Góp ý Dự thảo Luật Giáo dục đại học:

Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cần có điều kiện và lộ trình

(Dân trí) - Góp ý Dự thảo luật giáo dục đại học, PGS.TS. Lê Kim Hùng, hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, cho rằng để thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cần có điều kiện và lộ trình.

Theo PGS.TS. Lê Kim Hùng cho biết: “Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, nhất trí cao các điều khoản mới mà dự thảo luật đề cập. Với một hy vọng và tin tưởng Luật Giáo dục Đại học nếu được thông qua Quốc hội lần này sẽ là một dấu ấn quan trọng trong sự phát triển giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Nhìn chung dự thảo luật đã bao quát hầu hết hoạt động giáo dục đại học, phù hợp với các qui định hiện hành của pháp luật Việt Nam”.
 
Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cần có điều kiện và lộ trình - 1
Đưa dự thảo Luật giáo dục đại học để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, trình Quốc hội thông qua là một việc mang nhiều ý nghĩa quan trọng.

PGS.TS. Lê Kim Hùng đã đưa ra 4 vấn đề góp ý về dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH):

Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm: Cần có bước đi thận trọng!

Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDĐH đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Việc phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDĐH đã được thể hiện trong các chương, có thể nói là xuyên suốt trong dự thảo luật, thể hiện được tư tưởng đổi mới căn bản về quản lý hệ thống, đồng thời để trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cũng cần có điều kiện và lộ trình hợp lý, được xem xét trên cơ sở năng lực quản lý, năng lực giảng viên, cơ sở vật chất của từng cơ sở GDĐH. Qua đó, các trường tự phải nhận thấy tự chủ càng cao sẽ phải gánh vách trách nhiệm càng lớn, càng nặng nề để có các giải pháp nâng cao chất lượng, uy tín của nhà trường.

Trong bối cảnh chung của GDĐH Việt Nam: nhiều cơ sở GDĐH có sự cách biệt khá xa nhau về trình độ quản lý, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất... thì việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa thể thực hiện đồng loạt với tất cả các cơ sở GDĐH được. Nếu cơ sở GDĐH nào đó được trao quyền tự chủ, nhưng nếu thiếu trách nhiệm, non yếu trong quản lý thì sẽ gây hậu quả rất lớn đối với xã hội. Việc quy định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm từng bước có điều kiện, có lộ trình, trước hết cho một số cơ sở GDĐH có uy tín, đủ năng lực là cần thiết, bước đi thận trọng.

Cần có quy định cụ thể về Hội đồng trường

Vấn đề này đã được đề cập từ lâu (Luật GD năm 2005, Điều lệ trường đại học năm 2003 và Điều lệ trường cao đẳng năm 2008), tuy nhiên vẫn chưa thực hiện rộng rãi. Nguyên nhân chính là sự chồng chéo trách nhiệm, các thành viên trong Hội đồng trường chưa được gắn liền trách nhiệm và quyền lợi, hoạt động của Hội đồng trường còn mang tính hình thức, đặc biệt vai trò của các thành viên Hội đồng ở bên ngoài trường còn quá mờ nhạt. Vì vậy, nên chăng trong lần này, luật cần cụ thể và chi tiết hơn về thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng.

Nếu Chủ tịch Hội đồng trường là Hiệu trưởng, Giám đốc thì tổ chức của Hội đồng trường sẽ nhiều thuận lợi hơn trong vấn đề điều hành, trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nghị quyết của hội đồng trường đến hoạt động dạy và học của nhà trường, mạnh dạn hơn trong việc đưa ra các quyết sách cho sự phát triển nhà trường, dễ tạo ra được sự đồng thuận cao trong nhà trường.

Kiểm định chất lượng GD: Chỉ nên khuyến khích

Dự thảo Luật GDĐH đã xác định rõ mục tiêu kiểm định chất lượng GDĐH là bảo đảm và nâng cao chất lượng GDĐH; xác nhận mức độ cơ sở GDĐH hoặc chương trình đào tạo đáp ứng mục tiêu GDĐH và công khai chất lượng GDĐH, trên nguyên tắc độc lập, khách quan, đúng pháp luật; trung thực, công khai, minh bạch và bình đẳng, tự nguyện, định kỳ.

Trên cơ sở quy định này, cơ sở GDĐH có nhiệm vụ lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng GD để định kỳ kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH và chương trình đào tạo và có quyền yêu cầu cơ quan kiểm định chất lượng giải thích về việc kiểm định chất lượng; khiếu nại, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền về các quyết định, kết luận, hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm định chất lượng GDĐH.

Chúng tôi cho rằng, quy định như trên là phù hợp, vì kiểm định chất lượng GD ở nước ta đang ở giai đoạn hình thành bước đầu, ta chưa có thực tiễn và kinh nghiệm về việc này, nên không nên quy định là bắt buộc cơ sở GDĐH phải thực hiện kiểm định chất lượng GD ngay, mà chỉ nên khuyến khích các cơ sở GDĐH tự nguyện tham gia. Các cơ sở GDĐH, nếu tự nguyện tham gia kiểm định chất lượng GD và được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng, thì sẽ được xem xét giao quyền tự chủ trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành đào tạo.

Phân tầng đào tạo phù hợp với hội nhập

Việc phân tầng đào tạo được Dự thảo Luật GDĐH nêu ra trong Khoản 5 Điều 10 như sau:“Thực hiện phân tầng cơ sở GDĐH để có chính sách đầu tư, giao nhiệm vụ và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm phù hợp với vị trí, vai trò, năng lực bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH”; ở khoản 3 Điều 24 Phát triển các chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng nghề nghiệp; bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo.

Như vậy, tinh thần của Dự thảo luật đã định hướng rõ nét việc phân tầng trong đào tạo gắn liền với giao trách nhiệm và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GD. Mức độ phân tầng phụ thuộc vào năng lực của từng trường. Có thể nói đây là một ý tưởng mới và rất cần thiết nhằm định hướng cho sự phát triển GD trong thời gian sắp tới.

Qua kinh nghiệm thực tế tại trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, các chương trình đạo tạo Chất lượng cao, chương trình tiên tiến triển khai tại trường trong những năm qua đã minh chứng nếu phân tầng rõ nét, liên thông mềm dẻo sẽ là động lực tốt cho việc nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên, nâng cao uy tín cơ sở GD trong xã hội và phù hợp trong xu thế hội nhập nền kinh tế tri thức.

PGS.TS. Lê Kim Hùng
Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng