Trả lời báo chí như Hồ Chí Minh
Không chỉ là nhà cách mạng lỗi lạc, nhà ngoại giao tài năng mà tư duy uyên bác của một nhà báo lão luyện còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện qua hơn 100 bài trả lời phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước, kể từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 cho đến khi Người về cõi vĩnh hằng.
Với phong cách trả lời ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào nội dung câu hỏi và đặc biệt là không né tránh, mỗi cuộc tiếp xúc báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều để lại bài học kinh nghiệm quý báu cho những người làm công tác báo chí nói chung và đối ngoại nói riêng. Làm báo để làm chính trị Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm niệm: "Một tờ báo có ảnh hưởng trong dân chúng rất mạnh, có thể giúp Chính phủ rất nhiều". Vì vậy, Người luôn đánh giá cao tầm quan trọng của báo chí và coi báo chí là bộ phận không thể thiếu của công tác cách mạng. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã không chỉ tự viết nhiều bài báo mà còn tích cực, chủ động trả lời phỏng vấn báo chí vì đây là một kênh hết sức hữu hiệu để dư luận thế giới hiểu rõ tình hình, cũng như chủ trương, chính sách của Việt Nam, qua đó tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế, đấu tranh với những luận điệu sai trái. Trong nhiều trường hợp, Người đưa ra thông điệp, tín hiệu cần thiết phục vụ cho cuộc đấu tranh ngoại giao của Việt Nam khi đó. Nội dung các cuộc trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức phong phú và bao quát nhiều vấn đề, từ trong nước đến quốc tế, từ đối nội đến đối ngoại, từ kinh tế - xã hội đến chính trị, an ninh - quốc phòng và cả đời tư... Mỗi câu trả lời của Người đều hàm chứa tư tưởng, ý nghĩa triết lý lớn lao. Coi báo chí là một trong những vũ khí sắc bén của Cách mạng, nên dù khó khăn, nguy hiểm trong khi hoạt động bí mật hay bận trăm công nghìn việc của một vị lãnh tụ Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian viết báo và tiếp xúc với báo chí. Đối với Người, làm báo chính là để làm chính trị. Trong lời tựa cho tuyển tập 103 bài trả lời phỏng vấn báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật) do Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao sưu tầm và phát hành tháng 5/2015, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã viết: "Hiểu rõ hơn ai hết tác dụng của báo chí, truyền thông đối với sự nghiệp cách mạng và hoạt động ngoại giao, người đã viết hàng trăm bài báo, đồng thời đã trả lời phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước 107 lần. Có thể nói, hiếm nhà lãnh đạo cách mạng nào trên thế giới dành mối quan tâm lớn như vậy đối với mặt trận báo chí, truyền thông". Kiệm lời, nhiều ý và thẳng thắn Đọc kỹ các bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có một điều dễ nhận thấy nhất đó là phong cách trả lời ngắn gọn, súc tích và đi thẳng vào nội dung câu hỏi, không bao giờ dùng những từ ngữ chung chung, không rõ nội hàm. Trí tuệ mẫn tiệp của Người thể hiện qua phản xạ nhanh nhạy và nghệ thuật ứng xử rất đỗi tự nhiên trước mọi tình huống tiếp xúc với báo chí. Trả lời phỏng vấn của báo Frères D’Armes năm 1948, về câu hỏi: “Chủ tịch ghét gì nhất?”, Người trả lời: “Điều ác”; còn “Điều gì yêu nhất?” thì Bác đáp lại “Điều thiện”; về “Điều gì mong muốn nhất?”, Bác khẳng định: “Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu”; Còn việc “Sợ gì nhất?” thì Bác nói rõ: “Chẳng sợ gì cả. Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì!". Trong cuộc tiếp xúc với hãng thông tấn Reuters (Anh) ngày 2/2/1949, phóng viên hỏi Bác: "Đối với cuộc đàm phán giữa cựu hoàng Bảo Đại với Chính phủ Pháp, lập trường của Chủ tịch là thế nào?", Người trả lời: "Chúng tôi không nhìn nhận những cuộc đàm phán ấy". Phóng viên lại hỏi: "Người ta có thể coi cựu hoàng Bảo Đại vẫn giữ chức tối cao cố vấn của Chính phủ Việt Nam không?", Người trả lời: "Ông ta đã tự cách chức ấy rồi". Phóng viên vẫn chưa chịu, bèn hỏi tiếp: "Nếu Bảo Đại trở về Việt Nam với những hiệp định Chính phủ Pháp cho Việt Nam độc lập và thống nhất thì thái độ của Cụ sẽ thế