Tiếp bước em đến trường

Luôn có những bước ngoặt và thử thách khắc nghiệt xảy ra trong cuộc sống của mỗi người, nhưng điều quan trọng là ta đối mặt với chúng như thế nào để vươn lên và đạt được một cuộc sống như ta mong muốn.

Và điều này, đáng ngạc nhiên thay, đã được chỉ ra cho chúng tôi bởi những em học sinh nhỏ tuổi vẫn hàng ngày cuốc bộ đến trường trên dải đất miền Trung cát nắng.

Những mảnh đời bất hạnh từ thuở ấu thơ…

Cứ mỗi lần có hơi rượu vào, ba lại đánh mẹ đánh con. Không chịu nổi cảnh đời cực khổ và tính khí của ba nên mẹ đã bỏ hai chị em Ngọc mà đi. Từ ngày mẹ đi, ba càng uống rượu nhiều hơn để rồi thần kinh ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng và phải vào điều trị tại khu nuôi bệnh Trà Sơn, Đà Nẵng. Không còn ai nuôi dưỡng, hai chị em Ngọc sớm phải chia lìa nhau, bé em 6 tuổi vào Đồng Nai sống cùng dượng và cô, còn Ngọc 10 tuổi ở cùng ông bà nội đã già yếu tại căn nhà tình nghĩa được nhà nước cấp năm 2006.

Cha mất vì tai nạn chưa được bao lâu, trên đầu con trẻ Lê Thị Tuyết lại một lần nữa chit khăn tang của người mẹ rời bỏ em vì căn bệnh ung thư. Trong căn nhà nhỏ ở đường Lương Đình Của, Khuê Trung, Đà Nẵng chỉ còn lại hai chị em côi cút tự bảo bọc lẫn nhau.

Vương Thị Bích Ngọc, học sinh lớp 4/4 trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi và Lê Thị Tuyết, học sinh lớp 9/7 trường THCS Trần Quý Cáp, TP Đà Nẵng là nhân vật chính trong hai câu chuyện thương tâm về sự mất mát tình thương gia đình mà chúng tôi được nghe kể trong chuyến trao tặng học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi của chương trình “Khăn Đỏ Đến Trường” ngày 16/4 vừa qua.

Bấp bênh và thử thách cho nghị lực

Gia cảnh như vậy, nên Ngọc và Tuyết chẳng bao giờ mong được như ở các bạn cùng lớp, có bữa ăn sáng đầy đủ và ngon lành, có bộ đồng phục đã ủi sẵn phẳng lì và cùng ba mẹ đến trường...

Sáng nào Ngọc cũng dậy sớm phụ giúp người bác làm tương ớt, cắt hành, nướng bánh chuẩn bị cho một đợt bánh tráng kẹp mới bán làm bữa sáng cho những người đi học, đi làm… Làm đến trưa, Ngọc về nhà chuẩn bị sách vở đến trường, rồi tan học lại tiếp tục qua phụ bác bán bánh tráng kẹp. Ông bà nội già yếu không thể chu toàn mọi điều kiện, vì vậy cô bé nhỏ nhắn tự mày mò học một mình để đạt thành tích học sinh khá giỏi trong 4 năm qua. Khi tôi hỏi “Vì sao em lại muốn học nhiều như vậy?” Cô bé vừa trạc tuổi lên 10 nói như thì thầm: “Con muốn đi học và đi làm để đem ba và em con về nuôi.” Lúc ấy tôi mới nhớ ra, ba Ngọc vẫn còn trong trại điều trị thần kinh, mỗi tuần em chỉ được vào thăm ba một lần, còn em của em thì một năm chỉ được gặp có 2 lần vào dịp Tết và hè.
 
Tiếp bước em đến trường - 1
Em Vương Thị Bích Ngọc
 
Gia cảnh của Tuyết cũng không kém phần sóng gió đối với lứa tuổi học trò như em. Sau khi bố mẹ mất, chị Tuyết nhận làm công cho một công ty dệt may kiếm thu nhập trang trải cho cả hai chị em. Thương chị phải vất vả mưu sinh, Tuyết tự làm tất cả những công việc nhà, từ dọn dẹp nhà cửa, giặt đồ, nấu ăn… để chị đủ sức đi làm. Buổi trưa đi học về, em còn qua nhà người cô phụ rửa bát, lặt rau… chuẩn bị cho buổi bán mì vào sáng mai. Nhớ đến lời dặn của ba mẹ lúc còn sống, Tuyết cố gắng theo kịp bài vở với bè bạn vì “được đi học trên trường là quý lắm rồi, em đâu còn mong gì hơn”. Mỗi lần được điểm cao, Tuyết lại về khoe với chị ngay và không quên thắp nén nhang “thông báo” để ba mẹ vui lòng.
 
Tiếp bước em đến trường - 2
Em Tuyết (bên phải) cùng chị gái

Bằng nghị lực đáng cảm phục của mình, Ngọc và Tuyết vẫn hàng ngày vượt qua những thử thách trong cuộc sống “không người lớn” để thực hiện những ước mơ trong sáng của tuổi nhỏ là được đến trường. Nhưng liệu nghị lực sẽ còn mãi khi hằng ngày các em phải luôn đối mặt với những khó khăn cơm áo gạo tiền mà bên cạnh chẳng còn ai nương tựa?

Một sự chia sẻ, động viên sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các em

Trong lễ trao học bổng của “Khăn Đỏ Đến Trường”, khi được tuyên dương cùng với 100 bạn học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng đã biết nỗ lực vượt lên để thực hiện ước mơ con chữ, Tuyết đã thật sự xúc động và cảm kích những sự quan tâm, chia sẻ mà em nhận được để khuyến khích em học đến nơi đến chốn. Em nói “Từ khi ba mẹ mất, đây là lần đầu tiên em được nhiều người động viên như vậy.” Còn Ngọc khẳng định: “Em sẽ cố gắng học tập để không phụ lòng cô chú và để sau này đi làm có tiền để đem ba và em trai về nuôi”.

Được biết, “Khăn Đỏ Đến Trường” là chương trình học bổng do Ngân hàng Techcombank khởi xướng và cùng phối hợp với báo Thanh Niên thực hiện nhằm đem lại cơ hội đến trường cho trẻ em nghèo hiếu học trong độ tuổi 9 đến 14. 500 suất học bổng, mỗi suất trị giá 3 triệu đồng sẽ được trao cho các em từ tháng 2 đến tháng 6/2011. Đây là một trong những chương trình hướng về cộng đồng được Techcombank cam kết sẽ thực hiện lâu dài, vì quyền được đến trường của trẻ em và góp phần vì sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Bảo Nghi