Tôi đi học “chui”
(Dân trí) - “Học chui không mất tiền mà rất thú vị” - tôi nhận được lời khuyên này từ các sinh viên khóa trên khi hỏi về kinh nghiệm học thêm tiếng Anh. Và quả là một lần thử học chui đã giúp tôi “khám phá” nhiều điều quanh chuyện học chui của SV Huế.
Học thêm kiểu chui
Lớp tôi học (tại Trung tâm Ngoại ngữ Trường CĐ Sư phạm Huế) có đến gần 200 người. Bàn ngồi 5, ngồi 6 người chen chúc nhau. Bên cạnh tôi là một sinh viên (SV) năm thứ ba trường ĐH Khoa học thuộc ĐH Huế.
Trong lúc chờ cô giáo lên lớp, tôi tìm hiểu: “Cậu học tiếng Anh ở trung tâm này được bao lâu rồi?” - “Mình học ở đây được gần tháng rồi, bữa học bữa bỏ!”. Hóa ra cậu SV này học chui theo kiểu “hôm nào cô giáo điểm danh kiểm tra số lượng học viên theo thẻ thì… chuồn”.
Mỗi năm, các trường ĐH, CĐ trong thành phố Huế như ĐH Sư phạm Huế, CĐ Công nghiệp… đều tổ chức các khóa đào tạo Anh văn theo tín chỉ trong đó có giảm giá 10-20% cho SV. Lượng SV theo học khá đông nhưng trong đó số SV học chui cũng chiếm không ít. Trong tháng đầu tiên, lớp bằng B tiếng Anh do cô Phương đứng lớp có đến hơn 150 người nên rất khó kiểm soát. “Những tuần đầu tiên là tuần đông học viên nhất, kín cả giảng đường. Nhưng hễ ghi danh, kiểm vé thì dần dần học viên cứ …thưa dần”- cô Phương cho biết.
Nguyễn Văn T., cựu SV trường ĐH Sư phạm Huế, từng là một “chuyên gia” học chui lý giải rằng “giảng đường thì rộng, SV thì đông biết ai vào với ai”. Có lần T. học chui gần trọn cả khóa. Những khi thầy cô làm căng thì T. chuồn lẹ, không thì buổi học sau “có chết cũng không dám mò mặt vào học nữa”. Sở dĩ T. chọn giải pháp đi học chui là vì cậu chưa cần đến tín chỉ nên chỉ muốn học cho biết mà lại không tồn tiền.
Để tiện cho những người theo học, các trung tâm đào tạo đều tổ chức bán phiếu học theo tuần - tháng - năm thế nhưng với dân học chui thì phiếu học một tuần vẫn còn “xa xỉ”.
Lê Huân, SV kiến trúc, cũng là dân học chui tâm sự: “Nếu mua phiếu tuần học 3 buổi cũng mất gần 50 ngàn, vị chi mỗi tháng cũng ngốn gần 150 ngàn, SV nghèo tụi mình lấy tiền đâu mà học nên cứ chui được bữa nào hay bữa đó!”
Những SV nào “chịu chi” hơn thì sử dụng cách mua tháng học một tháng nhưng sử dụng cho… cả năm học vì làm như vậy cũng “bớt… áy náy”.
Dân học chui: Có “thoát” cũng khổ
Nguyễn Phúc (SV trường ĐH Khoa học thuộc ĐH Huế) đã không dưới ba lần bị thầy cô bắt quả tang khi đang ngồi học với tư cách “dân chui”. Và cũng chừng ấy lần cậu phải ra sức xin xỏ, kể lể hoàn cảnh khó khăn để rồi lần sau vẫn thế.
Chính vì vậy, ngoài việc điểm danh, kiểm tra vé học chặt chẽ và xem mặt quen ngay trước khi bước vào lớp, những giáo viên nào làm nghiêm còn phải đóng kín cửa để tránh tình trạng SV… chui qua cửa phụ vào học.
Biện pháp “hoạt động” của dân học chui là chuyên ngồi ở những nơi gần cửa, chọn chỗ đông len vào, ngồi bàn cuối cùng, ngồi ké hành lang… Nếu học lớp đông thì dân học chui dễ bề “lọt lưới” vì nhiều học viên khiến thầy cô khó nhớ mặt. Còn nếu lớp ít người học thì bịa ra lý do “em đang học thử” và cứ thế “học thử” đến hết khóa. Nếu bí quá thì mượn tạm thẻ học của bạn ngồi cạnh để trình giáo viên. Cậu SV Phúc còn tiết lộ thêm một kinh nghiệm là chọn những lớp học nào có giáo viên nữ trẻ đứng lớp vì họ dễ thông cảm hơn và cũng “nhẹ tay” hơn.
Thực ra, không phải giáo viên không biết những “mánh” học chui của học viên. Một thầy giáo dạy tại trung tâm tin học tâm sự: “Chuyện SV học chui mình không lạ gì. Nhưng thương mấy đứa nên lại không làm căng được. Chẳng nỡ đuổi học viên ra ngoài khi các em đang học trong lớp nên đành giả vờ như không biết.”
Phan Bá Mạnh