Kon Tum:
Tiếng kẻng học bài níu con chữ với học sinh vùng cao
(Dân trí) - Khi mặt trời nấp mình sau ngọn núi, cũng là lúc những tiếng kẻng giòn giã đồng loạt vang ngân khắp đại ngàn, len lỏi vào từng góc nhà, báo hiệu đã đến giờ những em học sinh phải ngồi vào bàn học bài.
Có lẽ với học sinh (HS) miền xuôi, chuyện ngồi vào bàn học bài mỗi buổi tối là một việc rất đỗi bình thường, là thói quen được rèn luyện từ khi biết cầm cây bút. Ngược lại, với những HS người đồng bào dân tộc thiểu số ở đại ngàn Tây Nguyên nói chung và huyện Ngọc Hồi, Kon Tum nói riêng, thì lại là cả một vấn đề đầy thử thách và khó khăn. Bởi, phần lớn nhận thức của người dân nơi đây còn nhiều hạn chế, xem cái chữ không bằng việc làm cho no cái bụng, vì vậy, phụ huynh chỉ mong con mình nhanh lớn để làm rẫy được nhiều hơn; còn HS phải vất vả mưu sinh từ nhỏ, không được cha mẹ nhắc nhở nên chuyện học bài ở nhà đối với các em là một thứ gì đó rất xa lạ.
Đúng 19 giờ, anh Tin - trưởng thôn đánh kẻng ra hiệu cho học sinh đến giờ học bài.
Và hệ lụy là số HS có học lực yếu chiếm tỷ lệ rất cao, đặc biệt, sau 3 tháng hè thì nhiều em đã “đánh rơi” gần hết kiến thức đã học trước đó, thậm chí có một số em không muốn quay trở lại trường nữa. Các giáo viên tưởng chừng như bất lực, vô vọng trong công cuộc làm thay đổi nhận thức của học sinh.
Nhưng từ năm 2007, sáng kiến về mô hình “tiếng kẻng học tập” đã là bước ngoặt làm thay đổi tình hình giáo dục của huyện Ngọc Hồi, Kon Tum. Mỗi buổi tối, thay vì đi chơi, hay đi ngủ sớm như trước kia, già làng, thôn trưởng, các liên hội và phụ huynh phải có nhiệm vụ “áp tải” con em mình vào bàn học bài. Để làm được điều này, các cán bộ phòng Giáo dục cùng các giáo viên của trường Tiểu học và Trung học cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là già làng, trưởng thôn tuyên truyền, vận động, phân tích tác dụng của mô hình “tiếng kẻng học tập” với người dân.
Sau tiếng kẻng, các em học sinh liền ngồi vào học bài, có đi chơi cũng chẳng có ai để chơi.
Trước những cố gắng trên của các cán bộ ngành giáo dục cùng quyết tâm của các già làng, trưởng thôn, các liên chi hội của thôn, sáng kiến “tiếng kẻng học tập” cuối cùng cũng đã được toàn bộ phụ huynh hưởng ứng. Bắt đầu từ 19 giờ trưởng thôn sẽ có nhiệm vụ đi đến nhà rông của làng để đánh kẻng, báo hiệu giờ ngồi vào bàn học bài đã đến, phụ huynh sẽ nhắc nhở con em mình vào bàn học bài, các giáo viên cùng cán bộ thôn sẽ đến từng gia đình học sinh để kiểm tra việc học của các em… và đến 21 giờ thì một hồi kẻng nữa lại được gióng lên cũng là lúc những học sinh được phép nghỉ ngơi.
Anh Xiêng Thanh Tin, trưởng thôn Nông Nội, xã Đắk Nông cho biết: “Cứ 19 giờ mỗi tối dù nắng hay mưa, chúng tôi đều phải đi đánh kẻng, đến 21 giờ đánh lại cho các em nghỉ. Thôn cũng lập ra Liên hội trưởng để tổ chức đi đến tận nhà HS, không cho các em xem tivi trong giờ học, phụ huynh cũng hạn chế xem tránh làm ồn ào ảnh hưởng đến việc học của các em”.
Anh Nguyễn Ngọc Hiền, cán bộ Phòng Giáo dục huyện Ngọc Hồi chia sẽ: “Để thay đổi nhận thức của phụ huynh và HS ở đây là việc làm rất khó khăn, bà con nơi đây thường có thói quen tụ tập uống rượu, vui chơi và HS cũng vậy. Chúng tôi phải vận động phụ huynh nếu có uống rượu, hay vui chơi thì ra nhà rông để tránh gây ồn ào làm ảnh hưởng đến việc học của HS”.
Đặc biệt, để các phụ huynh và HS thực hiện có nề nếp già làng cũng đã ra một điều “luật” mới, nếu gia đình nào làm ảnh hưởng đến việc học tập ở nhà của con em mình hoặc làng xóm nặng thì sẽ bớt gạo, nhẹ thì bị chậm phát trợ cấp, hỗ trợ gạo, muối… của nhà nước hơn những gia đình khác. Chính vì vậy, gần 5 năm nay, kể từ khi mô hình học bài ở nhà được áp dụng chưa có bất kì phụ huynh nào vi phạm “điều luật” trên.
Đang chăm chú học bài, em Xiêng Thanh Tú (học lớp 7, Trường THCS Đăk Nông) bẽn lẽn: “Nhà em thường ăn cơm sớm để chúng em học bài đúng giờ. Bố mẹ em không cho đi chơi như trước kia nữa, nếu đi chơi là bị mắng, mà bây giờ bạn nào cũng ở nhà học bài có ra ngoài cũng không có ai để chơi cả nên cũng phải quay về học. Bây giờ bọn em cũng quen rồi, cứ đến giờ là tự ngồi vào bàn học bài thôi”.
Không chỉ giúp các em học vào “guồng” học bài ở nhà, mà để nâng cao chất lượng học tập của các em, vào mỗi buổi tối các giáo viên bám bản, bám làng lại lặn lội đến những gia đình các em học sinh yếu kém để giúp các em học bài. Hoặc cử những em có học lực khá đến học nhóm với những bạn học kém để giúp các bạn tiến bộ.
Anh Hiền cho biết, do đời sống kinh tế của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, và do nhiều tập tục còn lạc hậu, trước đây các em HS không có lấy một góc để học bài. Chúng tôi phải đến từng gia đình thiết kế cho các em chỗ ngồi học, nhà nào có điều kiện thì vận động phụ huynh mua cho con bàn học, còn nhà nào khó khăn chúng tôi dạy các em lấy cây tre, nứa để làm bàn rồi để mấy tấm giấy cứng như thùng mì tôm kê lên trên cho bằng phẳng để các em học bài…
Trước những cố gắng trên của toàn thể cán bộ giáo viên và cán bộ thôn làng ở đây, gần 5 năm nay nền giáo dục huyện Ngọc Hồi đã như được lột xác, nhận thức của người dân đang thay đổi từng ngày, chất lượng học tập của các em học sinh được nâng cao hơn. “Trước đây, tỷ lệ học sinh yếu kém rất nhiều, nhưng những năm gần đây tỉ lệ này đã giảm rõ rệt. Các em có học lực yếu kém thì lên trung bình, còn số em có học lực khá cũng tăng lên, tỷ lệ các em học sinh bỏ học cũng đã giảm hẳn. Đặc biệt, chuyện “đánh rơi” kiến thức sau mỗi kì nghỉ hè đã được đẩy lùi, vào đầu năm học các em vẫn giữ được “phong độ” học tập của mình”, anh Hiền vui mừng nói.
Thiên Thư