Tôi đi du học Hà Lan

“Nhiệt độ bên ngoài là 0 độ C!” đó là thông báo khi máy bay sắp hạ cánh xuống sân bay Schiphol, Amsterdam (Hà Lan). Tôi vốn “sợ” lạnh, tỉnh hẳn sau một giấc ngủ dài mệt mỏi.

Sau khi check-out, tôi e dè kéo hành lý bước ra ngoài, thế nhưng tôi lại cảm giác không lạnh lắm... Mọi người nói cơ thể tôi vẫn giữ “hơi ấm” từ Việt Nam, dần dần rồi mới sẽ bị “ngấm” cái lạnh bên này.

Loay hoay với hành lý, tìm mua vé xe lửa đến Rotterdam, rồi leo lên taxi… thấy mình lơ ngơ, lạc lõng giữa một nơi xa lạ, nhưng rồi tôi cũng đến được trường.

Các bạn nhiệt tình hướng dẫn tôi đến phòng Quốc tế (International Office) của trường. Tôi được một giáo viên sắp xếp, chở giúp hành lý đến ký túc xá.

Vừa bước vào, tôi gặp ngay bạn cùng phòng, mừng quá, định “mở miệng” nói tiếng Việt nhưng hóa ra bạn đó là người Trung Quốc. Từ đó tôi bắt đầu tập “chung sống”...

Tôi thấy cần phai có sự thông cảm, tôn trọng lẫn nhau để có thể sống cùng phòng vui vẻ, thoải mái.

Trường tố chức tuần lễ Giới thiệu (Introduction Week) với các hoạt động giúp sinh viên mới làm quen thành phố, trường lớp, bạn bè… Các bạn sinh viên năm 2 hoặc 3 có thể đăng ký tham gia làm hướng dẫn, được nhận thêm tín chỉ.

Chúng tôi được hướng dẫn tham quan thành phố qua một trò chơi nhỏ - tìm nhanh các địa điểm đặc biệt yêu cầu, tham quan trường, các phòng thiết bị…

Trường trang bị khá nhiều máy tính cho sinh viên, phòng học có máy chiếu (projector) hỗ trợ cho các buổi thuyết trình - một yêu cầu thường xuyên của tất cả các môn học. Trong tuần lễ này, chúng tôi có một buổi được đi đến trang trại tham gia các hoạt động vui chơi tập thể.

Tôi quen một vài bạn Việt Nam qua trước, được họ giúp đỡ để thích nghi với cuộc sống bên này. Nào là cách đi chợ ở siêu thị, cân đồ (riêng với một số loại rau quả) và nhấn nút Bon (hóa đơn) để ra giá tiền dán bên gói đồ đó...

Nếu nhớ các món ăn Việt, thì tôi có thể tìm đến khu siêu thị của người Hoa. Ở đó tôi có thể tìm mua gia vị, nước mắm, mì tôm... và rau muống, nhưng rau thì rất đắt tiền, không như bên nhà.

Khi hợp đồng ở ký túc xá sắp hết hạn, tôi may mắn thuê được một căn phòng ở ngoài. Giá rẻ hơn, phòng nhỏ nhưng một mình một phòng, sử dụng bếp và phòng tắm chung với sinh viên phòng khác. Tôi có thể online suốt ngày, dễ dàng liên lạc với gia đình, bạn bè…

Việc tìm kiếm nhà trọ ở đây thật sự khó khăn, đôi khi cần cả sự may mắn nữa! Tôi cố gắng tìm kiếm công việc làm thêm để trang trải phần nào chi phí.

Rào cản ngôn ngữ vẫn là một trở ngại lớn... Các bạn sinh viên thường chấp nhận các công việc như lau dọn nhà, trông em nhỏ, rửa chén bát tại nhà hàng... Tôi may mắn tìm được việc làm thêm tại một gia đình người Việt, được họ đối xử rất tốt. Tự lập với cuộc sống nơi đây tôi thấy mình “lớn” hơn rất nhiều.

Mặc dù có vốn tiếng Anh tương đối tốt nhưng tôi không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu trong việc giao tiếp. Các bạn sinh viên, đặc biệt là Âu Mỹ rất năng động, dạn dĩ. Họ luôn “biến” các buổi học thành đối thoại hai chiều, nghĩa là luôn tham gia đóng góp ý kiến, đặt câu hỏi... Tôi chỉ ngồi im ắng nghe và rất run nếu được hỏi ý kiến.

Chúng tôi thường xuyên làm bài theo nhóm, và tinh thần “làm việc đồng đội” được coi trọng sau khi chúng tôi làm trắc nghiệm về cách học của bản thân vào đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm dựa vào kết quả đó và phân nhóm. Các nhóm nào thay đối và xoay vòng theo từng học kỳ nên dần dần tôi quen thân hơn với tất cả các bạn trong lớp.

Kết quả học tập của tôi khá tốt nên cũng thay đổi cái nhìn của một số bạn đối với sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nhận thấy kiến thức xã hội của mình yếu kém hơn nhiều so với các bạn trong lớp, nhất là trong các buổi thảo luận.

Lớp tôi học thật sự là một môi trường quốc tế, sinh viên đến từ nhiều nước với nhiều nét mặt, tính cách hoàn cảnh khác nhau... nhưng nhìn chung các bạn đều khá thân thiện!

Tôi dần dần thay đổi cách học cố gắng không tạo cho mình quá nhiều áp lực... Đến nay, tôi cảm giác mình đã thay đổi khá nhiều về cách tư duy và phương pháp học!

Ba năm trôi qua thật nhanh mà cũng thật chậm! Tôi chuẩn bị bước vào giai đoạn cuối của chương trình học. Tôi thấy kiến thức mình được mở mang nhiều, và tôi còn nhận được một bài học lớn hơn trong thời gian du học ở đây - bài học về cuộc sống!

Tôi cảm nhận nhiều điều quý giá: tình cảm gia đình, bạn bè, con người... Đôi lúc tôi thấy mình thật yếu đuối, nhưng thật ra cuộc sống tự lập nơi xa đã giúp tôi mạnh mẽ hơn rất nhiều!

Theo Phụ Nữ TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm