TPHCM: Tăng cường kiểm tra cơ sở văn hóa ngoài giờ

(Dân trí)-Thời gian tới Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh nề nếp hoạt động văn hóa ngoài giờ. Các trường hợp vi phạm mang tính hệ thống hoặc không có thiện chí khắc phục, Sở sẽ cân nhắc việc duy trì, gia hạn hoạt động và cấp phép mở thêm chi nhánh.

Sáng nay 28/2, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức hội nghị “Sơ kết học kỳ 1 năm học 2013-2014 khối cơ sở ngoại ngữ - tin học - bồi dưỡng văn hóa (văn hóa ngoài giờ). Tại hội nghị, ông Phạm Anh Ba - Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: “Tình hình tự giác, ý thức chấp hành các quy định pháp luật và ngành của một số đơn vị văn hóa ngoài giờ vẫn còn chưa cao, dẫn đến các sai phạm gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục thành phố”.

Theo ông Ba, số lượng các cơ sở văn hóa ngoài giờ trên địa bàn thành phố ngày một tăng, nội dung hoạt động ngày càng đa dạng nên việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Ấy vậy mà ý thức chấp hành luật pháp của một số đơn vị còn chưa tốt, dẫn đến nhiều sai phạm, chủ yếu về nội dung hoạt động, quảng cáo, chương trình giảng dạy, điều kiện dạy học, sử dụng lao động…

TPHCM: Tăng cường kiểm tra cơ sở văn hóa ngoài giờ
Một trung tâm chưa phép nhưng đã chiêu sinh và quảng cáo sai quy định bị cơ quan quản lý yêu cầu ngừng hoạt động.

Thông tin từ phía Sở GD-ĐT cũng cho biết trong học kỳ 1 năm nay Sở GD kiểm tra và xử lý phạt hành chính 3 đơn vị giáo dục văn hóa ngoài giờ. Cụ thể Sở đã phạt: cơ sở Ngoại ngữ Anh Việt Úc 29 triệu đồng do sử dụng lao động không đạt chuẩn; công ty TNHH Quốc tế giáo dục và Phát triển năng khiếu Việt 20 triệu đồng và công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến Toàn Cầu 50 triệu đồng do hoạt động không phép.

Công tác quản lý các địa bàn chưa đồng bộ; nhiều quận, huyện còn chưa thực hiện tốt công tác quản lý và phối hợp, dẫn đến chậm phát hiện các trường hợp hoạt động không phép, sai chức năng, gây hoang mang, mất ổn định trong xã hội.

Thủ Đức là quận có rất nhiều cơ sở không phép, chưa phép vẫn hoạt động hoặc quảng cáo chiêu sinh cũng nhìn nhận việc quản lý các cơ sở văn hóa ngoài giờ còn nhiều bất cập. Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Tốt - Phó phòng Giáo dục quận Thủ Đức cho biết: hiện trên địa bàn quận có 49 cơ sở văn hóa ngoài giờ nhưng chỉ 28 cơ sở có phép, đồng thời có 11 cơ sở không phép và bị đề nghị ngừng hoạt động. Trong quá trình kiểm tra, phòng giáo dục quận đã đề nghị UBND quận ra quyết định xử phạt 4 đơn vị với tổng số tiền là 100 triệu đồng. Thế nhưng mới chỉ có cơ sở ngoại ngữ Không gian đã nộp 25 triệu đồng còn các đơn vị ngoại ngữ Thần Đồng, LeeCam, London đến giờ vẫn chưa nộp phạt.

Khi kiểm tra những cơ sở dạy ngoài giờ, cơ quan quản lý phát hiện các vi phạm như chưa có giấy phép hoạt động đã chiêu sinh và dạy học. Bà Tốt cho biết quận Thủ Đức đã đình chỉ hoạt động của Công ty TNHH Giáo dục và đào tạo Hoa Khôi khi nơi này có dấu hiệu lừa đảo theo nhiều học viên tố cáo. Yêu cầu tháo gỡ bảng hiệu, ngừng chiêu sinh cho đến khi xin được giấy phép giảng dạy. Ngoài ra, Phòng Giáo dục quận Thủ Đức đã cung cấp danh sách và đơn tố cáo lừa đảo của học viên Trung tâm Anh ngữ iEnglish của công ty TNHH Tiếng Anh Kỹ năng cho Công an quận điều tra, xử lý đúng thẩm quyền.

Hay như trường hợp chưa được cấp phép nhưng Trung tâm luyện thi ĐH Tiến Phát vẫn chiêu sinh và quảng cáo khá kêu đảm bảo bao đậu 100%. Phòng Giáo dục phối hợp với phường đã ngăn chặn và đề nghị gỡ bảng quảng cáo sai quy định.
 
Theo bà Tốt: Thủ Đức có địa bàn rộng, dân cư đông nên nhu cầu học của người dân trong quận cao. Đáp ứng điều đó, các cơ sở giáo dục văn hóa ngoài giờ mở ra ngày càng nhiều. Thế nhưng lực lượng nhân sự của phòng Giáo dục quận ít, phải làm kiêm nhiệm chính vì vậy quản lý và kiểm tra các đơn vị không thường xuyên. Trong khi đó cái khó là các cơ sở lại cố tình vi phạm.
 
“Khi đi kiểm tra, nhiều cơ sở đã cố tình lẫn tránh, giao cho người không có thẩm quyền như nhân viên, bảo vệ tiếp, thậm chí có trường hợp cổng mở mà không có người. Còn khi người có thẩm quyền tiếp thì lại hẹn lần hẹn lựa rằng quên cái này hay cái kia…  Sau khi đoàn kiểm tra đến, nhiều chủ cơ sở còn gọi điện cho trưởng đoàn để thương thảo và tìm cách lách luật” - bà Tốt kể lại.

Lê Phương