“Tôi đã chọn Harvard không chỉ vì danh tiếng…”

Hằng năm, có hơn 20.000 sinh viên xuất sắc nhất trên toàn thế giới nộp hồ sơ vào Harvard. Chỉ 2.000 hồ sơ trong đó được chọn. Năm 2003, có hai sinh viên VN đầu tiên được chọn vào cấp đại học của Trường Harvard. Một trong hai người đó là sinh viên ngành toán Nguyễn Tiến Anh.

Dưới đây là câu chuyện của Nguyễn Tiến Anh...

 

1. Lần đầu tiên đến Singapore với học bổng Asian, tôi chưa tròn 16 tuổi. Một giấc mơ đẹp trở thành sự thật. Người ta nói cuộc viễn du ngàn dặm được bắt đầu bằng một bước chân. Về sau này tôi mới hiểu được bước chân đầu tiên của tôi thật sự là điểm bắt đầu của một cuộc hành trình vô cùng thú vị, có gian nan, có khó khăn nhưng cũng thật may mắn và phong phú...

 

2. Đối với tôi, việc được Trường đại học Harvard nhận năm 2003 thật sự là một giấc mơ thứ hai mà tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ trở thành sự thật. Chỉ từ khóa năm 2003 của tôi, Trường Harvard mới bắt đầu nhận hai sinh viên VN đầu tiên. Giờ nhìn lại, tôi thấy việc chuẩn bị của mình đã diễn ra từ Singapore. Tôi đã chuẩn bị khá tốt về nhiều mặt: một vốn tiếng Anh tốt, lợi thế về các môn khoa học tự nhiên như toán, lý hay tin học. Với những môn xã hội, mặc dù thời gian đầu có rất nhiều khó khăn về ngôn ngữ, nhưng rồi tôi đã đuổi kịp và thật sự cảm thấy thích thú những môn học như văn hoặc địa lý.

 

Tôi cũng giành được một số thành tích tốt trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia của Singapore, cũng như tham gia tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa: thể thao, làm tạp chí điện tử, tình nguyện viên, gây quĩ cho người nghèo. Qua những hoạt động đó, tôi tự thấy mình trưởng thành lên nhiều, học được nhiều kỹ năng quí và có một tầm nhìn già dặn hơn.

 

Những sự chuẩn bị đó giúp tôi rất nhiều khi viết bài luận về bản thân mình (bài viết quan trọng nhất của một hồ sơ), cũng như trong những lá thư giới thiệu của nhà trường và thầy cô, và trong những cuộc phỏng vấn với đại diện của nhà trường. Cảm xúc của tôi khi chuẩn bị gửi tập hồ sơ đi Harvard thật là khó tả: nó chứa đựng cả sự mệt mỏi, căng thẳng bởi kỳ thi tốt nghiệp, có cả nỗi buồn và cô đơn khi nhớ nhà, là tâm trạng lo lắng, xao xuyến khi bước chân vào một trang mới trong cuộc đời đầy thử thách...

 

3. Hằng năm có 20.000 thí sinh gửi hồ sơ dự tuyển, mà hầu như ai cũng rất xuất sắc, toàn diện. Trong khi đó chỉ có trên dưới 2.000 người trúng tuyển và khoảng 1.650 người nhập học hằng năm. Đã có dịp làm việc với các cán bộ tuyển sinh của Harvard, tôi biết trong số 20.000 thí sinh, không phải chỉ có 2.000 người đạt yêu cầu, mà đến 40-50% số thí sinh đều rất xuất sắc và hầu hết hội tụ đủ những yêu cầu học vấn và thành tích như những người trúng tuyển.

 

Bởi vì ở Mỹ, không có kỳ thi tuyển hay tốt nghiệp trung học trong toàn quốc như ở VN, nên không có những chỉ số quyết định như đỉểm chuẩn, điểm sàn... Việc so sánh các thí sinh đến từ nhiều nền giáo dục khác nhau trên toàn thế giới, với nhiều hoàn cảnh khác nhau là vô cùng khó khăn. Khi cán bộ tuyển sinh xem xét một bộ hồ sơ tuyển sinh, họ không chỉ coi trọng thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa mà còn muốn tìm những sinh viên tương lai có thể đóng góp tích cực vào các hoạt động ở trường và chia sẻ cuộc sống cộng đồng với bạn bè đồng môn. Họ còn tìm kiếm những điểm nhấn đặc biệt, những sự khác biệt để làm cho cộng đồng trường phong phú hơn.

