“Treo” khung học phí cho các trường ĐH
(Dân trí) - “Tất cả các trường công lập phải qua kiểm định đạt mức cao mới được thu học phí cao. Chưa qua kiểm định không được tự động tăng học phí” - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời cho “cơn khát” tăng học phí của các trường ĐH như vậy.
Hiện, đào tạo hệ thống ĐH Việt Nam đang trong một cái vòng khá luẩn quẩn: Yêu cầu nâng cao chất lượng để đào tạo đáp ứng theo yêu cầu xã hội là việc khá cấp bách, nhưng muốn nâng cao chất lượng thì trường ĐH phải được thu nhiều hơn mới có “lực” để trang trải. Tuy nhiên, muốn thu nhiều hơn bằng cách tăng học phí thì dư luận lại “kêu trời”.
Vì vậy, giải pháp “trung lập” của Bộ GD- ĐT, theo như gợi ý của ông Nhân sẽ là: tăng học phí chính là động lực để các trường thiết tha nâng chất lượng đào tạo. Nhưng học phí tăng được đến đâu hoàn toàn phải phụ thuộc vào sự cố gắng của chính các trường. Tháng 12/2008, tất cả các trường phải công bố chuẩn chất lượng đào tạo. Chậm nhất là năm 2009, tất cả các ngành đều có chương trình khung.
Nghịch lý 50/50
Theo một kết quả khảo sát tại 20 trường ĐH cả nước trong trong 3 năm (từ năm 2004 đến hết năm 2006), Bộ GD- ĐT đã công bố các con số mà càng nhìn càng thấy...giật mình.
Đó là, trong khi có tới 66,7% trong số 3364 SV năm cuối và SV đã tốt nghiệp trả lời là hài lòng với chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý của nhà trường; trên 50% SV tốt nghiệp hài lòng với công việc hiện tại thì thực tế, cũng có tới hơn 50% sinh viên tốt nghiệp phải đào tạo lại!
Như vậy, có thể thấy, sự hài lòng của sinh viên quả thật là rất dễ dãi khi tới gần 70% cho rằng học thế là đủ, là không có gì phàn nàn trong khi phần lớn trong số họ khi đi làm đều không đáp ứng được nhu cầu công việc!
Trên 50% số SV tốt nghiệp phải đào tạo lại với lý do chủ yếu là do chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. 36,3% trong số 234 nhà tuyển dụng đã trả lời SV phải được đào tạo lại các kỹ năng, 28,3% phải đào tạo lại chuyên môn và 33,6% phải đào tạo lại cả kỹ năng và chuyên môn!
Cùng đó cũng có 78% trong số 234 nhà tuyển dụng cho rằng các tiêu chí như “SV có cá tính” đối với họ là một yếu tố rất quan trọng. Nhưng, cũng theo nhận xét từ phía người chịu trách nhiệm đào tạo, như theo nhận xét của PGS.TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng trường ĐH SP Kỹ thuật TPHCM thì nhiều sinh viên thi ĐH hiện nay cũng không biết mục tiêu đào tạo là gì và nhiều người cũng không cần biết mục tiêu đào tạo là gì, chỉ miễn là họ được học ĐH!
ĐH “nhân bản”
Nguyên nhân chính của của nghịch lý kể trên chính là do mục tiêu đào tạo cũng như chất lượng đào tạo của các trường. Mù mờ về mục tiêu đào tạo nên nhiều trường ĐH đã “copy” chương trình đào tạo của nhau - Đó là nhận xét của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long. Cũng theo ông Long, kết quả kiểm định thí điểm của Bộ GD-ĐT tại 20 trường, vẫn có 4 ĐH hàng đầu chưa đáp ứng được các yêu cầu về việc xác định mục tiêu đào tạo!
Nhiều trường khi mới thành lập hoặc mở ngành đào tạo mới thường chủ yếu chỉ copy lại chương trình đào tạo của một trường nào đó mà không đầu tư để xây dựng chương trình đào tạo có đặc thù riêng. Bởi vậy, hiện nay, có thể kể đến một loạt trường ĐH na ná nhau. Ví như các trường ĐH, CĐ đào tạo khối ngành Kinh tế đã lên đến hàng chục trường! Có những ngành như ngành Kế toán thì được đào tạo khắp nơi, thậm chí ở cả những trường văn hoá nghệ thuật cũng đào tạo ngành này!
Ngoài ra, nguyên nhân của sự “nhân bản” này cũng được Bộ GD-ĐT chỉ ra là do các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng trong giáo dục ĐH chưa cụ thể và không rõ ràng, chưa có qui định cụ thể về kiến thức, kỹ năng cũng như thái độ cần thiết cho từng trình độ đào tạo.
Hoạt động đánh giá và kiểm định các điều kiện đảm bảo chất lượng vẫn đang ở giai đoạn đầu còn gặp nhiều khó khăn do thiếu đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm. thiếu các nhà khoa học đầu ngành trong các trường ĐH. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ và chưa đồng bộ về cơ cấu...
Một nguyên nhân không thể thiếu được phải kể đến không có gì khác lại chính là vấn đề học phí. Học phí bất cập nên hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm và trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học của các trường còn thiếu, nghèo nàn và lạc hậu. Hệ thống thư viện nhà trường nhỏ bé, không cung cấp đủ thông tin, sách báo, tạp chí, tài liệu tham khảo cho nhu cầu ngày càng cao của giảng viên, SV...
Chính vì thế, học phí ĐH, CĐ tăng thế nào trong thời gian tới sẽ là phần thưởng mà Bộ GD-ĐT sẽ “treo” cho các trường để cùng “nhìn” và phấn đấu.
Mai Minh