TPHCM:

Triển lãm “những tấm ảnh biết nói” của học sinh

(Dân trí) - Học sinh trực tiếp “tác nghiệp”, ghi nhận môi trường giao thông xung quanh trường học và đề xuất biện pháp để cải thiện điều kiện giao thông an toàn tới trường qua triển lãm “Những tấm ảnh biết nói”, đồng thời trực tiếp nêu ý kiến đến cơ quan thẩm quyền và ngành giao thông.

Làm sao để trẻ em được an toàn khi đến trường ?
Nhóm học sinh giành giải Nhất dự án “Những tấm ảnh biết nói” thuyết trình tại đối thoại “Trẻ em với an toan giao thông”.

Tại đối thoại “Trẻ em với an toàn giao thông” nhằm hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu năm 2015 diễn ra tại trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) vào sáng 9/5,  học sinh trên địa bàn thành phố đã trực tiếp nêu ý kiến của mình đến cơ quan chức năng với mong muốn thực sự được an toàn khi đến trường.

Trẻ em trên toàn thế giới đang phải đối mặt hàng ngày với những nguy hiểm khi tham gia giao thông. Theo ước tính, tai nạn giao thông trở thành nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tử vong ở độ tuổi từ 15 đến 29. Hơn nữa, vấn nạn này đang tập trung đa số ở các quốc gia đang phát triển, với tỷ lệ 90% trong số 1,3 triệu người mỗi năm. Tuy vậy, an toàn giao thông cho trẻ em vẫn chưa nhận được sự quan tâm cấp thiết. Một con số đáng báo động tại Việt Nam, có 1.900 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông trong năm 2014, trong đó có 940 trẻ không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng ô tô, xe máy.

“Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ lần thứ 3” (từ 4-10/5/2015) với nhiều hoạt động như “Cứu lấy mạng sống trẻ em” (với khẩu hiệu Savekidslives) nhằm kêu gọi sự quan tâm của chính quyền các cấp đối với việc xây dựng môi trường giao thông an toàn cho trẻ em. Tại TPHCM, đã có 33.330 giáo viên, học sinh các trường THCS tham gia ký vào lời kêu gọi vì An toàn giao thông đường bộ cho trẻ em.

Chương trình sáng nay đã trưng bày triển lãm ảnh “Những tấm ảnh biết nói” của học sinh thuộc các trường THCS trên địa bàn quận 9 thực hiện về môi trường giao thông xung quanh trường học. Đây là một trong những hoạt động của dự án “Những tấm ảnh biết nói” do Ban ATGT TPHCM, Sở GD-ĐT TPHCM và Quỹ AIP phối hợp thực hiện.

Đại diện nhóm học sinh đoạt giải nhất dự ánh “Những tấm ảnh biết nói” thuyết trình, bạn Nguyễn Ngọc Hoài Văn (trường THCS Long Bình, quận 9) mong muốn cơ quan chức năng có sự can thiệp kịp thời, như xây dựng lại hạ tầng giao thông, đề ra những biện pháp thật hữu ích để xây dựng một môi trường giao thông thật an toàn.

Học sinh tham quan triển lãm ảnh về
an toàn giao thông – “Những tấm ảnh biết nói”
Học sinh tham quan triển lãm ảnh về an toàn giao thông - “Những tấm ảnh biết nói”.

“Qua chương trình này, chúng em nhận ra những nguy hiểm, tác hại từ những vụ tai nạn giao thông có thể xảy ra đối với chúng em. Từ đó, chúng em sẽ có những cảnh giác và trang bị cho mình hành trang để chấp hành an toàn giao thông, bảo vệ cho tính mạng của mình. Chúng em mong muốn phụ huynh cũng phải làm gương trong việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và trang bị cho học sinh để có thể đảm bảo an toàn cho cả hai. Bản thân em cũng góp phần tuyên truyền an toàn giao thông, có thể là qua chính hành động thiết thực là tự giác  là chấp hành tốt an toàn giao thông”, Hoài Văn chia sẻ.

