Tìm “cây đũa thần” cho giao thông Việt
24 tuổi, trở thành một trong những nhà nghiên cứu trẻ tuổi nhất của tập đoàn Hitachi, Nguyễn Xuân Phong được tham gia vào một dự án mà theo cậu, nếu thành công, có thể là lời giải thích hợp cho bài toán giao thông ở Việt Nam.
Có mặt ở đâu, dẫn đầu ở đấy
Đam mê tin học từ nhỏ nhưng ít ai ngờ, năm 9 tuổi, Xuân Phong đã ẵm giải nhất cuộc thi Phần mềm sáng tạo toàn quốc. Từ đó, con đường học hành của cậu cựu Phó Bí thư Đoàn trường Hà Nội - Amsterdam luôn gắn với nhiều giải thưởng trong các kỳ thi tin học trẻ không chuyên của thành phố và toàn quốc.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Xuân Phong lên đường đến Singapore để theo học ngành Công nghệ thông tin (CNTT) trong kinh doanh, song vì quá mê thích Marketing trong chương trình Cử nhân nên cậu bạn đã nhận bằng Bachelor of Arts in Business Administration. Đó là khoảng thời gian cậu được tiếp xúc với một nền giáo dục hoàn toàn khác so với Việt Nam, nơi luôn đòi hỏi bạn phải suy nghĩ và trình bày những điều bạn cho là đúng. Những năm học ở đây cho Phong một vốn kiến thức cơ bản chắc chắn về CNTT, Kinh tế và Quản trị Kinh doanh.
Kết thúc khóa học, sau khi ở lại trường làm việc một năm trong lĩnh vực đào tạo và quản lý, ước mơ theo đuổi về công nghệ thông tin lại trỗi dậy. Rời Singapore, nơi ghi nhiều dấu ấn đẹp của tuổi sinh viên, Phong qua Úc và Mỹ để học khóa học Thạc sĩ về Khoa học CNTT (Master of Science in Information Technology). Tại một trong top 5 trường đào tạo về CNTT tiên tiến của Mỹ, cậu được đào tạo bài bản và được tiếp xúc với những kiến thức công nghệ tiên tiến nhất thế giới, được gặp những giáo sư hàng đầu trong ngành, được học hỏi và tiếp xúc với những người bạn tài năng và tuyệt vời. Điều đó khiến cậu cảm thấy vô cùng hạnh phúc và đã quyết tâm lao vào học thật tốt để có thể theo được chương trình.
Giải bài toán giao thông bằng công nghệ
Thời gian học ở Úc, tìm hiểu sâu hơn về những chuyên ngành mà lĩnh vực CNTT rộng lớn có, Xuân Phong phát hiện ra một hướng đi rất nóng trên thế giới và nó sẽ có thể rất hữu ích trong cuộc sống, đó là ngành Khai phá dữ liệu (Data Mining) và Trí tuệ Kinh doanh (Business Intelligence). Trong thời đại bùng nổ công nghệ, có quá nhiều dữ liệu được thu thập lại và tạm thời gọi là Dữ liệu lớn (Big Data), nếu như có những chương trình có thể đào sâu, phân tích và tìm ra được những thông tin có ích để phục vụ cuộc sống, phát triển kinh tế thì thật tuyệt. Cậu đã rất hứng thú với ngành này bởi vì dữ liệu chẳng khác gì mỏ vàng và những người phân tích dữ liệu (Data Analysts) là những người đi khai thác mỏ vàng thông tin đó.
Sau khi tốt nghiệp khóa học Thạc sĩ, Xuân Phong được tập đoàn Hitachi – nơi cậu từng đã thực tập tại Nhật Bản giữ lại làm việc. Làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển – bộ não của tập đoàn, cậu đang tham gia dự án phân tích các dữ liệu thu thập được từ mọi nguồn để tạo ra được công nghệ giải quyết những bài toán về giao thông và cơ sở hạ tầng, hướng đến những nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Trong tương lai, hệ thống giao thông sẽ được điều khiển và hỗ trợ bởi những giải pháp công nghệ tiên tiến nhất. Và nhờ đó, những quyết định quản lý giao thông và hạ tầng sẽ được đưa ra một cách khoa học và hợp lý.
