Tốt nghiệp ở nước ngoài sẽ được Big Four “ưu ái”?

(Dân trí) - Đã hoặc đang làm việc với những “ông lớn” ngành công nghiệp kiểm toán, 3 diễn giả trẻ tài năng Mỹ Hạnh, Tiến Đạt, Việt Hương đã chia sẻ “tất tật” về con đường đến với Big Four trong buổi Coffee Talk - Hội thảo nghề nghiệp do VietAbroader tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.

Qua buổi trò chuyện, các bạn sinh viên được tiếp cận một góc nhìn mới mẻ và thực tế hơn về ngành Kế toán - Kiểm toán; đồng thời lắng nghe lời khuyên chân thành về môi trường làm việc tại Big Four - hệ thống 4 công ty kiểm toán hàng đầu trên thế giới với đối tác là những công ty, doanh nghiệp lớn và có mặt tại hầu hết các quốc gia bao gồm: PwC, EY, Deloitte và KPMG.

Để có “cửa” vào Big Four

Quá trình tuyển dụng tại 4 công ty kiểm toán này trải qua nhiều giai đoạn và yêu cầu tương đối khắt khe ở các ứng viên với tỉ lệ chọi cực cao.

Anh Đào Tiến Đạt (chuyên viên tư vấn quản trị tại PwC Việt Nam) là cựu sinh viên ĐH Ngoại thương cho biết, điều khiến anh quyết định sẽ vào Big Four là kì thực tập cuối năm 3 tại EY Việt Nam. Qua đó, anh đã hiểu rõ hơn về nghề tư vấn cũng như môi trường làm việc tại đây.

Trong lúc nộp đơn vào Big Four, Tiến Đạt tập trung vào Kiểm toán, tuy nhiên đợt tuyển người mới vào PwC không có ngành Kiểm toán mà chỉ có Thuế và Tư vấn, nên anh đã quyết định đăng kí Tư vấn.

Từng bị dọa là ngành Tư vấn rất khó, thường không tuyển người mới ra trường nhưng chàng trai trẻ vẫn không đổi sang ngành Thuế mà đi tiếp với Tư vấn và đã đỗ vào PwC. Sau này anh mới biết PwC có chương trình tuyển các sinh viên mới tốt nghiệp cho ngành Tư vấn ở cả Việt Nam và Philippines. Chương trình sẽ cho ứng viên luân chuyển tất cả các nhóm, chạy tất cả các dự án và sau khi kết thúc sẽ được chọn một nhóm để làm cùng khá giống với chương trình Quản trị viên tập sự.


3 diễn giả trẻ Ngô Việt Hương, Hoàng Mỹ Hạnh và Đào Tiến Đạt (lần lượt từ trái qua phải) là những người đã, đang làm việc tại Big Four.

3 diễn giả trẻ Ngô Việt Hương, Hoàng Mỹ Hạnh và Đào Tiến Đạt (lần lượt từ trái qua phải) là những người đã, đang làm việc tại Big Four.

Theo anh Đạt, để chinh phục được Big Four, ngoài bộ hồ sơ đẹp thì cần kinh nghiệm, thành tích. “Làm nhiều để có nhiều kinh nghiệm và có sự đa dạng (việc làm liên quan chuyên môn, thực tập, tình nguyện, giải thưởng, tham gia các CLB…). Hoạt động để có kỹ năng giao tiếp tốt, thiết lập quan hệ với những người giỏi có thể giúp đỡ mình sau này” là lời khuyên của anh Đạt cho những ai muốn chinh phục Big Four.

Sau khi tốt nghiệp loại Giỏi chuyên ngành Kế toán tại ĐH RMIT, chị Ngô Việt Hương (Kiểm toán viên cao cấp tại KPMG Việt Nam) gửi hồ sơ ứng tuyển và được Big Four chọn. Theo chị Hương, muốn được Big Four mở cửa đón chào trước tiên ứng viên cần hiểu rõ vị trí mình nộp đơn vào.

“Mỗi vị trí khác nhau cần sửa điều chỉnh hồ sơ cho phù hợp với yêu cầu, tính chất công việc. Với Kiểm toán hay Tài chính thì học lực và kiến thức chuyên môn là yếu tố quan trọng và được quan tâm nhiều hơn”, chị Việt Hương lưu ý.

Chị Hoàng Mỹ Hạnh (Trợ lý giám đốc tại Business Information Services (Biinform), từng làm Tư vấn cao cấp tại PwC Việt Nam nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là kinh nghiệm làm việc. Hoạt động ngoại khóa sẽ là yếu tố cộng vào để chinh phục nhà tuyển dụng khó tính như Big Four.

