“Tiếng Việt thành Tiếq Việt” lại vào đề Văn bàn về văn hóa tranh luận

(Dân trí) - Từ những tranh cãi liên quan đến đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt thời gian qua, Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TPHCM ra đề thi học kỳ môn Văn khối 12 về văn hóa tranh luận. Còn Trường THPT Trưng Vương, Q.1 cũng "gây nóng" khi ra đề Văn đề cập đến sự sỉ nhục trên thế giới ảo.

Đề xuất cải tiến chữ viết Tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền đã làm dấy lên những tranh cãi nảy lửa trong thời gian qua. Vượt qua những tranh luận thông thường thì không ít bình luận mang tính “ném đá”, xỉ vả, đả kích...

Từ thực tế này, đề thi học kỳ môn Văn khối 12 của Trường THPT Nguyễn Du đã đề cập đến văn hóa tranh luận liên quan đến đề xuất cải tiến chữ viết Tiếng Việt.


Đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền vào đề thi Văn của Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TPHCM).

Đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền vào đề thi Văn của Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TPHCM).

Ở phần làm văn, đề thi như sau: Việc đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền có người đồng tình, cũng có người phản đối. Bản thân anh/chị có ý kiến như thế nào về đề xuất này. Hãy trình bày suy nghĩ của mình bằng một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ.

Ở phần đọc hiểu, cũng liên quan đến chủ đề này, đề trích lại một đoạn dài bài phỏng vấn TS Lương Hoài Nam quanh đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền đăng trên báo Thanh Niên.

Từ đó, đề thi đặt ra các vấn đề hết sức thú vị cho học sinh: Vì sao cần khuyến khích tranh luận? Tranh luận, phản biện cần dựa trên tinh thần gì? Thế nào là tranh luận có văn hóa và sống chung với sự khác biệt quan điểm?

Được biết, đề xuất “Tiếng Việt thành Tiếq Việt” của PGS.TS Bùi Hiền cũng được một số trường THPT đưa vào đề học kỳ. Nhiều người đánh giá đây là một vấn đề hay khi liên quan đến văn học vừa thể hiện rõ vấn đề xã hội.

Đề thi về văn hóa sỉ nhục trên thế giới ảo

Cũng cùng chủ đề về văn hóa tranh luận, đề Văn học kỳ khối 12 của Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TPHCM) được học sinh hưởng ứng, thích thú khi vấn đề được đề cập vô cùng quen thuộc với các em hiện nay - văn hóa sỉ nhục trên mạng xã hội.

“Tiếng Việt thành Tiếq Việt” lại vào đề Văn bàn về văn hóa tranh luận - 2

“Xử sự tàn ác với người khác thì không có gì là mới, nhưng với sự giúp đỡ của công nghệ, của thế giới ảo, sự sỉ nhục ấy được khuếch đại và còn lưu lại mãi mãi.

Nếu như sự xấu hổ ở thế giới thực của trong phạm vi gia đình, làng xóm, trường học hay cộng đồng xung quanh, thì ở thế giới ảo, hàng triệu người có thể đâm vào tim bạn bằng những lời lẽ của họ”.

Đó là một phần trong đề được trích từ tác phẩm “Cái giá của nỗi nhục nhã” (Tác giả: Monica Lewinsky - Người dịch: Nguyễn Thảo.

Từ đoạn trích, đề đặt câu hỏi cho học sinh: Hành động click vào những loại tin lá cải để lại hậu quả gì? Vì sao sự sỉ nhục trên thế giới ảo còn nặng nề và nguy hiểm hơn trong thế giới thực?

Cũng từ chủ đề trên, phần làm văn yêu cầu học sinh viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) để trả lời cho câu hỏi: Chúng ta cần làm gì trong “cuộc cách mạng văn hóa” khi “văn hóa sỉ nhục bắt đầu lan rộng”?

Đề Văn học kỳ khối 12 của Trường THPT Trưng Vương, TPHCM được đánh giá cao khi đề cập đến vấn đề sỉ nhục trên trên giới mạng
Đề Văn học kỳ khối 12 của Trường THPT Trưng Vương, TPHCM được đánh giá cao khi đề cập đến vấn đề sỉ nhục trên trên giới mạng

Gần đây, nhiều đề thi trong các môn học, đặc biệt là môn Văn được giáo viên ở TPHCM “mạnh tay” đưa những vấn đề thời sự, những sự kiện trong đời sống xã hội. Đề thi mở một cách hợp lý, chọn được vấn đề phù hợp giúp học sinh thể hiện được quan điểm, suy nghĩ của mình trước những vấn đề xã hội gắn bó mật thiết , nhức nhối với chính bản thân các em. Các đề thi này cũng giúp học trò trưởng thành hơn, đòi hỏi nhiều tư duy, lập luận hơn là những đề thi mang tính, truyền thống sách vở.

Ngoài ra, hiệu trưởng một trường THPT cho hay, thông qua đề thi còn lồng ghép việc giáo dục về lối sống, cách hành xử đến học sinh một cách gián tiếp, nhẹ nhàng nhất.

Lê Đăng Đạt