Tổng điểm tối đa cho 3 bài thi ĐH là 33 điểm?

(Dân trí) - Có thang điểm 11 cho bài thi ĐH không? Tổng điểm tối đa cho kết quả thi của thí sinh (không kể các loại điểm cộng ưu tiên) có thể vượt quá mức 30 điểm không?... là những thắc mắc thường gặp của thí sinh về điểm thi ĐH, CĐ.

Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), quá trình chấm thi ĐH đã ngày càng đảm bảo được mức độ công bằng nhất cho thí sinh thông qua thang điểm, đáp án được công bố công khai. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khá nhiều thắc mắc xoay quanh vấn đề này khi năm nay áp dụng tới 4 môn thi trắc nghiệm và việc chấm thi trắc nghiệm lại rất khác so với công việc chấm thi thông thường.

 

Thế nào là không quy tròn điểm bài thi? Tại sao phải áp dụng quy định này? Thí sinh có thiệt thời hơn vì quy định này?

 

Bắt đầu từ năm 2006, không quy tròn điểm từng bài thi trong khi chấm thi. Thang điểm chấm thi là thang điểm 10. Các ý nhỏ được chấm điểm lẻ đến 0,25 điểm.Việc quy tròn điểm do máy tính tự động thực hiện theo nguyên tắc: Nếu tổng điểm 3 môn thi có điểm lẻ từ 0,25 đến dưới 0,5 thì quy tròn thành 0,5; có điểm lẻ từ 0,75 đến dưới 1,0 thì quy tròn thành 1,0.

 

Quy định này được áp dụng để đảm bảo cho tính chính xác đến mức tối đa cho mỗi kết quả thi.

 

Thí sinh không thiệt thòi hơn khi áp dụng quy định này. Ví dụ, nếu tổng điểm 3 bài thi của thí sinh có kết quả là 22, 75 điểm thì kết quả thi của thí sinh đó sẽ được công nhận là 23 điểm.

 

Có thang điểm 11 cho bài thi không? Tổng điểm tối đa cho kết quả thi của thí sinh (không kể các loại điểm cộng ưu tiên) có thể vượt quá mức 30 điểm không?

 

Theo Quy chế tuyển sinh, những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm. Mức điểm thưởng do cán bộ chấm thi đề xuất và do Trưởng môn chấm thi trình Trưởng ban chấm thi quyết định, nhưng không vượt quá 1 điểm.

 

Như vậy, thang điểm tối đa đối với mỗi bài thi là 11 điểm chứ không phải là 10 điểm. Thí sinh vẫn có thể đạt được kết quả là 33 điểm/3 môn chứ không phải số điểm tuyệt đối là 30/3 môn

Điểm thi được chấm theo đáp án và thang điểm cho sẵn của Bộ GD-ĐT, từ 0,25 điểm đến 1,0 điểm tùy theo quy định của từng câu, từng ý, từng đề thi. Do đó, thí sinh làm đúng phần nào sẽ có điểm phần đó theo đúng ba-rem điểm cho sẵn.

 

Thang điểm của các môn thi trắc nghiệm có khác những môn thi khác?

 

Thang điểm chấm thi các môn tự luận theo thang điểm 10 với các ý nhỏ được chấm điểm lẻ đến 0,25 điểm. Riêng các môn thi trắc nghiệm có thể theo thang điểm khác nhưng điểm toàn bài thi phải quy về thang điểm 10.

 

Như trong năm 2006, đối với môn thi trắc nghiệm Ngoại ngữ, có 100 câu với thời gian làm bài là 90 phút. Đề chuẩn có thang điểm là 100. Khi chấm bằng máy tính và phần mềm chuyên dụng sẽ chấm theo thang điểm 100. Nhưng kết quả toàn bài thi của TS sẽ được chuyển sang thang điểm 10, tính điểm lẻ đến 0,25.

 

Việc tiến hành qui đổi từ thang điểm 100 sang thang điểm 10 cho từng bài thi trắc nghiệm sẽ do máy tính thực hiện. Đối với một số trường, ngành, môn ngoại ngữ tính hệ số theo qui định. Việc tính hệ số cũng sẽ do máy tính thực hiện sau khi đã qui điểm bài thi về thang điểm 10.

 

Tại sao thang điểm các môn trắc nghiệm không được công khai ngay sau khi kết thúc buổi thi như các môn tự luận?

 

Thi trắc nghiệm không có thang điểm chi tiết ngay như các môn tự luận vì Bộ GD-ĐT phải xem xét được khả năng làm bài của thí sinh thế nào mới xây dựng được thang điểm.

 

Như đối với quy trình xây dựng thang điểm cho môn trắc nghiệm Ngoại ngữ năm 2006, các trường có thí sinh dự thi khối D phải “quét” toàn bộ bài của thí sinh ra đĩa mềm, gắn niêm phong, gửi lên Bộ để thống kê toàn quốc trước khi có một cuộc chấm thi đồng loạt đối với môn Ngoại ngữ. 