Ứng viên trong nước có phần e dè, ngại hỏi

Trong 3 diễn giả, chị Hoàng Mỹ Hạnh là du học sinh, còn chị Ngô Việt Hương và anh Đào Tiến Đạt được đào tạo ở trong nước. Chị Hạnh tốt nghiệp ĐH Mount Holyoke College, Massachusetts (Mỹ) chuyên ngành Toán và Kinh tế.

Với câu hỏi “ứng viên tốt nghiệp trong hay ngoài nước sẽ được ưu tiên chọn?”, chị Mỹ Hạnh chia sẻ: “Lúc đầu chị thấy vị trí Tư vấn hơi có chút… thiên vị với các bạn học nước ngoài vì tiếng Anh tốt thì cởi mở hơn nhưng bây giờ chị nghĩ là không hề, bản thân chị làm việc với các bạn học trong nước hay nước ngoài thì không thấy khác biệt gì lớn”.


Quang cảnh buổi Coffee Talk đầu tiên trong chuỗi Hội thảo nghề nghiệp do tổ chức phi lợi nhuận “truyền lửa du học” VietAbroader tổ chức.

Quang cảnh buổi Coffee Talk đầu tiên trong chuỗi Hội thảo nghề nghiệp do tổ chức phi lợi nhuận “truyền lửa du học” VietAbroader tổ chức.

Theo chị Mỹ Hạnh, điểm chung là các bạn học trong nước lúc mới vào dịch tiếng Việt hay hơn. Các bạn được đào tạo ở nước ngoài thì tỏ rõ thái độ cầu thị, đặt câu hỏi không e dè từ sếp to đến sếp bé để hoàn thành thật tốt công việc chung.

Anh Tiến Đạt cũng đồng tình rằng, ứng viên tốt nghiệp trong nước có phần e dè hơn. Tuy nhiên, là một người tốt nghiệp trong nước khi vào PwC làm việc, anh thấy bản thân cởi mở hơn rất nhiều.

Còn theo chị Việt Hương, điểm hay của ứng viên đào tạo ở Việt Nam là nắm vững, thậm chí có thể thuộc những thông tư rất dài. Tuy nhiên, khi nhìn tổng thể thì thấy tiếng Anh không phải là lợi thế các bạn được đào tạo trong nước.

Ở KPMG thì tất cả đều viết bằng tiếng Anh nên các bạn hơi gặp khó khăn khi diễn đạt ý và nhiều khi nộp báo cáo muộn, đây là một điểm yếu. Phần nữa, một số bạn còn luôn tự ti về vấn đề ấy, lo rằng tiếng Anh của mình chưa tốt…

Chị Hương chia sẻ, thực ra sau khi làm một thời gian đủ lâu các bạn sẽ tự nhận ra yêu cầu tiếng Anh ở Big Four cũng không cao quá. Vậy nên, nhìn chung cái khác nhau chủ yếu là ở phong thái nhưng các em có thể hoàn toàn khắc phục và tự tin vào bản thân mình.

Tìm sếp tốt, cố gắng làm tốt từ dự án đầu tiên

Bài học lớn nhất của Tiến Đạt là để làm việc tốt trong Big Four là cần chọn dự án phù hợp và tìm sếp tốt. “Hãy tìm một sếp tốt, truyền cảm hứng và kỹ năng tốt để học hỏi. Nhiều lúc em cũng nên quản lý cái mong muốn của sếp đối với em, chủ động trao đổi xem em có thể làm những gì, làm đến đâu. Trên con đường phát triển của em, sếp sẽ dạy em tất cả mọi thứ”, anh Đạt nhắn nhủ.

Chị Việt Hương tâm sự về trải nghiệm khó quên của mình ở Big Four. Lúc bắt đầu làm, chị được phân cho một dự án rất khó. Đến cuối năm khách hàng nhận xét là chị quá yếu về nghiệp vụ, chị phải giải thích cho các sếp và may là được thông cảm.

May mắn ở dự án thứ 2, chị Hương được sếp khá ủng hộ và hai chị em hợp tính. “Dần dần mình cũng cải thiện được hình ảnh là một người có cố gắng. Đấy là trải nghiệm đầy đáng sợ khi bắt đầu bước chân vào thế giới đi làm. Vậy hãy cố gắng làm tốt từ dự án đầu tiên, thể hiện mình là người nỗ lực, mang đến chất lượng và dần dần tin đồn sẽ được xóa bỏ”, chị Hương chia sẻ.

Lệ Thu