 

Cầm giấy báo kết quả tuyển sinh và lá thư chúc mừng của Trường Harvard, tôi thật sự không thể tin vào mắt mình. Để được nó, tôi đã “phá vỡ” chính con người của mình: một cậu bé hiền lành, mơ mộng... để trở nên mạnh mẽ hơn, “cái tôi” cứng rắn và bản lĩnh hơn... ở giữa xứ lạ, quê người...

 

4. Ngày đầu tiên đặt chân sang Singapore, thầy cô và mọi người xung quanh trịnh trọng gọi tôi là “Young man” (chàng trai trẻ). Trường trung học Anglo - Chinese School là một trường trung học tư thục có “tuổi đời” 115 năm, được xây dựng theo mô hình trường nội trú cổ điển của Anh. Là một trường có hàng ngàn học sinh, nhưng nhiều khi giáo viên từ hiệu trưởng đến các thầy thể dục biết đến từng học sinh, điểm mạnh, yếu và cả hoàn cảnh gia đình của từng người.

 

Phương châm của trường: mỗi học sinh là “a scholar, a gentleman and an officer” - một người có học vấn sâu rộng, có nhân cách và có tinh thần trách nhiệm như một sĩ quan. Việc thi cử luôn luôn rất nghiêm túc, không bao giờ có sự gian lận, xin điểm... làm cho học sinh tự nhận thấy trách nhiệm về việc học tập của mình.

 

Ở đó, những ý kiến của tôi được lắng nghe, tôi không bao giờ phải e ngại gì khi đưa ra những đề xuất mới hay nhận xét của bản thân. Bên cạnh đó, tôi cũng tự thấy mình phải chịu trách nhiệm cho chính cá nhân mình. Và tôi bắt đầu “câu chuyện ngoại khóa” với một ngày hội festival nhằm gây quĩ xây dựng nhà trường và ủng hộ nạn nhân ung thư.

 

Sau này, qua những hoạt động trong trường và ngoài trường, tôi có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều người đến từ mọi ngả đường của xã hội Singapore và Mỹ, từ những cựu chiến binh Mỹ ở tiểu bang Alabama, những đứa trẻ tị nạn Haiti, Costa Rica mới đặt chân lên nước Mỹ, những nhà hoạt động về bình đẳng giới, những người vận động hợp thức hóa hôn nhân đồng giới... Tôi trải nghiệm, nhiều khi bị những thành kiến sẵn có tạo nên cú sốc, nên dành thêm thời gian để tìm hiểu về từng số phận khác nhau trên muôn ngả đường đời, để biết vì sao họ khác biệt như vậy.

 

5. Năm thứ nhất, trong dịp nghỉ giữa kỳ mùa xuân, tôi được tham gia một chuyến đi tình nguyện của nhóm bạn SV Harvard xuống miền nam nước Mỹ, tại tiểu bang Alabama để làm nhà cho những người da màu nghèo. Đây là chương trình do Tổ chức Habitat for Humanity (Nơi ở cho nhân loại) tổ chức ở các trường đại học tại Mỹ - nhưng mọi việc từ chuẩn bị đến phương tiện giao thông, nơi ở đều do chính sinh viên tổ chức.

 

Qua những thành phố, những miền quê khác nhau của nước Mỹ, tôi được biết một nước Mỹ muôn màu, muôn vẻ. Chuyến đi ôtô đường trường, những buổi lao động vất vả nhưng vui vẻ giúp tôi hiểu thêm được vị trí của mình trong xã hội, những việc mình có thể làm được, thêm tự tin vào khả năng thay đổi thế giới của mình, dù chỉ là một phần nhỏ.

 

Học kỳ 1 năm thứ 3, tôi tham gia một hoạt động mới: chương trình biểu diễn trượt băng nghệ thuật mang tên “Hẹn cùng những nhà vô địch”. Đây là một trong những chương trình nghệ thuật từ thiện lâu đời nhất ở Trường Harvard, và cũng hoàn toàn do sinh viên đại học đảm nhiệm từ khâu chuẩn bị, tổ chức đến quyết toán, dựng quĩ.

