Tình cờ gặp nhà khoa học VN trong top ảnh hưởng nhất 2014

Tôi tình cờ gặp anh khi anh đang thảo luận công việc với đồng nghiệp tại quán cafe ven Hồ Con Rùa. Nếu không có bài báo bạn đăng hình ảnh của anh, tôi cũng không nghĩ anh giản dị như thế.

Sau sự lưỡng lự, anh ráng lại và có cuộc trò chuyện cá nhân xung quanh một vài vấn đề về nghiên cứu khoa học, cuộc sống. PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng là một trong ba nhà khoa học Việt được Thomson Reuters xếp vào top 1% những nhà khoa học “ảnh hưởng nhất thế giới” năm 2014.

 

PGS, TS Nguyễn Xuân Hùng (trái, sinh năm 1976 – quê Tánh Linh, Bình Thuận, gốc Quảng Trị)
PGS, TS Nguyễn Xuân Hùng (trái, sinh năm 1976 – quê Tánh Linh, Bình Thuận, gốc Quảng Trị)

Có rất nhiều thứ phải "cày bừa"

 

Là một trong ba nhà khoa học của Việt Nam lọt vào danh sách này, anh đón nhận tin vui như thế nào?

 

- Lúc đầu tôi thấy đây là một điều rất giản dị. Theo phản xạ tự nhiên, khi đón nhận niềm vui tôi tự nhủ “à vậy mình phải chiến đấu tiếp” nhưng rồi tôi nhanh chóng bị cuốn theo công việc và không nghĩ nó được chú ý vậy.

 

Khi các thầy, đồng nghiệp, học trò “phát hiện” càng nhiều, các nhà xuất bản quốc tế gửi email chúc mừng…lúc đó tôi tự thốt ra “trời, giờ mới thấy cái này quan trọng thật!”(cười)

 

Hiện tại anh là người được báo chí quan tâm, có nhiều báo đặt hàng nhưng khó để tìm được hình ảnh, bài viết riêng về anh, ngay cả trên trang cá nhân, vì sao vậy ?

 

- Ngoài những hình ảnh tại các hội thảo khoa học, tôi rất ít chụp hình và đăng lên mạng. Lúc facebook mới xuất hiện, tôi cũng có chơi và lên thư giãn cùng bạn bè. Còn bây giờ chỉ thỉnh thoảng mở xem bạn bè làm gì, đăng gì trên đó. Có thể về thông tin cá nhân rất ít, nhưng thông tin khoa học sẽ tìm được nhiều hơn.

 

Khi có thông tin này, các báo chí rất ưu ái tôi. Nhân dịp này, tôi xin chân thành cám ơn các anh chị, các báo. Tôi chỉ mong báo chí cảm thông vì có rất nhiều thứ phải “cày bừa”. Hơn nữa những cái tôi làm còn rất khiêm tốn so với những thế hệ đi trước nên tốt nhất cho tôi giữ im lặng để tiếp tục phấn đấu hơn nữa.

 

"Tôi từ nông dân chính hiệu"

 

Trong công việc của mình có khi nào anh mắc sai lầm?

 

- Sai lầm thì có chứ. Nhất là giai đoạn làm nghiên cứu sinh, chập chững làm nghiên cứu công bố quốc tế. Khi biết nhận ra mình có những sai sót trong cách diễn đạt và trích dẫn, tôi đã viết thư xin lỗi một số tác giả bài báo khác mà tôi trích dẫn không đầy đủ. Thú thật, sai sót đó là do kĩ năng viết tiếng Anh khoa học cũng như cách diễn đạt ý của tôi lúc đó còn yếu.

 

Tôi từ nông thôn lên thành phố năm 20 tuổi (năm 1996) nên ngày đầu tiếp xúc với máy tính chỉ đánh máy duy nhất bằng một ngón trỏ (nhất chỉ thiên) và tiếng Anh cũng vậy (cười).

 

Tôi cũng đầu tư rất nhiều nhưng thấy không hiệu quả bằng cách tự ném mình ra đường “học lỏm” và kiên nhẫn tích lũy theo thời gian.

 

Hơn nữa, ngày đầu cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu từ những ngày chập chững vào con đường học thuật nên những sai sót vào thời điểm đó là không thể tránh khỏi.

 

Nhưng có lẽ chính tuổi thơ gắn liền với ruộng đồng đã cho tôi cái quan trọng nhất, là động lực tôi có sức bật tốt như hiện tại.

