không khô khan

 

Vì sao môn học này lại thu hút bà?

 

Triết học giúp cho mình kiến thức cơ bản, nó là nền tảng cho mọi tư tưởng. Từ đó, mình có thể nhận định được, cơ cấu tư tưởng của những môn khoa học khác. 

 

Người nào cũng nói môn Triết là môn trừu tượng, không đem lại phương tiện để làm giàu, theo bà có đúng không?

 

Tôi nghĩ vấn đề làm giàu độc lập với vấn đề tri thức. Hay ngược lại, nếu có tri thức mình có thể làm giàu về tri thức. Nếu giàu về tri thức, mình có thể giàu về vật chất được. Vấn đề là mình có quyết định dấn thân không? Tri thức là nền tảng, nếu mình không biết sẽ không làm được.

 

Phần lớn học sinh Việt Nam rất ngại học môn Triết, bà nghĩ thế nào?

 

Nếu môn Triết dạy quá khô khan, không đem lại lợi ích, kiến thức gì cho giới trẻ thì họ chán thôi. Khi nói đến điều này, tôi nghĩ môn Triết ở Việt Nam chưa được phát triển toàn diện.

 

Bà có về Việt Nam để tham gia giảng dạy triết không?

 

Hàng năm, tôi thường xuyên về Việt Nam để giảng dạy triết tại Phật viện học ở Huế và TPHCM.

 

Người học nghĩ sao về những bài giảng của bà?

 

Phần đông họ rất thích. Có lẽ là vì khi tôi dạy luôn đòi hỏi người học phải thảo luận với tôi. Và buổi dạy của tôi trở thành buổi thảo luận. 

 

Một trong những người làm sống lại nghệ thuật tuồng

 

Những thành tích và giải thưởng đã đạt được:

 

- 1980 nhận Giải nhất giải thưởng “Người nước ngoài sáng tác bằng tiếng Đức” tại đại học Munich về chùm tác phẩm 12 bài thơ.

 

- 2005, giải thưởng Đào Tấn dành cho tác giả có nhiều đóng góp khôi phục bộ môn nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

 

- Chủ biên Tuyển tập văn học Đức - Việt

 

- Chủ tịch Hội giao lưu văn hoá Đức - Á của Munich

 

- Phó chủ tịch Hội Thân hữu Phật tử Châu Âu

 

- Gương mặt được bình chọn “Vinh danh nước Việt” năm 2006.

Càng sống xa tổ quốc, càng nghiên cứu về triết học Phương Đông, bà càng thấy yêu, thấy quý nền văn hoá dân tộc Việt Nam, trong đó có nghệ thuật tuồng, một nghệ thuật đặc sắc có thể so sánh với bất kỳ nghệ thuật cao cấp nào trên thế giới này. Nhưng càng yêu bao nhiêu, bà càng thấy buồn cho sự nhìn nhận chưa được đúng về môn nghệ thuật này. Bà đã quyết định hỗ trợ một khoản kinh phí không nhỏ cho việc phục hồi di sản văn hoá của nước nhà và giới thiệu với công chúng nước ngoài.

 

Bà đã tìm về với tuồng như thế nào?

 

Tôi là một người nghiệp dư về nghệ thuật tuồng nhưng tôi rất mê tuồng. Lúc bé, bà nội hay dẫn tôi đi xem tuồng hát. Bà thường kể những tích tuồng cho tôi nghe. Nghe bà kể hay lắm, nhất là vào những buổi tối trước khi đi ngủ như tích Mạnh Lệ Quân, Trung hiếu tiết nghĩa...

 

Đến khi qua học tại Đức, coi những vở opera, những vở kinh kịch lớn của họ, tự nhiên tôi lại nhớ đến những vở tuồng cũng hoành tráng như vậy trong ký ức của mình hồi bé và muốn làm một cái gì đó. Tình cờ tôi gặp được nữ thi sĩ Tôn nữ Hỷ Khương. Bà Hỷ Khương nói ước nguyện của mình là phục hồi lại vở tuồng “Đông Lộ Địch” của phụ thân mình là Ưng Bình Thúc Giạ nhưng không có tiền. Và tôi đã chọn nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định) và chuyển hơn 10 nghìn đô là cho việc phục hồi vở tuồng nổi tiếng này.

 

Nghe nói bà đã đưa đoàn diễn với toàn các nghệ sỹ lớn sang Đức biểu diễn?

 

Sau khi được dàn dựng và biểu diễn ở trong nước, tôi đã bỏ thêm kinh phí và kêu gọi sự hỗ trợ của các bạn nước ngoài để đưa đoàn sang Đức biểu diễn trong vòng 10 ngày. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi người nước ngoài đón nhận vở tuồng này một cách nồng nhiệt và thích thú. Và vấn đề tuồng bắt đầu đựơc nói lại từ đây.

 

Theo bà, vì sao nghệ thuật tuồng không được phát triển?

 

Mình chưa hoạt động đúng mức để phát triển môn nghệ thuật này. Ở các nước, nghệ sỹ sân khấu cũng có khó khăn, nhưng ở Việt Nam thì thậm tệ hơn. Mình chưa biết cách để khuấy động lại. Làm thế nào để cập nhật hoá, hiện đại hoá mà vẫn giữ truyền thống? - đó là câu hỏi đang đặt ra. Đã đến lúc người đi xem tuồng phải mua vé. Tất nhiên, để khôi phục lại nó cũng cần có thời gian khi thị hiếu, ý thức đựơc nâng cao.

 

Xin cảm ơn bà!

 

 

   Lan Hương - Nguyễn Hiền