Hãy tưởng tượng, với công nghệ, bạn có thể điều khiển được mọi hệ thống đèn tín hiệu, biển báo điện tử, các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt… Nhà quản lý nhờ đó mà kiểm soát được các hoạt động giao thông, tìm thấy những điểm nút tắc đường và phân tích được thói quen tham gia giao thông của người dân. Bên cạnh đó, nguồn dữ liệu phong phú ấy có thể trở thành tư liệu để tham khảo trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, như phát triển các tuyến đường, xây cầu vượt… Xuân Phong mong đợi, khi nghiên cứu thành công và công nghệ phát triển rộng khắp, đó sẽ là chìa khóa để giải bài toán giao thông ở nước mình, một bài toán làm đau đầu các nhà quản lý đã bao nhiêu năm rồi.
Câu chuyện nước Nhật – câu chuyện một công dân toàn cầu
Cuộc đời du học sinh của Phong cũng vất vả hệt như bao du học sinh khác. Những ngày mưa gió xứ lạ nhớ nhà, những bữa cơm Việt đơn giản mà mừng đến phát khóc, những việc làm thêm thâu đêm để hiểu ra giá trị của đồng tiền, những đêm viết luận trả bài để kịp nộp trước thời hạn một (vài) phút… Tuy vậy, cảm giác đi qua nhiều vùng đất lạ, tiếp xúc với những nền tảng tri thức mới của nhân loại… đủ khiến cậu có thêm nhiều động lực trên hành trình chinh phục ước mơ của mình.
Sống ở một đất nước dẫn đầu về công nghệ là Nhật Bản nhưng điều giản dị và sâu sắc cậu nhận thức được lại thuộc về những giá trị nền tảng. Đó là câu chuyện về khu nhà Phong đang ở tại thủ đô Tokyo. Ngay ở cửa ra vào của khu nhà là một bảng tên cho từng người ở (residence) được làm bằng tấm gỗ cũ. Nếu bạn không ở nhà thì bạn hãy quay bảng tên của mình lại với màu đỏ và ngược lại, nếu bạn ở nhà thì là màu vàng. Với “bệnh nghề nghiệp” của một chàng trai học công nghệ, Phong tự hỏi là sao không đặt một màn hình để biết có ai ở nhà hay không. Tuy nhiên, câu trả lời khiến cậu ngỡ ngàng và thấy thú vị. Với một đất nước nhiều thiên tai, động đất như Nhật Bản, cái bảng gỗ đó sẽ không bị ảnh hưởng bởi nguồn điện như các thiết bị công nghệ khác. Khi thiên tai xảy ra, nguồn điện sẽ bị cắt và bảng gỗ đó cung cấp thông tin về sự an toàn của những người trong tòa nhà. Như vậy, những điều nhỏ nhất và tưởng chừng như cũ nhất đều có những ý nghĩa và giá trị lớn lao. Giá trị truyền thống đôi khi không thể nào thay thế được bởi những công nghệ tân tiến.
Tiếp xúc với nhiều nền văn hóa đa dạng (Singapore, Mỹ, Nhật, Úc…) nhưng ở đâu, chàng kỹ sư công nghệ thông tin trẻ tuổi vẫn luôn quan niệm, phải biết quý trọng những điều nhỏ bé và giản dị nhất, đồng thời, luôn biết cân bằng cuộc sống của bản thân mình. Đi đến đâu, cậu cũng nhanh chóng làm quen với những người bạn mới, tham gia tập thể thao, đặc biệt là bóng đá. Mặt khác, quãng thời gian làm cán bộ Đoàn trước kia và Chủ tịch Hội Sinh viên khi còn đi học đã giúp ích rất nhiều cho việc hòa nhập vào môi trường làm việc toàn cầu. Thời gian trước, Phong có về Việt Nam, thực tập ở một công ty tư nhân liên quan đến thực phẩm. Theo Phong, môi trường làm việc ở Việt Nam đang ngày càng năng động, cởi mở, cùng một thị trường lao động chất lượng cao và hướng ngoại. Rất có thể một ngày gần nhất, chàng kỹ sư sẽ trở về, mang kiến thức và đam mê phục vụ cho đất nước mình.