“Tôi chọn tử tế”
(Dân trí) - Sự tử tế là chủ đề của buổi tọa đàm “Tôi chọn tử tế” thuộc dự án “Tử tế là” diễn ra ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM sáng 20/9 với sự tham dự của hàng trăm sinh viên.
Sự tử tế được đề cập bắt đầu từ những câu chuyện nhức nhối diễn ra trong cuộc sống hàng ngày chúng ta đang đối diện. Đó là những vụ giết người kinh hoàng; những vụ bảo hành trẻ em mất nhân tính mà người ra tay có thể chính là bậc làm cha làm mẹ, bảo mẫu…
Buổi tọa đàm đặt ra vấn đề: Có phải chính chúng ta đang tạo nên hoặc củng cố thêm vững mạnh những ''ô nhiễm'' kể trên? Con người đối xử với nhau, với xã hội và môi trường sống của chính mình đang thiếu vắng giá trị nhân văn?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu cho rằng tử tế là giá trị cần thiết và cốt lõi cho xã hội, cho mỗi quốc gia để xây dựng lối sống, hành vi của con người vận hành theo giá trị đó.
“Tôi quan niệm sống tử tế là sống tốt bụng, biết cưỡng lại sự vô cảm để có sự đồng cảm với mọi người xung quanh. Và tử tế là sống có tự trọng”, bà Ninh bộc bạch và nói thêm rằng không phải người Việt chúng ta sống vô cảm, không tự trọng nhưng một thực tế phải nhìn nhận là những giá trị này đang bị xói mòn.
Một sinh viên đặt ra thắc mắc, bản thân cho rằng chỉ cần sống tốt với bản thân, chẳng gây hại cho ai nhưng cũng chẳng làm điều gì tốt cho mọi người. Như vậy có phải cũng là sống tử tế hay không?
Anh Phạm Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển cộng đồng LIN chia sẻ, trước đây, khi còn trẻ tuổi, anh cũng cho rằng vượt đèn đỏ là… bình thường. Sau này, tiếp cận và lựa chọn những giá trị tốt, anh đặt ra cho mình câu hỏi “Tại sao tôi lại chọn hành động đó?” và chọn những giá trị sống tốt mà mình có thể thực hiện.
“Có lúc 12 giờ đêm, đường vắng tanh, mọi người lao vùn vụt qua đèn đỏ, tôi dừng lại ai cũng nhìn, cũng ngại. Nhưng vì sao tôi vẫn dừng? Trước hết là mình chấp hành đúng pháp luật. Hơn nữa, khi mình dừng sẽ có người dừng cùng mình. Hành động tử tế sẽ không cô độc?”, anh Sơn kể về câu chuyện của mình.
Chia sẻ về câu chuyện của anh Sơn, bà Tôn Nữ Thị Ninh đồng tình, dừng đèn đỏ là việc chấp hành luật lệ giao thông, góp phần an toàn cho mình và người khác. Đó hẳn là hành động tử tế.
Từ những câu chuyện, câu hỏi được đặt ra đã phần nào cho thấy sự nhức nhối trong lối sống tử tế hiện nay. Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, chủ nghĩa cá nhân đang trỗi dậy. Người ta đang quá cân nhắc việc đó có nên hay không nên, điều đó tốt hay không tốt, làm vậy thì được gì, mất gì… Suy nghĩ nhiều quá, tính toán nhiều quá làm người ta quên mất rằng, có những việc hãy làm theo trái tim mình.
Như câu hỏi của bạn sinh viên nói trên, chỉ cần sống tốt với mình, không làm hại người khác không sai. Nhưng với một bản năng tốt, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, con người phải biết khó chịu, bức xúc, biết đấu tranh với cái xấu - nghĩa cũng là đang làm cho bản thân mình trở nên đẹp hơn. Mà để làm được điều này buộc phải giỏi, có phải tri thức.
Cam kết lan truyền sự tử tế Hàng trăm bạn trẻ dự tọa đàm đã hưởng ứng và cam kết cùng thực hiện, lan tỏa những điều tử tế. Hoạt động này thuộc dự án “Tử tế là” của Tổ chức Hành động vì Tương lai (A4F). Dự án nhằm thúc đẩy, kêu gọi các nhân, tổ chức trong cộng đồng tích cực làm việc tốt, gắn kết con người, tạo ra những giá trị tốt đẹp, niềm vui trong cuộc sống. Tại Hà Nội, ngày hội “Tôi chọn tử tế” sẽ diễn ra vào chiều 21/9 tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Những chiếc “vòng tay tử tế” sẽ được trao cho đại diện của nhiều tầng khác nhau trong xã hội, như một biểu tượng của cam kết làm điều tử tế và bắt đầu lan truyền cảm hứng làm điều tử tế cho mọi người. |