 

Sau khi các trường gửi những đĩa mềm này lên Bộ để thống kê, Bộ lên thang điểm chi tiết và trả về cho các trường tự chấm. Thực chất của việc thống kê là để biết câu dễ câu khó và để điều chỉnh điểm giữa các câu dễ khó khác nhau cho việc lên thang điểm chi tiết. Vì bản chất của bài thi trắc nghiệm là phải đưa ra thì mới biết câu nào khó câu nào dễ. Hàng vạn thí sinh dự thi làm bài xong mới biết câu nào khó hơn câu nào chứ không phải tự người ra đề áp đặt.

 

Đối với các môn Hoá, Lý, Sinh, quy trình xây dựng thang điểm cũng tương tự như vậy.

 

Có thể có sự rủi ro giữa chấm bằng máy và chấm bằng tay vì người chấm có thể “hữu tình” nhưng máy móc thì luôn “vô tình”?

 

Tuy việc chấm thi trắc nghiệm phải trải qua nhiều công đoạn hơn việc chấm các bài thi thông thường. Nhưng khi chính thức chấm thì việc chấm lại nhanh hơn gấp nhiều lần việc chấm bằng tay thông thường, vì thế, sẽ không ảnh hưởng gì đến tiến độ công bố kết quả thi của thí sinh. Đúng theo lịch, 10/8 là các trường hoàn tất toàn bộ việc chấm thi của thí sinh.

 

TS cũng không phải e ngại vì người thì “hữu tình” còn máy móc thì “vô tình”. Nếu có băn khoăn về kết quả môn thi trắc nghiệm, thí sinh có thể làm đơn phúc khảo. Bài thi (phiếu trả lời câu hỏi trắc nghiệm) của thí sinh sẽ được rút ra để đối chiếu với bản text đã được máy chấm quét trong lần chấm đầu để xác nhận bài thi và bản quét là một.

 

Sau đó, các cán bộ chấm thi sẽ so sánh, kiểm tra trực tiếp xem trên bài thi có vấn đề gì ảnh hưởng đến kết quả hay không, ví dụ như vì thí sinh tô câu trả lời mờ khiến máy không “đọc” được thì phải điều chỉnh ghi nhận câu trả lời đúng cho thí sinh... Kết quả của lần chấm lại căn cứ trên thực tế bài thi sẽ được lấy làm điểm chấm phúc khảo và được công nhận là kết quả thi của thí sinh.

 

Hai nỗi “ám ảnh” của thí sinh về quy trình chấm thi

 

Cảm tính của người chấm: Thời tiết dễ chịu thì người chấm dễ tính? Chữ đẹp dễ chiếm được cảm tình nên cũng dễ “ăn điểm” hơn chữ xấu?

 

Theo “Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2006”, cán bộ chấm thi phải chấm bài thi đúng theo thang điểm và đáp án chính thức đã được Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh phê duyệt (đối với các trường tự ra đề thi) hoặc Trưởng ban Đề thi của Bộ GD-ĐT phê duyệt (đối với các trường dùng chung đề thi của Bộ GD-ĐT). Cán bộ chấm thi không thể chấm kiểu thích thì chấm, không thì bỏ.

 

Các hội đồng chấm thi đều phải chấm theo quy trình: Mỗi bài thi được hai cán bộ chấm thi chấm hai vòng độc lập ở hai phòng riêng biệt và phải theo đúng đáp án, thang điểm mà Bộ GD-ĐT đã công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì thế, không thế xảy ra hiện tượng cảm tính trong khi chấm thi.

 

Gian lận sẽ lọt lưới trong quá trình chấm trắc nghiệm?

 

Chấm thi trắc nghiệm là phải có một Ban Giám sát trực tiếp gồm có nhà trường và PA25 của cơ quan công an giám sát ngay lúc mở phong bì bài thi, quét trên máy và niêm phong lại ngay. Khi chưa có thang điểm chi tiết, các trường tuyệt đối không được động vào bài thi.

 

Việc các trường phải quét toàn bộ bài thi vào đãi mêm để đưa về Bộ là một hình thức chống gian lận đối với hình thức thi trắc nghiệm.Về nguyên tắc nếu một văn bản hai ba người giữ thì không ai làm gì được, nếu để một nơi giữ thì rất có thể người ta sẽ dễ xảy ra hiện tượng gian lận.

 

Trong tình huống như vậy, không ai có thể dám chữa gì vào bài. Mặt khác, tốc độ quét của máy nhanh, không dễ gì dừng lại được đúng bài thi có ý định tiêu cực.

 

Trong năm 2006, có 20,8% trong tổng số thí sinh (tương đương với khoảng 300 nghìn thí sinh) đạt tổng điểm 3 môn thi từ 15 điểm trở lên (thấp hơn năm 2005 gần 100 nghìn thí sinh). Tuy nhiên, số thí sinh đạt điểm tối đa lại nhiều hơn năm trước khoảng 20% với 40 thí sinh khối A đạt tổng điểm 3 môn thi là 30 điểm.

 

M.M