Trải nghiệm du học New Zealand: Chiếc hộp đánh giày trước cửa rừng sâu
(Dân trí) - Ở trước cửa các khu rừng, bao giờ cũng có một chiếc hộp đánh giày, khuyến khích mọi người tự nguyện làm sạch sẽ giày trước lúc đặt chân vào rừng... là một phát hiện khiến cô gái Việt Thanh Hải thực sự bất ngờ khi du học ở New Zealand - đất nước “xếp hạng số 1 thế giới về chuẩn bị cho tương lai".
New Zealand là quốc gia xếp vị trí đầu Chỉ số Giáo dục chuẩn bị cho tương lai (Worldwide Educating for the Future Index) do Economist Intelligence Unit (EIU) công bố vào tháng 9/2017. Những trải nghiệm đặc biệt về du học tại "xứ sở kiwi" được các diễn giả chia sẻ trong buổi tọa đàm “Nền giáo dục hướng tới tương lai” do Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam tổ chức ngày 17/1 tại Hà Nội.
Đến New Zealand với học bổng New Zealand ASEAN Awards năm 2014, chị Đoàn Thanh Hải (Cán bộ quản lý dự án của CSIP- Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng) không thể quên ấn tượng về sự thanh bình bậc nhất thế giới và nơi đây.
Một trong những chi tiết bất ngờ nhất là khi cô gái Việt đi dã ngoại vào rừng sâu. Đến cửa rừng, chị Hải phát hiện một chiếc máy, lại gần xem và hỏi mọi người thì biết đó là máy đánh giày để làm sạch chân, loại bỏ đất bẩn trước khi bước vào cửa rừng xanh.
"Sỏi đá, các hạt giống ngoại lai đều được làm sạch sẽ chứ không phải cứ để giày thế rồi đi vào. Đó là hoạt động tự nguyện, không ép buộc nhưng mọi người đều vui vẻ thực hiện và cũng là bài học sống động cho trẻ em cũng như người lớn về tình yêu, sự trân trọng thiên nhiên”, chị Hải chia sẻ.
Chị Hải cho biết thêm, cuộc sống ở đây vô cùng văn minh, xanh và sạch, đúng như slogan Pure New Zealand (New Zealand thuần khiết - PV), con người New Zealand tốt bụng và chân thành.
“Đơn giản, chỉ cần dạo phố hay đi xe buýt, bạn đều dễ dàng nhìn thấy nụ cười thường trực trên gương mặt mỗi người ở đây. Và dù là người hoàn toàn xa lạ đi lại ở nơi công cộng họ vẫn tự nhiên nói “hello”, hỏi thăm nhau có khỏe không và luôn cảm ơn mỗi khi xuống xe hay mỗi khi sử dụng xong dịch vụ”.
Anh Nguyễn Bá Lâm từng giành Học bổng New Zealand Development Scholars (NZDS) Awards năm 2011, tốt nghiệp Chương trình Thạc sĩ Quản trị Nguồn nhân lực tại Đại học AUT.
Anh Lâm cho biết, anh sang New Zeadland cùng vợ và hai con nhỏ. Gia đình sống và học tập ở Auckland, một thành phố khoảng 1,3 triệu dân, nhưng được cho là náo nhiệt nhất của New Zealand.
Theo anh Lâm, thú vị nhất là vẫn là hình ảnh sinh viên cả nằm, cả ngồi đọc sách, sưởi nắng trên bãi cỏ trong công viên, ghế đá ven đường, thật là thanh bình, mặc dù áp lực học tập lên các sinh viên rất cao bởi guồng quay của học kỳ, bài tập, nghiên cứu, thi cử,…
“Với một sinh viên mang theo cả gia đình như tôi, việc cân đối thời gian học hành và thư giãn cùng gia đình để có thể tận hưởng cuộc sống ở một đất nước tươi đẹp và thanh bình như New Zealand là một việc không dễ. Tuy nhiên, chúng tôi đã làm được điều đó”.
Cựu du học sinh nhấn mạnh thêm, người dân địa phương (được gọi là Kiwi) vô cùng đáng yêu và thân thiện. Trong quá trình học ở đây, anh đã được tận hưởng rất nhiều lễ hội của người dân địa phương, từ thưởng thức điệu nhảy truyền thống haka, tham gia lễ hội thả diều Kite Moana, đến vui hát tại lễ hội dân đảo Pacifica…
“Và tôi đã rất vinh dự được chụp ảnh cùng Thủ tướng New Zealand thời đó là ông John Key. Hình ảnh một thủ tướng bình dị, thân thiện đại diện cho những người dân Kiwi đáng yêu sẽ luôn đọng mãi trong tôi”, anh Lâm chia sẻ.
Một năm chỉ học 6-7 môn
Nói về phương pháp giảng dạy, học tập ở quốc gia xếp vị trí đầu Chỉ số Giáo dục chuẩn bị cho tương lai, em Minh Anh – hiện là du học sinh lớp 12 Otaki College, New Zealand cho biết, em từng khá ngỡ ngàng với hệ thống môn học bài giảng ở đây.
