Trang bị cho học sinh kỹ năng vượt qua áp lực học tập, thi cử
(Dân trí) - Trước sự việc một nam sinh trên địa bàn TPHCM nhảy lầu tự vẫn vì chưa đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ, Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, TPHCM đã tổ chức chuyên đề Kỹ năng vượt qua áp lực học tập cho học sinh nhằm hỗ trợ các em vượt qua sự căng thẳng vì thi cử, điểm số.
Thông qua hình thức trò chơi, hỏi đáp, giao lưu, ThS tâm lý Trần Ánh Nhật Hưởng chỉ ra nhiều "nguy cơ" của học sinh trong việc không những giảm mà còn tăng thêm những nguy cơ áp lực học tập cho mình. Ví dụ như học thiếu phương pháp phù hợp; chưa phân bổ thời gian hợp lý; các em dễ rơi vào vòng xoáy càng áp lực càng lao đầu vào học; thiếu nghỉ ngơi, giải trí...
Theo ông Hưởng, trong cuộc sống, trong học tập, muốn hay không thì mỗi người cũng đều phải đối diện với những áp lực nhất định, áp lực là điều không thể tránh. Nhưng điều cần thiết là mỗi người cần có phương pháp, kỹ năng, cách thức, kiểm soát được áp lực thì những mục tiêu, áp lực trở thành nấc thang để tiến lên. Còn không, thì sẽ dẫn đến trạng thái căng thẳng, khủng hoảng.
Trong quá trình tư vấn, ông Hưởng đã gặp nhiều em học sinh ôm sách học đến 1 giờ sáng, 4 giờ sáng lại bật dậy học tiếp; có em đến gần ngày thi thì hoảng sợ đến độ tìm đến các chuyên gia tâm lý cầu cứu, có em muốn bỏ thi... Quá lo lắng, học sinh đã tạo ra rào cản tâm lý cho mình. Điều này trở thành cản trở để các em học, ôn thi một cách hiệu quả, giữ một trạng thái tâm lý tốt để bước vào kỳ thi quan trọng...
Ông Hưởng cũng chỉ ra một số cách thức giúp các em giảm áp lực như nhận định được đâu là việc quan trọng - cấp bách, đâu là việc quan trọng nhưng chưa cấp bách; phân bổ thời gian học tập hợp lý; học nhưng phải có nghỉ ngơi, giải trí; tạo không gian học tập mát mẻ, thoải mái, không ngập trong sách vở, bút viết; rồi có thể hạ thấp mục tiêu, chia sẻ áp lực với người khác...
"Tôi gặp trường hợp có em đến gần ngày thi gọi điện nói em chỉ muốn bỏ thi vì giờ em mới nhận ra những nguyện vọng em đăng ký quá cao so với khả năng. Tình huống cấp bách, tôi phải động viên em hạ mục tiêu xuống, trước mắt chỉ cần đỗ tốt nghiệp. Sau đó, em giữ lại được cân bằng để ôn luyện và có kết quả thi tốt", ông Hưởng kể.
Ngoài ra, ông Hưởng cũng khuyến cáo đến nhà trường, phụ huynh, thời điểm này, từ 2 - 4 tuần trước kỳ thi là lúc các em dễ căng thẳng nhất. Căng thẳng vì sắp thi, lo sợ mình chọn nguyện vọng có quá sức không... nên rất cần sự quan tâm đúng cách của bố mẹ, thầy cô nhằm có những cách tích cực để ứng phó với áp lực.
Chuyên gia tâm lý này cũng nhấn mạnh đến việc quan tâm đúng cách vì lúc này nhiều sự quan tâm thái quá, nhất là của phụ huynh có thể tạo nên hiệu ứng căng thẳng trong nhà cho con trẻ như thúc con học, ăn uống, không cho con động tay động chân vào việc gì hết để tập trung học.
"Điều tôi muốn nhấn mạnh với phụ huynh, học sinh là mục tiêu thi cử đặt ra phải ngay từ sớm, có thể từ đầu năm học có một kế hoạch học tập phù hợp, chứ đừng để "nước đến chân mới nhảy", ông Hưởng nói.
ThS Trần Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Anh bày tỏ, từ sự việc học sinh tại một trường tư thục ở TPHCM nhảy lầu tự vẫn, nhà trường thấy cần quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề tâm lý, đến việc giải tỏa áp lực thi cử cho học sinh, nhất là các em khối 12.
Ông Kiên cũng nêu quan điểm, việc thi cử mỗi năm một thay đổi theo hướng phức tạp hơn, như năm nay học sinh sẽ phải thi kiến thức của cả khối 11, năm sau là khối 10 càng đẩy thầy trò vào áp lực phải chạy đua với học tập, ôn luyện. Như vậy, áp lực là không thể tránh nhưng từ thực tế này, đòi hỏi người lớn phải quan tâm động viên tâm lý các em vượt qua giai đoạn này.
Còn 2 tuần nữa, trên 90.000 học sinh lớp 9 ở TPHCM sẽ bước vào kỳ tuyển sinh lớp 10 để tìm một suất học ở Trường THPT công lập vào ngày 2 - 3/6. Còn kỳ thi THPT Quốc gia, năm nay TPHCM có hơn 79.000 thí sinh đăng ký dự thi trong kỳ thi kéo dài 3 ngày từ 25 - 27/6.
Hoài Nam