Nhà thơ Đặng Hiển:

“Tôi coi việc có thơ in trong sách giáo khoa là niềm hạnh phúc”

(Dân trí) - Trước những lùm xùm về việc bản quyền tác giả của những tác phẩm thơ văn trong sách giáo khoa, nhà thơ Đặng Hiển - thành viên Hội nhà văn Việt Nam đã có tâm sự gửi đến <i>Dân trí</i>. Nhà thơ Đặng Hiển khẳng định: “Việc có thơ in trong SGK là niềm hạnh phúc”.<br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/cong-chung-se-thiet-neu-sach-giao-khoa-bi-doi-gia-vi-tac-quyen-951745.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;  Công chúng sẽ thiệt nếu sách giáo khoa bị đội giá vì… tác quyền</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bao-cao-quoc-hoi-ve-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-951155.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;  Báo cáo Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/7788-ty-dong-thuc-hien-chuong-trinh-sach-giao-khoa-pho-thong-948897.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;  778,8 tỷ đồng thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông</b></a>

Để bạn đọc hiểu về những tâm tự, bộc bạch của những nhà văn, nhà thơ có tác phẩm trong sách giáo khoa (SGK) hiện này, Dân trí xin đăng tải những chia sẻ của nhà thơ Đặng Hiển - đây cũng là nhân vật có tham gia trả lời phỏng vấn một số báo chí, truyền hình nhưng những lời ông chia sẻ không được trích dẫn một cách đầy đủ: 

"Tôi là giáo viên văn có năng khiếu sáng tác và sau khi nghỉ hưu đã là nhà văn chuyên nghiệp nhưng vẫn quan tâm đến giáo dục.

Năm 1980, tôi viết bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão đăng trên Tạp chí sáng tác của tỉnh Hà Sơn Bình. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi một hôm đọc bài thơ ấy liền tiến cử với NXB Giáo dục để đưa vào SGK Tiếng Việt lớp 4. Nhà thơ có đề nghị cho sửa vài chỗ. Tôi đồng ý. Thế là tôi có bài thơ được in trong SGK từ ấy. Khi cuốn sách lần đầu tiên xuất bản, NXB có gửi tặng tôi một cuốn và 50 đồng (tiền lúc đó bằng hơn 50.000đ bây giờ). Tôi rất phấn khởi, khoe sách với những người quen biết.

5 năm sau, những học sinh đã học bài đó ở lớp 4, có em đã trở thành học trò của tôi ở cấp 3. Khi biết tôi là tác giả bài thơ đó, các em tỏ ra rất mến phục và uy tín sư phạm của tôi nhờ thế mà tăng lên rất nhiều.

20 năm sau, khi cháu ngoại, cháu nội tôi học lên lớp 3 (lúc này bài Mẹ vắng nhà ngày bão đã chuyển xuống sách lớp 3), các cháu khoe với bạn là bài thơ này ông tớ làm đấy. Có bạn không tin, các cháu liền đưa tập thơ cũ của tôi có bài thơ ra cho các bạn xem. Các bạn nói “Ông bạn làm thơ hay thật”. Các cô giáo đưa ra những câu hỏi về bài thơ, các cháu đều trả lời tốt vì ở nhà đã được bố mẹ cháu (nhân vật trong bài thơ) phân tích và kể lại chuyện.

Bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão của nhà thơ Đặng Hiển
Bài thơ "Mẹ vắng nhà ngày bão" của nhà thơ Đặng Hiển.

Mùa thu năm ngoái (2013) một hôm tôi nhận được điện thoại của cô cháu gọi tôi là cậu ruột, nói : “Cháu của cháu vừa hỏi cháu như thế này: Bà ơi, có phải bài Mẹ vắng nhà ngày bão là do ông của bà làm phải không?. Cháu bảo: “Ừ của cụ Hiển đấy, phải gọi là cụ, nghe không!”. Tôi sung sướng lắm.

Lại nữa… một hôm tôi đến Trường THPT Quang Trung (Hà Đông) nói chuyện văn thơ, tôi hỏi học sinh có em nào thuộc bài Mẹ vắng nhà ngày bão không? Một em gái giơ tay, lên đọc bài thơ không sai một chữ. Tôi tặng ngay em một tập thơ của mình và tự giới thiệu tôi chính là tác giả bài thơ đó, các em vỗ tay vang dội.

Không sao kể hết những niềm vui sướng mà bài thơ in trong SGK đã đưa lại cho tôi. Chưa kể tôi còn nhận được 4, 5 bài bình bài thơ, trong đó có tác giả ở Hà Tĩnh, có một tác giả đã lấy cảm hứng từ bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão mà làm một bài thơ khác…

Năm 2003, khi tôi đến NXB nhận nhiệm vụ Bộ giao là tham gia viết sách giáo khoa văn thí điểm lớp 11, 12. Bậc tiểu học cũng sắp thay sách, tôi đã đề nghị nếu vẫn dùng bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão thì xin cho trở lại nguyên tác. Ban Biên tập sau khi hội ý nói bài thơ vẫn được tiếp tục đưa vào sách cải cách văn nhưng vẫn giữ nguyên như năm 1981. Tôi cũng vui lòng vì thấy mấy chỗ thay đổi so với nguyên tác không có gì quan trọng… NXB lại tặng tôi một quyển SGK Tiếng Việt lớp 3 mới có bài Mẹ vắng nhà ngày bão kèm theo 100.000đ.

Tôi rất vui vì bài thơ của mình vẫn còn trong SGK đến nay (2014) và tôi nghĩ nếu trong cuộc thay sách tới (quãng 2016 - 2020), bài thơ của tôi có bị thay cũng không sao vì cuộc sống ngày nay và ngày mai càng khá hơn, trẻ con sẽ không còn phải đi cắt cỏ, đi câu lươn (nguyên tác) hay đi hái lá, chăm đàn ngan (như trong bản in), các em cũng không hiểu “mùn” để đun cơm là gì (mùn cưa đóng lò) thì tôi cũng phấn khởi thôi (Tôi chợt nhớ Ximônôp có lần đã mong là bài thơ mình sẽ chết đi trong thơ dịch của Tố Hữu - bài Đợi anh về vì Nhân loại không còn chiến tranh). Đấy tấm lòng của tôi, một thầy giáo, một nhà thơ đối với việc bài thơ của mình được in trong SGK là thế.

Gần đây, có phóng viên báo, đài đến hỏi về vấn đề tác quyền, tôi mới biết có chuyện đó và đã trả lời trong mươi phút như trên, đại ý là tôi rất sung sướng được có bài trong SGK, tôi không hề nghĩ đến nhuận bút, đến tác quyền. Còn nếu NXB phải thực hiện theo luật gì đấy thì tùy theo NXB, theo điều kiện của NXB (ví dụ điều kiện sách bán rẻ cho học sinh…), còn tôi, tôi không có ý kiến gì. Nhân đây tôi đề nghị bài báo khi đăng tin hoặc ghi hình thì nên ghi toàn văn để bạn đọc, nhất là các học trò cũ của tôi không hiểu sai về tôi, một nhà giáo chỉ biết dạy học và viết văn vì thế hệ trẻ mà tôi coi là lẽ sống của đời tôi.

Nhà thơ Đặng Hiển
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm