Tiến sĩ Việt tại Mỹ chia sẻ "5 bước chiến lược để tìm ra nghề phù hợp nhất"
(Dân trí) - TS Nguyễn Thị Phương Dung (Ellie Phương D. Nguyễn) - Giáo sư bậc 1 Khoa Sinh hóa & Sinh học Phân tử, ĐH bang Oklahoma, Mỹ chia sẻ đến bạn trẻ 5 bước chiến lược để tìm ra ngành nghề phù hợp với mình.
Có bao giờ bạn tự hỏi nghề nghiệp nào phù hợp nhất với khả năng, nguyện vọng của mình? Nghề nghiệp nào làm cho cuộc sống mình trở nên ý nghĩa, giúp mình có nhiều động lực để đạt được các mục tiêu?
Theo TS Nguyễn Thị Phương Dung, nếu trả lời được câu hỏi đó bạn đã thành công một nửa trong sự nghiệp của mình. 5 bước chiến lược đặc biệt dành cho những bạn trẻ đang tìm hướng đi phù hợp với mình trong tương lai.
Thậm chí, nếu bạn đang làm công việc không yêu thích bạn vẫn có thể ngồi lại áp dụng 5 bước này đề tìm được hướng đi, nghề nghiệp, lĩnh vực phù hợp với mình.
Trong clip chia sẻ kinh nghiệm của mình, TS Phương Dung đã chia sẻ 5 bước chiến lược để trả lời câu hỏi: Làm sao biết mình phù hợp với ngành nghề nào?
Ba bước đầu nhằm giúp bạn khám phá và lựa chọn ra các công việc phù hợp với khả năng, ước mơ, đam mê của mình nhất, còn 2 bước cuối sẽ giúp bạn lên kế hoạch chiến lược ngắn hạn và dài hạn để có thể theo đuổi lĩnh vực đó hiệu quả, lâu dài.
Theo đó, một nghề nghiệp lý tưởng ở đây nhắm đến việc đạt được trạng thái “Ikigai” trong tiếng Nhật, nghĩa là tìm ra một công việc thoả mãn 4 yếu tố quan trọng để cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa, đủ đầy hạnh phúc và thành công thông qua việc thực hiện mục đích, sứ mệnh của mình trong công việc.
“Một nghề nghiệp lý tưởng là lý do để mình tồn tại, cảm thấy cuộc sống mình ý nghĩa, thoả mãn với công việc hiện tại và có đam mê, động lực phấn đấu, cống hiến.
Chúng ta đang ở trong thời đại của Trí tuệ nhân tạo (AI), đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, dần được ứng dụng mạnh mẽ để thay thế sức lao động của con người.
Những đứa trẻ đang đến trường hiện nay trong tương lai sẽ làm những việc mà hiện nay chúng ta chưa biết đến. Ví dụ, Influencer – những người làm youtube có ảnh hưởng đến cộng đồng, nếu hỏi 10-15 năm trước người ta sẽ không biết đó là gì.
Trong tương lai, nếu muốn không bị thay thế, bạn nên tránh làm những công việc mang tính rập khuôn, lặp đi lặp lại; tiếp xúc với hoá chất nguy hiểm, mất vệ sinh; ít đòi hỏi sự sáng tạo đổi mới - những công việc này sẽ là thế mạnh của robot”, TS. Phương Dung lưu ý.
Dưới đây là 5 bước chiến lược để tìm ra ngành nghề phù hợp với mình:
Bước 1: Assess yourself - Tự đánh giá để hiểu rõ mình
Các bạn đừng vội vàng nhảy vào ngay lĩnh vực là trào lưu hiện nay, được cho là có danh tiếng/ trọng vọng mà không tự hiểu mình có phù hợp hay không.
Đây là bước căn bản, nền tảng nhất trong khám phá nghề nghiệp của mình để bạn không phải hối tiếc về sau cũng như không phải mất nhiều thời gian, công sức, tiền của rồi phát hiện ra nó không phù hợp với mình và phải làm lại từ đầu.
Bước này giúp bạn hiểu được những tính cách, thế mạnh, những kỹ năng hay giá trị nào mà bạn ưu tiên trong công việc của mình và tố chất để phát huy thế mạnh của mình và nhờ vậy mà mình có sự phát triển và đam mê trong công việc.
Hãy tự hỏi, tính cách của mình phù hợp với môi trường thế nào để phát huy thế mạnh về lâu về dài, nếu chuyên nghiệp hơn bạn có thể đến trung tâm tư vấn để họ nhận định đánh giá thế mạnh của bạn.
Một số câu hỏi bạn có thể trả lời thành thật: “Key values” – Giá trị chính mà bạn quan tâm trong công việc là gì? Ví dụ: Công việc ổn định, công việc có thể kiếm nhiều tiền, công việc có thể tương tác với nhiều người, công việc mang tính tự do/ độc lập/ không bị ràng buộc bởi thời gian phải làm ở đâu… ?
“Dominant strengths” - Thế mạnh nổi trội của bạn là gì? Thế mạnh tự nhiên nào bạn có rồi và làm thế nào bạn có thể làm nó mạnh hơn: Giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, lên kế hoạch? Đồng thời, đừng quên ghi ra điểm yếu.
“Personality types” – Tính cách riêng của bạn là gì? Bạn là người hướng nội hay hướng ngoại? Tự tin hoạt bát hay trầm tính, ít nói.
“Hobby – passion? - Sở thích đam mê của bạn là gì? Bạn bị thu hút đặc biệt đến năng lượng công nghệ, sức khoẻ hay thích du lịch, viết lách, thiết kế… Công việc nào muốn gắn bó trong tương lai?
“Skills – experiences”? - Kỹ năng và kinh nghiệm bạn đã tích luỹ được là gì qua công việc đã làm? Đó có thể là kỹ năng nghiên cứu, phân tích dữ liệu, kỹ năng ngôn ngữ… Nếu bạn đang làm công việc và muốn chuyển sang công việc khác bạn phải biết yêu cầu của mình là gì? Chẳng hạn công việc ở vị trí tỉnh thành nào? Mức lương tối thiểu là bao nhiêu?
Lập ra bảng trả lời trung thực 5 câu hỏi nêu trên, bạn sẽ dần tự khám phá và biết mình phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề nào.
Bước 2: Job exploration – Khám phá các ngành nghề tiềm năng
Sau khi đã biết mình phù hợp lĩnh vực nào hãy khám phá nghề nghiệp nào đang phổ biến hiện nay, nghề nghiệp nào khơi gợi cho mình sự hứng khởi? Khoan đánh giá ngành nào phù hợp nhất hãy cứ chọn ra tối đa 10 ngành nghề, lắng nghe cảm xúc của mình khi làm nghề đó?
Ngành nào cho bạn hứng khởi, đó có thể là ứng viên phù hợp cho bạn trong tương lai? Ngành nghề đòi hòi gì, mức lương bao nhiêu, mang mục tiêu gì?... Ngành nào có nhu cầu cao trong tương lai?
Bước 3: Job ranking - Xếp hạng ưu tiên
Lập ra bảng xếp hạng cho các ngành nghề theo những tiêu chí quan trọng đã tìm hiểu ở bước 1 & bước 2, sau đó chấm điểm từ 1-5 ở mỗi cột cho mỗi ngành nghề tuỳ theo đặc thù của ngành đó, và cuối cùng tổng kết điểm cho mỗi ngành nghề ở mỗi hàng để so sánh chọn ra 3 ngành nghề có điểm tổng cộng cao nhất.
Ví dụ: TS. Phương Dung chọn chấm điểm cho 3 ngành nghề phù hợp nhất với các tiêu chí của mình như trong bảng để có thể đánh giá xem ngành nào phù hợp nhất với mình.
Bước 4: Informational interview - Phỏng vấn người trong cuộc
Sau khi đã tìm hiểu thông tin trên mạng, website (chỉ mang tính chất tham khảo) là những thông tin lý thuyết, chúng ta sẽ phỏng vấn người thật, việc thật để có thông tin thực tế.
Bạn nên tìm ra khoảng 2-3 người đang làm việc trong lĩnh vực đó nhiều năm (khoảng 5 năm trở lên), xin gặp gỡ để nói chuyện trực tiếp để hỏi thông tin tường tận. Bạn có thể hỏi 2 điều họ thích nhất, 2 điều họ không thích nhất. Cái họ thích có phải cái mình không thích hay không? Họ đang gắn bó với lĩnh vực đó có khó khăn, thuận lợi nào, lộ trình và cơ hội phát triển thăng tiến thế nào trong tương lai, các tố chất, yêu cầu đòi hỏi để tiến xa với nghề…
Nếu bạn muốn làm việc ở Việt Nam hãy phỏng vấn người ở Việt Nam, nếu bạn muốn làm việc ở nước ngoài hãy phỏng vấn người ở nước ngoài thì thông tin mới chính xác. Vì cùng ngành nghề nhưng môi trường địa lý, đòi hỏi, lộ trình phát triển, mức độ cạnh tranh sẽ rất khác nhau ở từng quốc gia…
Bước này rất quan trọng, bạn phải tìm người phù hợp nhất.
Bước 5: Make decison and action plan – Đưa ra quyết định và kế hoạch hành động
Chúng ta sẽ lên kế hoạch ngắn hạn và dài hạn để có thể bước chân vào lĩnh vực yêu thích và theo đuổi nó lâu dài. Có thể hỏi người mentor (người hướng dẫn) cho bạn trong bước đường phát triển sự nghiệp từ bước khởi đầu.
“Rất cần những người có kinh nghiệm đi trước rồi để chỉ đường dẫn lối chia sẻ kinh nghiệm cho bạn. Bạn sẽ biết ở giai đoạn đầu khó khăn nhất là gì, cần vượt qua nó thế nào?
Sau khi bước chân vào lĩnh vực yêu thích, trong quá trình đó tiếp tục cần biết phải tích luỹ kinh nghiệm gì để nâng cao kỹ năng, phát triển sự nghiệp… để có thể trở thành ứng viên cạnh tranh mà bất kỳ công ty nào cũng muốn mời bạn về.
Điều quan trọng bạn phải có trải nghiệm thực tế trong công việc để biết cảm xúc của mình, có thực sự yêu thích nó hay không khi làm việc trong môi trường đó?
Điều đó có giá trị hơn nghìn lời nói, hay những thông tin bạn đọc được. Những kinh nghiệm kỹ năng cần tích luỹ phải tập trung liên quan trực tiếp đến ngành nghề mình chọn, không lan man hay rẽ ngang làm những việc dễ dàng hơn nhưng không liên quan đến công việc mơ ước trong tương lai.
Khi bạn nói chuyện với những người trong ngành nghề đó đã thăng tiến vị trí cao sau 5-10 năm và có thành công nhất định rồi, biết họ đã làm những gì thì bạn có thể lập kế hoạch đi từ điểm A-B-C-Z, từng chặng một bạn phải làm gì.
Bạn viết ra lộ trình từ điểm khởi đầu cho đến 5-10 năm nữa cho kế hoạch ngắn hạn và dài hạn, cần chuẩn bị những gì ở mỗi giai đoạn và tốt hơn nữa là chuẩn bị cả kế hoạch dự phòng cho mục đích bạn muốn đạt đến, để lúc nào đó nếu công việc không diễn ra như ý muốn thì mình sẽ có giải pháp thay thế.
Theo TS Phương Dung, trạng thái Ikigai trong công việc chính là tâm điểm giao nhau giữa 4 vòng tròn: Công việc bạn yêu thích, công việc bạn giỏi nó, công việc mang lại thu nhập cho bạn, công việc mà xã hội có nhu cầu cao.
Nếu bạn áp dụng lộ trình 5 bước trên thì có thể giúp tìm ra được ngành nghề đáp ứng đủ các tiêu chí đó để nhằm đạt đến trạng thái Ikigai.
Giả sử chỉ một vòng tròn bị khiếm khuyết ta sẽ không gọi là Ikigai. Chẳng hạn công việc bạn yêu thích, bạn giỏi và xã hội cần nhưng nó không mang lại thu nhập đủ cao và ổn định thì bạn sẽ vui vẻ khi làm việc, làm tốt nó nhưng vẫn không giàu có thậm chí không đủ sống…
Chúc mọi người sớm tìm ra được công việc “Ikigai” phù hợp nhất với mình!