 

Hằng năm, ban tổ chức mời các nghệ sĩ trượt băng nghệ thuật hàng đầu thế giới như Michelle Kwan... đến biểu diễn tại Trường Harvard và mở cửa bán vé cho đông đảo người hâm mộ, số tiền thu được đều được gửi ủng hộ quĩ “Jimmy Fund” để chống ung thư. Đây là một hoạt động ở tầm cỡ lớn và phức tạp bậc nhất đối với tôi từ trước đến nay. Tôi chịu trách nhiệm về mặt tài chính, từ cân đối bảng thu chi hằng tháng cho đến quản lý tiền vé, các nhà tài trợ.

 

6. Từ “học” ở Harvard có nghĩa rất rộng: học ở đây vừa có thể là ôn thi cho bài kiểm tra cuối năm, có thể là một bài nghiên cứu độc lập do sinh viên chủ động, là học hỏi của người cùng lứa hay cùng lớp, là chia sẻ thông tin, là có những khoảng thời gian thú vị, bổ ích khi hoạt động ngoại khóa hoặc hoạt động xã hội để học làm người, để hình thành nhân cách.

 

Sự xuất sắc của sinh viên làm các lớp học trở nên phong phú, sôi động. Luôn luôn có những ý kiến trái ngược, những câu hỏi được đặt ra rất hóc búa cho cả sinh viên và giáo sư. Sinh viên xuất sắc và độc lập, nên bài tập, đề án cho nhóm, hay những bài luận đều đạt trình độ cao, sắc sảo (tất nhiên là có sự tiến bộ dần dần) hiếm thấy. Họ học tập được của nhau, và thật sự biến khóa học trở thành một trường học của những ý tưởng. Đó là một môi trường giáo dục toàn diện, một thực thể không lồ chuyên tâm cho giáo dục con người, nhưng nó không tự bó buộc mình vào một định nghĩa cứng nhắc “thế nào là sự học”.

 

Bản thân tôi không nghĩ rằng Trường Harvard hay Princeton là trường đại học tốt nhất trên thế giới một cách tuyệt đối. Môi trường nào cũng có lợi thế và sự bất cập của nó. Tôi đã chọn Harvard không chỉ vì danh tiếng của trường này mà còn vì tôi nghĩ rằng nó phù hợp với bản thân mình và là nơi có thể giúp tôi trưởng thành hơn.

 

Có thể tấm bằng Harvard sẽ giúp mở nhiều cánh cửa và nhiều cơ hội hơn, song thật sự có nắm bắt và thành công được với những vận hội ấy hay không là phụ thuộc vào chính bản thân mình. Học ở Harvard, sau này khi nhìn lại, sẽ cũng chỉ là một bước chân trong cuộc du hành vạn dặm của cuộc đời. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là “make the best of what you have” - luôn luôn cố gắng vươn tới dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào và thay đổi môi trường xung quanh chứ đừng chỉ để hoàn cảnh của mình quyết định số phận của bản thân.

 

Nguyễn Tiến Anh sinh năm 1983 và sống ở quận Đống Đa, Hà Nội.

Học phổ thông cơ sở ở Trường Nguyễn Trường Tộ từ 1996-1998. Năm 1998, đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc môn toán, được tham gia kỳ thi tuyển chọn học bổng trung học ASEAN của Bộ Giáo dục Singapore.

Học hết bậc trung học (secondary) tại Trường Anglo - Chinese School (Independent) (Trường tư thục trung học Trung Anh), thi tốt nhiệp kỳ thi O levels năm 2000. Tiếp tục theo học tại Trường dự bị đại học Anglo Chinese Junior College (ACJC) năm 2001-2002 và tốt nghiệp kỳ thi A levels năm 2002.

Cuối năm 2002, nộp đơn vào các trường đại học ở Mỹ và Anh. Đầu tháng 4/2003, Trường đại học Harvard đã gửi kết quả tuyển sinh và nhận Tiến Anh vào học chương trình đại học (undergraduate) khóa từ tháng 9-2003 đến 2007.

 

 

Theo NV. Tiến Hùng - Quang Hiếu

Tuổi Trẻ