Tổ chức quản lý đào tạo đại học như thế nào?

(Dân trí) - Nếu như chương trình đào tạo được ví như một bản kế hoạch chi tiết với mục tiêu, nội dung và các tiêu chuẩn đánh giá cụ thể thì khâu tổ chức quản lý đào tạo là đảm bảo việc thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra.

Dân trí xin tiếp tục giới thiệu tiếp bài viết của PGS.TS Lê Thế Vinh - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh về hướng đi cho đổi mới giáo dục đại học. Trong bài viết trước PGS.TS Lê Thế Vinh đã có bài phân tích về sự cần thiết của đổi mới chương trình đào tạo.

Nếu không thực hiện được mục tiêu chương trình đào tạo, sinh viên (SV) tốt nghiệp ra trường không có đủ năng lực tối thiểu được nêu trong chương trình, thì mọi sự nghiên cứu chuẩn bị về đội ngũ GV, cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình tài liệu, kinh phí đào tạo nói trên là rất ít ý nghĩa. Đặc biệt là chi phí cơ hội về thời gian của giáo viên (GV), SV; cơ hội tuổi trẻ của SV tại trường đại học bị trôi qua một cách lãng phí. Vì vậy đây là một trong hai nội dung cơ bản, mang tính đột phá của Nghị quyết, được ưu tiên thực hiện trước.

Việc tổ chức quản lý đào tạo đại học ở các nước được thực hiện thông qua hệ thống quản lý giáo dục của nhà trường và các cơ sở kiểm định chất lượng độc lập. Hệ thống quản lý đào tạo của nhà trường được thực hiện chủ yếu thông qua GV, SV, đội ngũ cán bộ phục vụ và hệ thống thông tin của trường. Chất lượng đào tạo và việc thực hiện mục tiêu của chương trình đào tạo được hình thành từ hoạt động dạy của GV và hoạt động học của SV. Thông tin về chương trình, tài liệu giảng dạy có sẵn trên trang web của nhà trường. GV, SV có tài khoản thông tin trên hệ thống của trường.

Việc phân lớp, chia nhóm SV là do máy tính thực hiện. Ngoài những giảng đường lớn để học các môn chung, thì phòng học, thư viện, sách vở và các tài nguyên khác của nhà trường sẽ được khai thác thông qua việc GV, SV đăng ký lịch làm việc, trong đó xác định thời gian, địa điểm, nội dung, và các yêu cầu khác. Về nội dung giảng dạy môn học là quyền chủ động của GV, tuy nhiên các nội dung cốt lõi cần được đảm bảo thông qua kỳ thi hết môn học do bộ phận khảo thí thực hiện độc lập. Sau khi hết môn, SV điền thông tin vào phiếu phản hồi cho GV biết quá trình giảng dạy có những điểm nào cần nâng cấp để hiệu quả đào tạo được tốt lên.

Hoạt động dạy học của GV và SV có thể thực hiện trên lớp học chung, lớp nhỏ làm bài tập theo các chủ đề ở trường, qua mạng (kể cả các bài kiểm tra định kỳ và những câu hỏi liên quan đến nội dung môn học). Đặc biệt sự gian lận trong học tập, thi cử là điều tối kị, đây là lỗi rất nặng. Nếu GV vi phạm, lỗi sẽ ghi vào hồ sơ cá nhân và bị từ chối không tiếp nhận làm việc ở trường (đuổi việc), và rất khó để xin vào dạy ở một trường khác.

SV vi phạm sẽ bị kỷ luật nặng, ghi vào hồ sơ cá nhân. Vì vậy, hoạt động dạy và học chủ yếu là sự tự giác của GV và SV. Tuy nhiên, việc kiểm soát quá trình đào tạo này được làm gián tiếp thông qua hệ thống đăng ký phòng học của GV, SV, qua đội ngũ cán bộ phục vụ, nhà trường có thể truy cập và biết.

Hiện nay, ở nhiều trường đại học nhận thấy khâu kiểm soát quá trình đào tạo là yếu tố quan trọng. Việc thực hiện đủ thời lượng, nội dung chương trình, có chất lượng trong suốt quá trình học, thực hiện mục tiêu của chương trình đào tạo (chuẩn đầu ra) là yếu tố quyết định đến chất lượng đội ngũ SV tốt nghiệp ra trường. Thực hiện tốt khâu giám sát quá trình đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực và cũng là bảo vệ lợi ích của người học. Một cơ chế giám sát tốt, giúp GV, SV tự giác thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Có nhiều cơ sở đào tạo sử dụng đội ngũ CB phòng thanh tra, thực hiện kiểm soát theo từng tiết giảng. Điều này phù hợp với chức năng quản lý, tuy nhiên gặp phải sự phản đối từ phía GV, vì làm như vậy được coi là thiếu tin tưởng và chưa thực sự tôn trọng GV. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp nếu không làm như vậy thì chất lượng đào tạo là rất khó kiểm soát, phần lớn chỉ thể hiện trên các văn bản.

Góp phần thực hiện tốt đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tác giả bài viết xin có một số đề xuất kiến nghị như sau:

1. Thành lập đơn vị quản lý, đánh giá xếp hạng các trường đại học Việt Nam. Xây dựng bộ tiêu chí xếp hạng trường đại học trong đó chú trọng chất lượng đào tạo thông qua bộ chương trình và công tác tổ chức thực hiện. Định kỳ 2 năm một lần, các trường đại học được đánh giá, xếp hạng dựa trên kết quả kiểm soát quá trình và đánh giá cuối đợt, kết quả xếp hạng được công bố rộng rãi trên các kênh thông tin đại chúng.

2. Xây dựng có chương trình hành động dựa trên bộ tiêu chí đánh giá trường đại học, đặc biệt là các tiêu chí về đảm bảo chất lượng. Bộ GD-ĐT có thể quản lý việc cho phép cấp bằng tốt nghiệp hay không thông qua việc kết quả kiểm tra các điều kiện đảm bảo. Chỉ cấp bằng đối với những sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra.

3. Xây dựng chính sách ưu đãi đối với giảng viên đại học, cơ chế quản lý tốt để phát huy năng lực của cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, thực sự tạo ra động lực để họ vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ, quán triệt tư tưởng đến tất cả đội ngũ CB, GV hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, công việc, ý nghĩa và cùng quyết tâm thực hiện.

PGS.TS Lê Thế Vinh