nào?", Người trả lời: "Xin ông xem câu trả lời số 1 và số 2". Khi giao tiếp với báo chí, cũng như khi nói chuyện, Bác hay dùng những câu ví dân gian đầy hình tượng và dễ nhớ. Trả lời các nhà báo về những yêu sách ngang ngược của Trung Hoa Quốc dân đảng ở Việt Nam, Bác dặn dân ta “muốn gánh được nặng phải chịu được khó nhọc”. Trả lời câu hỏi về vấn đề ngoại giao, Bác nhấn mạnh: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Chủ động và không né tránh Trong hầu hết các cuộc phỏng vấn, Bác luôn duy trì thế chủ động và tinh thần tấn công đối với những câu hỏi thiếu thiện chí, nhưng lại với văn phong hài hước, nhẹ nhàng. Trong cuộc họp báo liên quan tới thoả thuận về sự hoà giải giữa Việt Minh, Việt Nam Cách mạng Đồng minh và Việt Nam Quốc dân đảng, ngày 26/12/1945, có nhà báo hỏi Bác: "14 điều thoả thuận đăng trên báo Việt Nam (Cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc dân đảng) có đúng không?". Bác trả lời: "Đúng, nhưng phải thêm một điều nữa là đôi bên đã đồng ý với nhau chưa nên công bố, không hiểu sao báo Việt Nam lại đăng. Có lẽ báo ấy quên chăng?". Tiếp đó, nhà báo khác lại hỏi: "Báo Liên hiệp đăng Chính phủ Việt Minh từ chức nghĩa là gì?". Bác bèn hỏi lại: "Làm gì có Chính phủ Việt Minh, mà đã không có thì từ chức làm sao?". Bác cũng không bao giờ né tránh những câu hỏi hóc búa, nhạy cảm mà luôn khéo léo xử lý tình huống theo cách “có nhưng có thể hiểu là không, không nhưng có thể hiểu là có". Khi Cách mạng Việt Nam mới thành công, do hoàn cảnh lúc bấy giờ, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố “tự giải tán”, nhưng vẫn hoạt động dưới hình thức Hội nghiên cứu chủ nghĩa Marx, nhiều nhà báo nước ngoài tìm mọi cách để Bác khẳng định mình là “cộng sản” để phân hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với các nước khác và một số tầng lớp trong nước hiểu sai về chủ nghĩa cộng sản. Khi ấy, có nhà báo hỏi: Nghe nói Chủ tịch tuyên bố rằng Chủ tịch có xu hướng cộng sản, nhưng có phải Chủ tịch cho rằng nước Việt Nam chưa thể cộng sản hóa được trong một thời hạn 50 năm không? Bác trả lời: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Karl Marx. Cách đây 2000 năm Đức Chúa Jesus đã nói là phải yêu mến kẻ thù của ta. Điều đó đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được. Còn khi nào thì chủ nghĩa Karl Marx thực hiện thì tôi không thể trả lời được. Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình. Ở nước chúng tôi những điều kiện ấy chưa có đủ”. Thông điệp xuyên suốt Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đánh giá: "Đọc lại nội dung tất cả các bài trả lời phỏng vấn báo chí của Bác, ta có thể cảm nhận rất rõ ý nguyện xuyên suốt của Người khẳng định ý chí mạnh mẽ, quyết tâm sắt đá của dân tộc ta giành lại độc lập, thống nhất cho nước nhà, quyền tự do cho nhân dân; giải thích rõ đường lối, chính sách, lập trường chính nghĩa của Việt Nam; huy động dư luận thế giới ủng hộ, giúp đỡ sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc ta; bác lại những luận điệu sai trái, đấu tranh với đối phương trên mặt trận dư luận và khi cần thiết thì chuyển tải tín hiệu, thông điệp cần thiết để phục vụ cho mặt trận đấu tranh ngoại giao. Chỉ riêng điều này đã để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc rằng, không nên né tránh, ngược lại cần tích cực, chủ động sử dụng mối quan hệ với báo chí, truyền thông vốn có sức lan toả sâu rộng, mạnh mẽ, nhanh chóng để phục vụ cho những mục đích, nhiệm vụ cao cả nói trên". Qua hơn 100 cuộc trả lời phỏng vấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự độc lập về tư duy lý luận, thấu hiểu tình hình thế giới và thực tiễn của đất nước, tầm nhìn chiến lược và sự sáng suốt của các quyết sách chính trị, cũng như khả năng giải quyết tài tình mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, giữa mục tiêu lý tưởng lâu dài và những mục tiêu cụ thể. Chiều sâu trí tuệ, bề dày văn hoá và sự lão luyện về nghề nghiệp của Người thể hiện qua các cuộc trả lời phỏng vấn sẽ trở thành những bài học vận dụng không bao giờ cũ trong thực thi nhiệm vụ giao tiếp với báo chí trong và ngoài nước. Theo Thiên Đức/Thế giới và Việt Nam |
|