Các bạn đặt câu hỏi đến khi nào thì
có làn đường dành cho xe đạp?
Các em học sinh đặt câu hỏi đến khi nào thì có làn đường dành cho xe đạp?

Tại buổi đối thoại, những thắc mắc, cũng như mong muốn có môi trường giao thông an toàn khi đến trường được học sinh nêu trực tiếp đến các đại biểu tham dự chương trình. Điều các bạn lo lắng nhất là “Làm sao để đến trường an toàn?”. Bởi, đi bộ đến trường gặp khá nhiều nguy hiểm, khi vỉa hè đi bộ bị lấn chiếm, học sinh phải đi xuống lề đường. Trong khi xe cộ tấp nập, xe chở hàng cồng kềnh có thể va chạm với người đi bộ bất kỳ lúc nào.

Ông Đậu An Phúc - Trưởng phòng Quản lý - khai thác hạ tầng giao thông Sở GTVT TPHCM thừa nhận thực tế tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè hiện nay để kinh doanh, buôn bán,… chiếm hết lối đi của người đi bộ. Có tình trạng này là do bất cập trong quản lý, các cơ quan chức năng sẽ chịu trách nhiệm vấn đề này. Thời gian sắp tới, ngành giao thông, cùng công an, trật tự đô thị sẽ phối hợp mạnh mẽ hơn để dần xóa bỏ tình trạng trên.

Các bạn đặt câu hỏi đến khi nào thì
có làn đường dành cho xe đạp?
Ông Đậu An Phúc cho rằng, trong tương lai TPHCM sẽ cố gắng xây dựng làn đường dành cho xe đạp như ở một số nước châu Âu (xe đạp được bố trí đi chung với người đi bộ)

Các bạn học sinh cũng đặt câu hỏi tại sao không quy định bắt buộc người đi xe đạp phải đội mũ bảo hiểm như xe máy, xe đạp điện? Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban Chuyên trách Ban ATGT TPHCM đồng ý với thực tế rằng xe đạp lưu thông chung với làn đường xe máy khi xảy ra va chạm rất nguy hiểm và có nhiều trường hợp bị chấn thương sọ não.

Ông Tường đánh giá cao ý thức giao thông của các bạn học sinh, và nhấn mạnh việc đi xe đạp, nhất là đối với học sinh thì việc đội mũ bảo hiểm là cần khuyến khích, vận động để nâng cao an toàn. Hiện nay, pháp luật chỉ quy định bắt buộc người đi xe máy, xe đạp điện đội mũ bảo hiểm.
 
Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng Ban Chuyên trách Ban ATGT TPHCM cho biết sau ngày 10/4 - đợt ra quân cao điểm kiểm tra mũ bảo hiểm cho trẻ em, tỉ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm nâng lên trên 82%, có nơi tăng đến 98%. Trong ngày cao điểm 10/4, Ban ATGT TP đã khảo sát trước 25 cổng trường trên địa bàn thành phố, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm trung bình là 83%. Tuy nhiên, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm có sự chênh lệch khá lớn giữa các trường.
 

Những địa bàn thực hiện tốt là quận 1, Bình Tân, Nhà Bè, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, quận 3, 5, 7. Còn quận Gò Vấp, Q.10 tỉ lệ đội mũ bảo hiểm khoảng 70% trở xuống. Khu vực quận 8, Thủ Đức tỉ lệ đội mũ bảo hiểm mới chỉ chiếm 40%.

 
Theo ông Tường phần lớn phụ huynh đã có ý thức đội mũ bảo hiểm cho con em mình, bên cạnh vẫn còn một số phụ huynh thậm chí không đội mũ bảo hiểm cho chính mình và viện cớ do nhà gần, quên mũ bảo hiểm… Những trường hợp cố tình không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em cần tăng cường xử phạt, mời gia đình để nhắc nhở và thông báo trước buổi chào cờ, hạ hạnh kiểm học sinh đó.
 
Quốc Anh