Trái tim hồng trên bục giảng
Hơn 10 năm qua, trong ngôi nhà nhỏ rộng chừng 10m2 ở số 75 đường Bến Nghé - TP Huế, ngày nào cũng vang lên tiếng đọc Nhật ngữ. Người đến học đủ các thành phần, từ già đến trẻ. Còn người dạy là một cô giáo bị liệt cả hai chân.
Cô giáo ấy là Trần Phương Liên - cử nhân Sử học. Không đi được bằng đôi chân, nhưng nghị lực và tình yêu thương của mọi người đã giúp chị đi vào đời.
Tôi đến gặp chị theo lời hẹn trước mấy phút, thấy chị đang say sưa giảng bài cho một học sinh nên tôi ra nói chuyện với mẹ ruột của chị, bà năm nay đã 71 tuổi.
Bà chậm rãi kể về chị: “Khổ lắm chú ơi, nhưng chúng tôi đã vượt qua. Khổ nhất là trong những năm tháng chiến tranh ác liệt phải đi sơ tán, lúc chỗ này khi chổ nọ. Nơi ở không ổn định thì học hành làm sao. Được cái, con tôi cũng chăm học, không có thầy dạy thì nó tự học. Từ nhỏ đến lớn, nó luôn cố gắng học và giữ được việc học”.
Còn chị kể lại cuộc đời mình qua hình ảnh những người thân: “Từ nhỏ, bố mẹ và bạn bè là đôi chân để mình “đi” đến trường, những lúc bình thường lẫn lúc có bom đạn ác liệt. Đến khi vào đại học cũng thế, bạn bè của mình cứ thay nhau cõng mình tới trường…”.
Bước đi của tình thương
Là người gốc Huế nhưng Trần Phương Liên sinh ra ở miền Bắc, năm 1961. Sau cơn sốt bại liệt năm 4 tuổi, chị bị liệt cả hai chân. Khi giặc mở rộng chiến tranh đánh phá ra miền Bắc, chị đi sơ tán theo trại trẻ của Bộ Công an. Không được đi học, ngày ngày chị chỉ chờ mong bạn bè đi học về để mượn lại sách vở mày mò tự học, chỗ nào không hiểu thì hỏi bạn.
Thầy giáo đến thăm học trò ở trại trẻ, biết được hoàn cảnh lại thấy chị biết đọc biết viết, có khuôn mặt thông minh lanh lợi. Thầy nói: “Sáng mai thầy sẽ đến cõng em đi học nhé!. Mãi mãi mình không bao giờ quên được cảm giác lần đầu được đi học, lần đầu tiên được một người thầy cõng tới trường”. Cũng từ đó, bạn bè noi gương thầy thay nhau cõng chị đi học. Cực khổ nhất là những ngày trời mưa rét, đường trơn rất khó đi.
Năm 1976, cả gia đình chị trở về Huế trong bộn bề cơm áo nhưng Phương Liên vẫn đến trường đều đặn. Học xong cấp III, chị thi đậu vào khoa Văn - Sử trường Đại học Tổng hợp Huế, trở thành sinh viên khoá I của trường vào năm 1977.
Những tháng năm sinh viên của chị không giống như bao bạn bè khác. Những ngày đến giảng đường trên lưng bạn bè, người thân đầy kỷ niệm. Lúc đó học cả ngày, lớp học lại ở tầng hai, vừa thương mọi người vừa sợ không kịp giờ, thế là chị ở lại buổi trưa luôn trên lớp. Cực khổ như thế, nhưng đối với chị học và được học là một niềm hạnh phúc lớn lao.
“Nhiều lần mình tập đi bằng nẹp, nhưng cố gắng mấy cũng không được, chỉ có bị ngã thôi. Đau nhưng thấm lắm, càng đau mình thấy cuộc đời càng có ý nghĩa và phải vươn lên!” - chị tâm sự.
Năm 1981, chị tốt nghiệp ra trường. Cầm tấm bằng cử nhân Sử học, chị tự tin đi xin việc nhưng đến đâu chị cũng bị từ chối. “Đó là những năm tháng chật vật nhất. Rồi mình cất tấm bằng vào tủ, ngồi ở vỉa hè trước nhà bán thuốc lá, vừa bán thuốc vừa đan len và tự mày mò học tiếng Nhật. Được vài năm, thì cái lều bán thuốc bị mưa gió cuốn mất. Vậy là cả cái quyền bán thuốc của mình cũng bị từ chối, cuộc đời cũng lắm trêu ngươi”.
