Thương trào nước mắt lớp học nơi cửa chùa

(Dân trí) - Cũng ê a giọng đọc, cũng ồn ã giành nhau lên bảng, lớp học của chùa Liên Hoa là nơi nuôi dưỡng ước mơ đi học của hàng trăm đứa trẻ nghèo ở xóm nhập cư dưới chân cầu Nhị Thiên Đường (quận 8, TPHCM).

Nghèo nhưng phải có lễ nghĩa

Ngày ông giáo về hưu Nguyễn Văn Tổng đến với lớp học tình thương này, lũ trẻ lang thang nhưng ham học khiến ông xúc động: “Thấy tụi nó cơ nhỡ mà tội nghiệp, tôi về đây với tụi nó”. Ông giáo già nguyên là hiệu phó chuyên môn của trường THCS Chánh Hưng, quận 8. Giờ về với lũ trẻ nghèo, ông đi dạy cho mấy đứa lớp 2.  

Thương trào nước mắt lớp học nơi cửa chùa  - 1

Thầy trò cùng niệm Phật
 
Một buổi học của ông, bao giờ cũng bắt đầu bằng việc cho lũ trẻ đứng dậy và chắp tay niệm Phật. Sau khi đọc lớn giọng câu “Nam mô a di đà Phật” 10 lần, lũ trẻ con chắp tay niệm thầm 10 lần nữa. Những lớp khác thì niệm Quan thế âm Bồ Tát.

Với ông giáo Tổng, dạy học còn là phải dạy đạo đức, cách cư xử. Ông nói: “Không phải vì nghèo mà lại không biết đến lễ phép”. Niệm Phật chỉ là cách tập cho các em đi vào nề nếp.

Lớp học tùy hỉ

Sống ở khu vực dưới chân cầu Nhị Thiên Đường, những đứa trẻ hầu hết là con những người dân nhập cư, không có tiền và không có hộ khẩu để được đàng hoàng, chính quy như những đứa trẻ khác.

Thương lũ trẻ, sư Thích Thiện Quý mở lớp học tình thương vào năm 2006. Hai căn phòng vốn là nơi ở của các tăng được trưng dụng để làm phòng học. Tiếp theo đó, các Phật tử đi đến từng nhà vận động trẻ con đi học. Chỉ sau một thời gian ngắn, lớp học tình thương đã khai giảng với 30 trẻ em nghèo.  

Các em được đi học và được cho sách vở, bút mực, compa, cặp sách. Những thứ này đều do Phật tử đi quyên góp mà có. Nhà chùa còn “tự chế” những cuốn sổ liên lạc để có thể giúp liên hệ với bố mẹ các em.

Lớp học nhìn cũng khá tươm tất với những bộ bàn ghế nhựa mà các tổ chức từ thiện quyên góp. Nhưng, đây chỉ là bộ bàn ghế dành cho học sinh lớp 1. Nó quá thấp để những trẻ lớp 4, lớp 5 ngồi. Đồ vật đơn giản như chiếc bảng đen trong lớp 2 của thầy Tổng thì cũng là mới có đây thôi.  
 
Thương trào nước mắt lớp học nơi cửa chùa  - 2

Những đứa trẻ nghèo của lớp học ở chùa Liên Hoa
 
Trò đi học không mất tiền. Và thầy đi dạy cũng không tính công. Những thầy cô giáo ở đây toàn là những người đã lớn tuổi. Thầy cô tìm thấy ở công việc này niềm vui khi mang lại hạnh phúc được học chữ của lũ nhỏ. Ngoài thầy Tổng đã 66 tuổi, còn có cô Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, 67 tuổi. Trước đây cô Tuyết là giáo viên trường tiểu học Bông Sao, phường 5, quận 8. Cô giáo Tuyết gắn bó với lớp học tình thương ngay từ những ngày đầu tiên đến nay.  

Với chỉ 2 căn phòng, nhưng lớp học tình thương này dành trọn cả cho các em từ lớp 1 đến lớp 5. Những em có điều kiện tương đối một chút, sư Thích Thiện Quý làm giấy tờ và chuyển em lên Trường Tiểu học Bông Sao gần đó để tạo điều kiện cho em học tốt hơn.

Lũ nhỏ ở lớp học tình thương phải đi học cách nhật: lớp 1 và 2 học ngày thứ 3,5,7; còn các lớp 3,4,5 học các ngày còn lại trong tuần. Học cách nhật như vậy nên nhiều khi các em hay bị... quên bài, thầy cô giáo cứ phải ôn tập suốt.  

Nương theo cửa chùa

Lớp học ra đời, nhiều trẻ em biết đến con chữ. Trẻ em ngày học một buổi, buổi còn lại phụ ba mẹ làm lụng. Dẫu là đã được rèn lễ phép rất nhiều, nhưng những khuôn mặt già trước tuổi, những cái cau mày, quắc mắt vẫn cho thấy một cuộc sống thật khốc liệt của các em.

Có những đứa trẻ như bé Lê Thị Kim Ngân, buổi sáng đi học, buổi chiều về phụ bán vé số với người cha bị tật đôi chân. Mỗi ngày như vậy, cô bé mới sinh năm 2001 này có thể kiếm cho gia đình 100 ngàn đồng. Còn bé xíu nên những ngày đầu, bé Ngân bị người ta lừa lấy hết vé số.  
 
Thương trào nước mắt lớp học nơi cửa chùa  - 3

Cậu bé Trường Thắng và bà cố 83 tuổi

Còn cậu bé Hoàng Anh Trường Thắng lại có một số phận khác. Cuộc đời dường như gắn chặt với ngôi chùa Liên Hoa này. Sinh năm 1999 nhưng cậu nhóc này chỉ mới học đến lớp 1. Năm ngoái, đến ngày thi học kỳ thì cậu bé lên cơn động kinh nên đành bỏ thi. Ba mất sớm, mẹ đi lấy chồng, bà nội đi làm ở Cái Bè (Tiền Giang), cậu bé sống với bà cố đã 83 tuổi. Hai bà cháu nương tựa vào nhau, ai cho gì ăn nấy.

Hàng ngày, Trường Thắng vào làm công quả trong chùa để ăn cơm. Khi thì quét dọn chánh điện, có khi nhổ cổ trong chùa. Ngày 2 bữa cơm chùa, tối lại về nhà ngủ với bà cố. Tay đeo chuỗi hạt, cậu nhóc làm bà cố sụt sịt khi nói với bà: “Chắc sau này con ở hẳn trong chùa. Bà chết đi thì con ở với ai?”. 

Còn nhiều lắm những đứa trẻ nghèo ở khu vực này. Đứa nào cũng nghèo, cũng bệnh. Có đứa bị thiếu máu, cứ học một tháng thì nghỉ 3 ngày nằm viện. Có đứa bị lé, bị cận thị... Hy vọng những con chữ sẽ giúp lũ nhỏ mai sau lớn lên có thể tự thay đổi số phận cuộc đời mình. Bên cánh cửa chùa Liên Hoa, mong cho ngày nào lớp học tình thương cũng nồng ấm tình người, cũng rộn rã tiếng nói cười của lũ nhỏ... 

Hiếu Hiền