Thay vì phải học 13 môn, thì ở New Zealand học sinh chỉ cần học trung bình 6-7 môn một năm. Có khoảng 3 môn bắt buộc còn lại bạn sẽ được lựa chọn môn học theo ý muốn và năng khiếu của mình. Do đó, mỗi một học sinh sẽ có một chương trình học khác nhau và chương trình này luôn được các thầy cô quan tâm, động viên và xây dựng để các bạn có thể phát huy hết khả năng của bản thân.
“Không phải học dàn trải nên em có thể tập trung phát huy sở trường với các môn học như Bussiness Computing là về máy tính, Home Economic là về kiến thức gia đình…
Thầy cô giáo New Zealand cũng rất dễ tính và thân thiện. Họ không bắt ép học sinh phải học theo một khuôn khổ nào cả, mà các thầy cô sẽ để học sinh tự trải nghiệm và khám phá ra những điều mới lạ, cũng như đưa ra các phương pháp giảng dạy phù hợp và vô cùng thú vị”, Minh Anh chia sẻ.
Theo nữ sinh Việt, trường học ở New Zealand luôn được trang bị những thiết bị hiện đại, cần thiết cho dạy học và tương tác. Ở Otaki College, mỗi học sinh được phát một máy tính nhỏ và mỗi người có một tài khoản riêng để đăng nhập. Trường cũng có một trang web riêng cho học sinh học trực tuyến cũng như học trên bàn giấy.
Thầy cô và học sinh có thể cùng chia sẻ một vấn đề qua google classroom, mọi thứ đều được giải thích vô cùng rõ ràng và dễ hiểu. Riêng những bạn học muốn tham gia lớp liên quan đến máy tính cũng có một lớp máy tính riêng hay phòng học liên quan đến phim ảnh và máy ảnh.
Thêm nữa, vì người New Zealand vô cùng yêu thể thao, học sinh không chỉ được giáo dục về kiến thức, kỹ năng mà còn được chú trọng giáo dục về thể chất. Sau khoảng thời gian học tập mệt mỏi và cần thư giãn, Minh Anh thường đi dạo quanh khu mình ở hoặc đi leo núi cùng các bạn.
“Chỉ sau vài lần tham gia vào lớp thể dục ở trường hay đi leo núi cùng gia đình homestay, em thấy sức khỏe của mình được cải thiện rất nhiều so với hồi ở Việt Nam”, Minh Anh hào hứng.
Trẻ em tiểu học đã có thói quen trích dẫn nguồn
Ở trường Waiuku College, Nguyễn Mai Trang là người Việt Nam duy nhất theo học tại đây. Toàn bộ thời gian sống ở nhà người bản xứ (homestay) cũng như ở trường, Trang đều bắt buộc phải nói Tiếng Anh. Nửa năm đi du học, các kỹ năng Tiếng Anh như giao tiếp, viết lách và phản xạ khi nói chuyện với người nước ngoài của cô gái Việt đã tiến bộ nhanh chóng.
Trang “bật mí”, điều em thích nhất ở môi trường học tập mới là toàn bộ kiến thức trong sách vở bọn mình đều phải tự học ở nhà. Khi đến lớp, thầy cô chỉ giúp giải đáp những câu hỏi của học sinh, hay tổ chức các hoạt động giúp học sinh thực hành kiến thức trong đời sống thực tế. Nhờ vậy, học sinh có được hình dung tốt nhất về bài học. Mai Trang chọn theo đuổi đam mê với bộ môn thiết kế.
“Một đứa ham chơi, lười học như em từ đó đã biến thành một người có tính tự giác cao, cực kỳ hào hứng và chủ động học tập. Chương trình học ở đây cũng không bắt buộc học sinh phải học hết tất cả các môn. Ngoại trừ Toán và Tiếng Anh học bắt buộc, học sinh được tự chọn môn học phù hợp với khả năng cũng như sở thích của mình”.
Về nghiên cứu khoa học, chị Đoàn Thanh Hải cho hay: “Nghiên cứu cũng được thực hiện rất nghiêm túc và bài bản. Khi sử dụng ý đi mượn ở đâu đó, bạn phải trích nguồn rõ ràng đầy đủ, Điều này không phải là mới, ở Việt Nam cũng nhắc đến, nhưng ở New Zealand người học tuân thủ nghiêm ngặt.
Bài tập khi nộp lên website của trường đều chạy qua phần mềm để phát hiện đạo văn vì người New Zealand cực kỳ đề cao sự sáng tạo và tôn trọng chất xám của người khác”.
Chị Hải tâm sự, bản thân từng vô cùng ngạc nhiên khi trẻ tiểu học ở New Zealand đã có thói quen trích dẫn khi viết các báo cáo kết quả học tập.
“Các em có khi chỉ viết một câu, nhưng có tới 3 dòng trích dẫn nguồn từ đâu”, chị Hải cho hay.
Lệ Thu