 

Vì vậy, sau này, tôi thường giúp đỡ các bạn trẻ học và thực hành nhuần nhuyễn các kỹ năng làm nghiên cứu để hạn chế thấp nhất sai sót khi công bố khoa học.

 

Công việc nghiên cứu khoa học căng thẳng, anh thư giãn bằng cách nào?

 

Tôi chia sẻ khi đi dạo hay nghe nhạc, chơi ghi ta, đôi lúc đọc lại Đắc nhân tâm, hoặc một số câu chuyện của những người vượt khó đến thành công.

 

Xin hỏi anh có thần tượng đối với một người nào cùng nghề không?

 

- Tôi không thần tượng, nhưng kính trọng. Sự kính trọng ở nhiều mức độ khác nhau, không định lượng được. Đối với đồng nghiệp, tôi nể phục họ. Tôi nhìn nhận khi họ như thế mình sẽ học tập được cái gì. Đặc biệt trong lòng tôi không có chỗ cho sự đố kỵ vì điều này không giải quyết vấn đề.

 

Mọi thứ còn đang ở phía trước

 

Sự thành công của anh hôm nay là do yếu tố nào ? Anh đánh giá điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống ?

 

- Học tập từ các giá trị. Mỗi người từ cao đến thấp đều có một giá trị cho mình học tập.

 

Ví dụ, với người bán vé số, khi họ nài nỉ mình, mình rất khó chịu nhưng chính là mình học được ở họ sự kiên nhẫn, vì sao họ kiên nhẫn chúng ta đều biết.

 

Trong cuộc đời con người có nhiều điều quan trọng, ở nhà chữ Hiếu, ra đường chữ Nhân, kinh doanh quan trọng chữ Tín...Với cách sống làm việc như thế mình sẽ hòa nhập được rất nhiều môi trường khác nhau, điều kiện môi trường mình sống, làm việc theo pháp luật.

 

Giá trị con người không phải nằm ở cái hào nhoáng mà nằm ở nhân tâm. Đó chính là cách làm việc của tôi, và tôi hợp tác được với rất nhiều người.

 

Trở lại món quà bất ngờ (một trong ba nhà khoa học của Việt Nam có ảnh hưởng 2014-PV) nếu một mình tôi không bao giờ làm được điều đó. Tôi cảm ơn gia đình, các thầy Ngô Thành Phong, Trịnh Anh Ngọc, Nguyễn Đăng Hưng, các giáo sư trong và ngoài nước, các lãnh đạo của các trường đã hết sức tạo điều kiện như Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, đồng nghiệp cùng chia sẻ hợp tác, đặc biệt là êkíp gồm các chiến hữu và học trò. Đó chính là kết quả của sự tổng hợp sức mạnh đam mê vì khoa học của mọi người mà tôi chỉ là một cá nhân mang tính đại diện.

 

Tôi trưởng thành lên từ nhiều yếu tố, và những ngôi trường có những người giáo viên đức độ, khiêm tốn là một trong những yếu tố quan trọng.

 

Anh nghiêm khắc với bản thân mình như thế nào?

 

- Tôi luôn theo đuổi một số điều quan trọng và kiên trì theo đuổi mục tiêu. Tôi đã mang ơn cuộc sống rất nhiều nên phải biết ơn cuộc sống. Sự biết ơn này chỉ nên thực hiện bằng hành động. Vì vậy từ sống, đến làm việc đều rất kín. Tôi là người đi từ cái cày cái cuốc mà lên, tất cả mọi thứ đều cảm nhận được giá trị.

 

Con người trước khi mất chỉ mong muốn giữ lại cái tên. Vì khi sinh ra, Tổ quốc, bố mẹ đã cho một cái tên Việt để gắn bó suốt cuộc đời. Nếu làm việc tốt, trước hết bản thân, gia đình sẽ thấy hạnh phúc, sau đó đến đồng nghiệp, học trò của mình…

 

Tôi trăn trở làm sao để biến cái nghiên cứu của mình để phục vụ xã hội, điều này ngay lúc đầu tôi nghĩ không sớm thì muộn phải đạt được. Hai năm nay tôi đã từng bước triển khai một số dự án hướng về doanh nghiệp nhưng mọi thứ vẫn đang còn ở phía trước.

 

- Cảm ơn anh!

 

Theo Lê Huyền

Vietnamnet