Học và dạy tiếng Nhật với tình yêu cháy bỏng
Phương Liên biết ba ngoại ngữ Anh, Nga và Nhật, nhưng chị có duyên với tiếng Nhật hơn. Chị đã ví von tình yêu tiếng Nhật là tình yêu đơn phương, yêu hết mình mà không nghĩ đến sự đáp trả, rất trong sáng. Từ khi còn bán thuốc lá, tranh thủ những lúc vắng khách, chị đã mày mò học ngôn ngữ này.
Năm 1993, một lớp Nhật ngữ do chính người Nhật dạy được mở tại Huế, lớp tuyển 20 học viên. Phương Liên lại rạo rực muốn tham gia, nhưng cơ hội đã không đến với chị. Cảm thông với hoàn cảnh của chị, hai thầy giáo của lớp là Tsu Noda và Shine Toshiko thường tranh thủ thời gian đến tận nhà dạy tiếng Nhật cho chị.
Khi họ trở về nước thì vốn kiến thức Nhật ngữ của chị đã khá phong phú. Trên cơ sở đó chị tiếp tục học, nghiên cứu và liên lạc với các thầy cô giáo của mình ở Nhật để trao đổi kiến thức. Bây giờ, chị vẫn tự học để nâng cao trình độ, đồng thời mở lớp dạy để truyền lại kiến thức.
Lớp học của chị đã duy trì được hơn 10 năm. Trong số các học sinh có cả cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên ngành, sinh viên, học sinh, từ già đến trẻ… Nhiều người đã thành đạt trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Tiếng “thơm” của chị bay xa đến các nước, nhất là nước Nhật. Nhiều người Nhật khi đến làm việc tại Việt Nam đã tìm đến chị để nhờ chị dạy tiếng Việt và văn hoá Việt. Cứ thế, các lớp tiếng Nhật cho người Việt, tiếng Việt cho người Nhật liên tục được mở ra.
Quả ngọt cho mùa
Anh Nguyễn Minh Đức, làm việc gần nhà chị Phương Liên cũng là học sinh của chị tâm sự: “Tôi vẫn nhớ như in ngày đầu tiên đến lớp Nhật ngữ của cô giáo Liên, khi cả cô và trò đang chuẩn bị cho bài học đầu tiên thì có hai người cõng nhau đang rụt rè đứng ở ngoài cửa, mãi không vào lớp. Cô bảo: “Cứ cõng Bình vào đi anh, có gì đâu mà ngại!”.
Thì ra, Bình bị tật ở chân, không đi lại được nên bố mẹ phải cõng đến lớp. Cô Liên không ngại ngần nói: “Các em ạ, từ nhỏ cô cũng đi trên đôi chân của bố mẹ, bạn bè để được tới trường học. Sau này cũng vậy, bạn bè lại thay nhau cõng cô đến lớp. Bạn Bình chúng ta đây cũng thế. Cô rất vui khi cả lớp chúng ta cùng giúp bạn để bạn đến lớp thường xuyên hơn”.
26 tuổi, chị có hạnh phúc mới là được làm mẹ của một cô con gái, bé tên là Mai Hoài Giang. 12 năm học phổ thông, Hoài Giang đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, đoạt giải 3 kỳ thi Anh ngữ cấp quốc gia và được tuyển thẳng vào Học viện Quan hệ quốc tế. Khi 18 tuổi cô vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Là một trong ba thành viên của cố đô Huế đoạt giải nhất cuộc thi “Tìm hiểu các nước ASEAN”, lúc đó Giang học lớp 11. Hiện tại, Giang đang du học ở Nhật theo diện học bổng. “Giang là niềm hãnh diện, là niềm hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời mình” - chị nói.
Năm 1999 và 2002, Hội ái hữu Nhật - Việt đã mời chị Phương Liên sang tham quan xứ sở hoa anh đào, đồng thời tham quan mô hình dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài tại Nhật.
Mỗi lần nhận được tin của bé Giang, mỗi ngày được nhìn thấy học trò của mình tới lớp là mỗi niềm vui lớn đối với chị. Ngày ngày, chị vẫn miệt mài học và dạy. Chị dành hết tâm huyết và tình yêu cháy bỏng để truyền đạt kiến thức cho học trò.
Theo Trương Quang Nam
Vietnamnet