Đề thi ĐH năm 2005:

Thước đo chưa chính xác

Những trường ĐH cuối cùng cũng đã công bố điểm thi của thí sinh và đang chờ Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn để định điểm chuẩn. Dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng nhìn vào số liệu điểm thi của các trường cho thấy, có gần 100 thí sinh đạt điểm 30/30... Đây quả là một tín hiệu vui, nếu như…

Khối A: Điểm thi cao vẫn rớt

 

N.T.T.T, học sinh lớp 12A Trường THPT Lê Hồng Phong mừng rỡ hét lên khi đang dò điểm thi của mình tại một điểm dịch vụ Internet. T cho biết: “Em thi vào ngành Cơ - điện tử Trường ĐH Bách khoa TPHCM đạt 26,5 điểm. Năm ngoái ngành này lấy có 20 điểm, em nghĩ là mình đậu…”.

 

Đạt 26,5 điểm, Toán: 10, Lý: 8,5, Hóa: 8, điểm số xứng đáng cho một học sinh trường chuyên. Thế nhưng, niềm hy vọng của T tắt ngấm khi sáng hôm sau, Trường ĐH Bách Khoa cho biết điểm chuẩn dự kiến xét tuyển vào ngành Cơ-điện tử năm nay là 27 điểm. Với 26,5 điểm, cơ hội không phải đã đóng lại với T vì điểm chuẩn xét tuyển của các ngành như Công nghệ thông tin và Điện - điện tử của Trường ĐH BK chỉ lấy 25 và 25,5 điểm. Tuy nhiên, cả hai ngành này đều không tuyển NV2. Vậy là, năm nay, T rớt ĐH.

 

Trong mùa tuyển sinh năm nay, thống kê tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho thấy ba môn thi Toán, Lý, Hóa có khoảng 1.100 điểm 10. Cụ thể là: khoảng 440 thí sinh có điểm 10 môn Toán, hai môn Lý có 326 và Hóa cũng có 395 thí sinh đạt điểm 10. Riêng khối A ĐHQG Hà Nội năm nay cũng có hơn 320 điểm 10. Trong đó, môn Toán có 104 điểm, Hóa có 164 và môn Lý có 54 điểm 10. ĐH Kinh tế quốc dân có 3.308 thí sinh có điểm trung bình 3 môn trên 24 điểm. Con số này ở ĐH Ngoại thương Hà Nội là 1.339 và Học viện Tài chính có 1.408…

 

Theo các nhà giáo dục, để đạt điểm cao có nhiều yếu tố, hoặc trình độ học sinh cao hoặc đề thi dễ. Trong những ngày thí sinh dự thi ĐH, dư luận vẫn bàn tán về đề thi Toán, Lý quá dễ. Nhiều giáo viên nhận xét, so với đề thi môn Toán khối A của kỳ tuyển sinh ĐH năm 2004 vốn đã dễ, thì đề thi năm nay lại dễ hơn một mức.

 

Thạc sĩ Ngô Thiện (Trường ĐH Nông Lâm TPHCM) cho rằng: “Đề cho rất chuẩn, nằm trong chương trình, nhưng có 50% dễ, 40% vừa và chỉ có 10% là đòi hỏi phải có kỹ năng. Trong 5 câu thì 4 câu đầu bình thường, không có độ khó tăng dần nên nhiều học sinh có học lực trung bình làm bài được, học sinh khá và học sinh giỏi sẽ có điểm gần như nhau…”.

 

Nhìn số điểm thi cao đang được các trường công bố từng ngày, xem ra, việc Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục nỗ lực trong việc ra đề thi theo hướng “cơ bản, không lắt léo, đánh đố” không còn được dư luận hoan nghênh, khi mà một đề thi tuyển sinh lại “cơ bản” đến mức học sinh dù đạt điểm bài thi loại giỏi vẫn rớt ĐH.

 

Khối C: “Khóc” vì môn Sử

 

Trong khi điểm thi khối A khá cao thì ngược lại, thí sinh thi khối C, D lại khóc ròng vì điểm thi quá thấp. Các nhà giáo dục đánh giá đề thi môn Sử năm nay tuy khó hơn mọi năm nhưng khá hay vì tính phân loại thí sinh rất rõ ràng. Tuy nhiên, một số trường ĐH có khối C và D đang căng thẳng vì điểm thi hai khối này thấp.

 

Tại Trường ĐH Luật TPHCM, ở khối C (Văn-Sử-Địa), chỉ có 12 thí sinh đạt từ 19 điểm trở lên. Thủ khoa khối C chỉ đạt 20,5 điểm (thấp nhất từ trước đến nay đối với khối C của trường). Lãnh đạo Trường ĐH Luật TPHCM cho hay, điểm thi của thí sinh thấp là do môn Lịch sử “kéo” xuống, rất nhiều thí sinh bị điểm 0 và điểm 1 môn Sử. Trường ĐH KHXH-NV, điểm chuẩn các ngành khối C của trường không cao vì điểm thi môn Lịch sử quá thấp.

 

Thống kê từ kết quả tuyển sinh cho thấy điểm trung bình môn Lịch sử chỉ đạt 1,5 điểm. Nếu nhà trường tuyển 100% chỉ tiêu nguyện vọng 1 thì điểm chuẩn ngành thấp nhất thuộc khối C là 13 điểm, khối D1 là 15 điểm và điểm chuẩn ngành cao nhất khối C là 20,5 điểm, khối D1 là 21 điểm. Điểm chuẩn dự kiến ngành Triết học là… 13 điểm (thấp hơn 2 điểm so với điểm sàn khối C năm 2004).

 

Sự chênh lệch điểm thi giữa hai khối A và C không phải là vấn đề nếu sự chênh lệch đó không quá bất thường. Cùng ở mức điểm 24, ở ĐHQG Hà Nội, trong khi ĐH Khoa học Tự nhiên có 555 bài thì ở ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chỉ có 2. Ở ĐH Sư phạm TPHCM, khối A có 245 bài, trong khi khối B có 4, khối D có 5, còn khối C thì không có bài nào.

 

Qua kết quả tuyển sinh của hai khối, có thể thấy, đề thi ĐH vừa qua chưa có độ giá trị và độ tin cậy cao, vì chưa đo lường đúng trình độ của người thi mà cơ sở đào tạo cần. Việc thiếu thước đo cho một đề thi chuẩn khiến nhà quản lý đã đi đến tình trạng ra đề quá khó và quá dễ. Cả hai trường hợp trên đều dẫn đến việc tuyển sinh không được chính xác và thiếu công bằng.

 

Theo Linh An

Sài Gòn Giải Phóng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm