Tình huống éo le của hai Bộ Giáo dục và Lao động

Ba tháng nữa, Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa ngã ngũ cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Điều này khiến Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH gặp khá nhiều tình huống "éo le".

Bởi vậy, mới có chuyện hai Bộ cùng lấy ý kiến đóng góp cho hai dự thảo thông tư có phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng không khác nhau là mấy.

Dạy nghề cơ khí ở Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk

Dạy nghề cơ khí ở Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk

Dự thảo thông tư thứ nhất có tên “Quy định về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền thành lập, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia tách, giải thể, đổi tên, thay đổi địa điểm đào tạo đối với trường CĐ, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và phân hiệu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp”, được Bộ LĐ-TB&XH đưa lên mạng lấy ý kiến đóng góp từ ngày 10/2.

Dự thảo thông tư thứ hai có tên “Quy định điều kiện, hồ sơ và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia tách, giải thể trường CĐ” được Bộ GD-ĐT đưa lên mạng ngày 17/3.

Trong dự thảo thông tư của Bộ GD-ĐT quy định thẩm quyền ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường CĐ thuộc bộ trưởng Bộ GD-ĐT, còn theo dự thảo thông tư Bộ LĐ-TB&XH thì thẩm quyền đó thuộc bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH!

Chồng chéo vì bộ nào cũng làm theo trách nhiệm

Trao đổi với VietNamNet sáng ngày 8/4, ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng Cục dạy nghề cho biết, Luật Dạy nghề đến 30/6 mới hết hiệu lực nên Tổng cục đang triển khai song song công việc thuộc thẩm quyền đồng thời làm theo lộ trình chỉ đạo của Chỉnh phủ về triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp.

"Hiện nay, dự thảo Nghị định của Bộ LĐ-TB&XH đã được gửi sang Bộ GD-ĐT lấy ý kiến" - ông Lân cho biết.

Trong khi đó, cũng trong sáng ngày 8/4, ông Nguyễn Văn Áng, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ GD-ĐT) khẳng định với VietNamNet: “Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, CĐ đã không còn thuộc về các cơ sở giáo dục ĐH mà nằm trong giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, Chính phủ chưa phân công cơ quan nào chịu trách nhiệm về mảng giáo dục nghề nghiệp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7, nhưng cũng không thể để khoảng trống pháp lý trong thời gian chờ đợi được.

Việc Bộ GD-ĐT xây dựng và ban hành thông tư “Quy định điều kiện, hồ sơ và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia tách, giải thể trường CĐ” Bộ GD-ĐT xây dựng và ban hành thông tư này là đúng theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của bộ được quy định tại nghị định số 32/2008/NĐ-CP của Chính phủ, và cũng để thực hiện Luật giáo dục Đại học và Luật giáo dục nghề nghiệp”.

Sinh viên Thái Nguyên trong giờ học thực hành. Ảnh: Phạm
  Thịnh

Sinh viên Thái Nguyên trong giờ học thực hành. Ảnh: Phạm Thịnh

Ông Áng cho rằng, không thể nói là vì cao đẳng đã nằm trong giáo dục nghề nghiệp rồi mà Bộ GD-ĐT lại không quản lý nữa, bởi chưa có quy định chính thức nào. “Cũng không nên đề cập tới việc lãng phí công sức hay thời gian ở đây, khi nào có quyết định chính thức mảng đào tạo này do cơ quan nào quản lý, nếu không phải là Bộ GD-ĐT, chúng tôi sẽ chuyển giao lại cả những văn bản pháp lý liên quan” – ông Áng nhấn mạnh.

Theo ông Áng, đã gần đủ thời hạn lấy ý kiến góp ý cho dự thảo. Tiếp sau đó, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện dự thảo để ban hành. “Chúng tôi cũng sẵn sàng cùng Bộ LĐ-TB&XH bàn bạc về vấn đề này để làm tốt công việc”.

Đây không phải là lần đầu tiên văn bản do Bộ GD-ĐT soạn thảo vấp phải những ý kiến trái chiều vì chưa có sự phân định rõ ràng cơ quan quản lý mảng giáo dục nghề nghiệp.

Trước đó, ngày 29/1, Bộ GD-ĐT đã ra thông tư ban hành Điều lệ trường CĐ do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ký, có hiệu lực từ ngày 2/3. Văn bản đã quy định nhiều vấn đề mới về bộ máy quản lý và hoạt động của các trường CĐ.

Tuy nhiên, ngay khi thông tư này ra đời, cũng có ý kiến băn khoăn về việc khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực vào ngày 1/7 sẽ khiến nhiều vấn đề được quy định trong thông tư có độ “vênh”, gây lo lắng. Cụ thể, theo Luật Giáo dục nghề nghiệp thì các trường CĐ là cơ sở của giáo dục nghề nghiệp. Do đó, việc Điều lệ trường CĐ căn cứ vào Luật Giáo dục Đại học thì không còn hợp lý. Luật Giáo dục nghề nghiệp đã quy định rõ các vấn đề về tổ chức và hoạt động của các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, như: cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hội đồng trường, HĐQT, hiệu trưởng, hội đồng tư vấn...

Bên cạnh đó, nếu tính thời gian có hiệu lực, thì Điều lệ trường CĐ có hiệu lực từ ngày 2/3, như vậy thời gian có hiệu lực của điều lệ này chỉ là 4 tháng.

Về vấn đề này, ông Áng cho rằng Bộ GD-ĐT cũng đã làm đúng. “Chúng tôi chỉ rà soát lại xem các nội dung trong điều lệ đã cập nhật Luật Giáo dục nghề nghiệp hay chưa, nếu có điểm nào hơi khác thì điều chỉnh lại. Tinh thần của chúng tôi luôn là làm hết trách nhiệm, làm đến phút cuối cùng”.

Sẽ vẫn “việc ai nấy làm?

Mới đây, tại buổi làm việc với các Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tư pháp...về triển khai xây dựng các văn bản, đề cương triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp (có hiệu lực 1/7/2015) - Chính phủ giao Bộ LĐ-TH&XH xây dựng Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Theo đại diện Bộ GD-ĐT tham gia buổi làm việc, thời điểm này không bàn đến việc cơ quan nào quản lý Giáo dục nghề nghiệp - mà hai bộ (GD-ĐT và LĐ-TB&XH) vẫn hoạt động như trước đây nhưng cần có bàn bạc thống nhất những nội dung liên quan đến thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Từ vấn đề Luật đã ban hành, nhưng chưa rõ cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nên một số chuyên gia được hỏi cho rằng, việc quản lý vẫn giữ nguyên trạng như hiện nay - nghĩa là trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp tạm thời tiếp tục thuộc quản lý của Bộ GD-ĐT; CĐ nghề, trung cấp nghề thuộc quản lý của Bộ LĐ-TB&XH.

Tới ngày 6/4, Bộ GD-ĐT có văn bản số 1604 do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga ký gửi Bộ LĐ-TB&XH về việc góp ý Dự thảo Nghị định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, Thứ trưởng Bùi Văn Ga dẫn điều 100 của Luật Giáo dục để góp ý về cơ quan quản lý nhà nước quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục. Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục. Các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ GD-ĐT thực hiện quản lý về giáo dục theo thẩm quyền...

“Vì vậy, dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể "Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp khi chưa có sự thống nhất giao nhiệm vụ của Chính phủ là chưa phù hợp".

Vẫn theo Thứ trưởng Ga, việc dự thảo Nghị định quy định Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung Ương là không phù hợp với tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW, quy định của Hiến pháp, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và chưa đủ cơ sở pháp lý.

Mặt khác, dự thảo Nghị định chưa đảm bảo tính thống nhất: phạm vi điều chỉnh chưa phản ánh hết nội dung quy định ở các chương, điều, đồng thời cấu trúc của Nghị định chưa hợp lý, chưa bám sát với cấu trúc của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Dự thảo Nghị định còn nhiều nội dung chồng chéo với các văn bản hiện hành, nhưng không có quy định thay thế hay sửa đổi, bổ sung...

Điều 53 của dự thảo chỉ quy định bãi bỏ Nghị định số 70/2009/NĐ-CP ngày 21/8/2009 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề chưa thể hiện việc bãi bỏ, bổ sung sửa đổi các điều đang được quy định tại các văn bản quy phạm phạm luật khác có liên quan. Do vậy, cần xem xét đánh giá, rà soát để tránh chồng lắp hoặc bỏ sót....

Theo Thứ trưởng Ga, quy dịnh về quản lý nhà nước như dự thảo Nghị định còn nhiều nội dung chưa phù hợp hoặc chưa được tính đến, lường hết như: Các ngành đào tạo trình độ CĐ đang triển khai trong các trường ĐH, học viện; các quy định về quản lý đối với các trường đặc thù như CĐ sư phạm, CĐ cộng đồng, CĐ y- dược, CĐ Văn hóa nghệ thuật...

Theo Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm