Tiếng Anh chuyên ngành có cần thiết?

Vì sao nhiều sinh viên học tiếng Anh không thể vận dụng đủ bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết khi tốt nghiệp? Vì sao việc học tiếng Anh chuyên ngành lại chưa thể vận dụng trong thực tế?

Khảo sát 185 SV và bảy giảng viên của khoa Ngữ văn Anh Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) cho thấy các giáo trình dạy tiếng Anh chuyên ngành hiện nay không nhất quán, nội dung chưa thật sự thiết thực, hấp dẫn, chưa đáp ứng nhu cầu SV.

 

Có đến 41% SV cho là giáo trình khó, 8% cho là quá khó; chỉ có 21% SV thỏa mãn với giáo trình. Trình độ đầu vào không đồng nhất nên giáo trình cũng không đáp ứng được thực tế; chưa kể đội ngũ giảng viên chuyên ngành ít được đào tạo, phần lớn là thỉnh giảng nên không có thời gian đi sâu vào một chuyên ngành hoặc cùng lúc dạy hai, ba chuyên ngành.

 

Phát biểu tại hội thảo "Cải tiến chương trình tiếng Anh" tổ chức tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) sáng 19/10, PGS-TS Đoàn Lê Giang, trưởng khoa văn học và ngôn ngữ, nêu ý kiến: "Dạy tiếng Anh chuyên ngành chưa phù hợp với trình độ A của SV thì dạy và học để làm gì? Chúng ta dạy tiếng Anh mà không có mục tiêu cụ thể, không cam kết ràng buộc trách nhiệm, tự soạn chương trình, tự tổ chức học và tự tổ chức thi. SV học chuyên ngành không được rèn luyện đầy đủ các kỹ năng ngoại ngữ thì học làm gì. Tôi đề nghị Anh văn chuyên ngành chỉ nên dành cho những ai học cao học".

 

TS Lê Minh Vĩnh, phó trưởng khoa địa lý, đề nghị: "Thay vì học Anh văn chuyên ngành, chúng ta nên chấp nhận cho SV tự tích lũy để lấy chứng chỉ Anh văn. Vì trước hết là đáp ứng nhu cầu học tập của SV, đồng thời cũng học đủ bốn kỹ năng cần thiết, trong khi chương trình của trường chỉ kiểm tra được hai kỹ năng.

 

Bằng B Anh văn cũng là văn bằng chính thức, dù không cao, nhưng được xã hội công nhận. Khi ra trường SV có bằng tốt nghiệp và kèm theo bằng B vẫn tốt hơn, chứ không ai công nhận tương đương bằng B của trường". Theo ThS Nguyễn Bích Hạnh, phó trưởng khoa ngoại ngữ, các trung tâm ngoại ngữ với hệ thống đánh giá chuẩn A, B, C không thống nhất nên SV dù có bằng B nhưng nếu đặt vào chuẩn chung của thế giới thì không đến đâu.

 

TS Lê Hữu Phước, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, cho rằng SV tự tích lũy tiếng Anh, các khoa sẽ giảm nhiều áp lực. SV sẽ tự lựa chọn học Anh văn đúng trình độ tại các trung tâm ngoại ngữ, vấn đề còn lại là nhà trường sẽ hỗ trợ phần nào học phí cho SV nếu SV học tại trung tâm ngoại ngữ của trường.

 

Đồng thời trường phải có lộ trình theo dõi việc học, nghĩa là trước khi tốt nghiệp ra trường SV phải có bằng B thật sự chất lượng. Do đó, khi đã để SV tự tích lũy kiến thức thì không cần phải đào tạo Anh văn chuyên ngành, vì kiến thức được sử dụng rất ít dùng cho thực tế. 

 

Theo Quốc Dũng

Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm