Thuế thu nhập cá nhân và chi phí giáo dục
Chất lượng giáo dục hiện nay ở nước ta thấp. Nâng cao chất lượng giáo dục là bức thiết. Có nhiều vấn đề phải giải quyết, ở đây xin chỉ bàn về một vấn đề: chi phí mà xã hội phải dành cho giáo dục.
Theo đánh giá chung, so với trình độ phát triển kinh tế của một nước còn nghèo, mức chi phí cho giáo dục như hiện nay đã là cố gắng. Song so với yêu cầu của một nền giáo dục cần phát triển nhanh về số lượng và chất lượng thì vẫn còn rất thấp, thậm chí chưa đạt tới mức tối thiểu cần thiết.
Chi phí giáo dục dựa vào hai nguồn chủ yếu: 1) Ngân sách nhà nước và 2) Đóng góp của phụ huynh học sinh. Thời bao cấp, hầu như toàn bộ chi phí giáo dục do Nhà nước đảm nhiệm.
Ngày nay, nếu kể cả chi phí đầu tư cơ bản và chỉ tính chi phí trực tiếp của các trường, phần chi phí từ ngân sách vẫn còn khá lớn. Tuy nhiên, phần đóng góp của phụ huynh học sinh cũng không nhỏ và dường như có xu hướng tăng dần, không chỉ bao gồm học phí, các khoản đóng góp chính thức và không chính thức nộp trực tiếp cho trường, mà còn phải tính cả các khoản chi ngoài trường như học thêm, lễ Tết thầy cô...
Không rõ có phải do chịu ảnh hưởng của xu thế biến đổi nguồn chi phí như trên hay không, mà các nhà hoạch định chính sách giáo dục hình như thiên về biện pháp tăng chi phí giáo dục theo hướng tăng phần đóng góp của phụ huynh học sinh. Ngoài các hình thức trường lớp điểm, chọn, chuyên, tăng cường... với mức học phí và đóng góp cao hơn hẳn mức thông thường, gần đây đã hình thành cả một chủ trương tăng học phí trường công.
Chủ trương tăng học phí trường công tuy mới xuất hiện lẻ tẻ ở một vài địa phương, chưa thành chủ trương của ngành, nhưng công luận đã không đồng tình. Hội đồng Nhân dân TPHCM trong kỳ họp vừa rồi đã không thông qua đề án tăng học phí. Vậy là biện pháp tăng chi phí giáo dục qua con đường tăng phần đóng góp của phụ huynh học sinh xem ra khó trở thành hiện thực. Thái độ của xã hội như trên không có nghĩa là xã hội không đồng ý tăng chi phí giáo dục. Vấn đề là ở hướng đi: tăng chủ yếu từ nguồn nào?
Trước hết cần thấy rằng chi phí giáo dục trong mức tối thiểu cần thiết là một chi phí mà xã hội nhất thiết phải dành cho nó. Nhưng cách làm thì lại có thể khác nhau. Chủ yếu dựa vào Nhà nước (trường công miễn phí) là một cách. Chủ yếu dựa vào đóng góp của phụ huynh (trường tư) cũng là một cách. Kết hợp cả hai theo những tỷ lệ khác nhau lại là một cách khác. Lựa chọn cách nào tùy thuộc vào chính sách của Nhà nước.
Ở nước ta hiện nay, giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu. Chính sách này phù hợp với thực tế nước ta, vì nó bảo đảm nhịp độ tăng trưởng cao và bền vững trong điều kiện ta phải tăng tốc để theo cho kịp khu vực và thế giới. Đó cũng là xu thế thời đại. Quốc sách hàng đầu này trước hết biểu hiện trong chính sách phổ cập giáo dục từ tiểu học tiến lên trung học và còn phải tiến lên nữa. Và để thực thi chính sách như vậy, trường công phải giữ vai trò chủ lực và chi phí giáo dục phải dựa chủ yếu vào ngân sách. Đây không phải là tư duy bao cấp, mà là điều kiện bảo đảm chính sách phổ cập giáo dục. Đó chính là lý do xã hội không đồng tình tăng học phí trường công.
Tăng học phí tức là tăng đồng đều mức đóng góp của phụ huynh học sinh, không phân biệt giàu nghèo. Trong khi người giàu có khả năng đóng học phí cao hơn, thậm chí vì muốn có chất lượng cao hơn, họ còn có thể cho con em học ở các trường quốc tế với học phí rất cao, thì những gia đình nghèo khó kham nổi mức học phí tăng gấp 2-3 lần mức hiện nay. Và do không gánh nổi học phí, con em nhà nghèo sẽ bỏ học hàng loạt, không những không thể phổ cập giáo dục như mong muốn, lại xuất hiện bất công xã hội từ tuổi thơ.
Xã hội hầu như nhất trí cho rằng, Nhà nước phải xây dựng một hệ thống trường công miễn phí, bảo đảm được nhu cầu học tập của tất cả trẻ em thuộc diện phổ cập. Vấn đề đặt ra là làm sao có đủ kinh phí. Nếu thật sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu thì chi ngân sách cho giáo dục cũng phải được ưu tiên hàng đầu. Nếu đặt vấn đề như vậy, chắc chắn ngân sách không thiếu tiền để chi cho giáo dục. Chỉ riêng việc ngăn chặn, loại trừ lãng phí, tham nhũng, ngân sách có thể dành thêm hàng ngàn tỉ đồng cho giáo dục.
Theo thông tin báo chí, người ta đã tính chỉ riêng điều chỉnh lại trợ cấp xe buýt ở TPHCM cho hợp lý, hàng năm cũng tiết kiệm được cả trăm tỉ đồng. Hoặc như xóa bỏ chế độ xe công đưa đón cán bộ đi làm và đưa hết vào lương, hàng năm ngân sách cũng có thể giảm chi cả ngàn tỉ. Rồi còn các biện pháp cắt giảm các khoản chi ưu tiên loại 2, loại 3, để tập trung cho ưu tiên hàng đầu.
Các biện pháp trên thực chất là điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách nhằm hướng tăng chi cho giáo dục. Cần thấy rằng điều chỉnh cơ cấu chi hiện hành cũng có không ít khó khăn vì đó là cơ cấu hình thành từ những điều kiện lịch sử cụ thể, mà muốn thay đổi cần phải thay đổi những điều kiện sản sinh ra nó. Cho nên đây tuy là việc phải làm tích cực, nhưng cũng phải có thời gian.
Một hướng khác hình như chưa được đề cập: điều chỉnh cơ cấu thu ngân sách, tìm cách tăng thu ngân sách qua thuế để tăng chi giáo dục, trong đó thời sự hơn cả là qua thuế thu nhập cá nhân (đang trong quá trình trưng cầu ý kiến). Cần thấy rằng học phí hay thuế đều là những công cụ tái phân phối thu nhập giữa Nhà nước với nhân dân, thực chất là giữa các tầng lớp dân cư, nhằm bảo đảm có đủ chi phí cần cho giáo dục.
Song mỗi nguồn lại có những đặc điểm riêng. Đặc điểm của học phí là không có sự phân biệt người giàu với người nghèo. Do đó nó bị giới hạn bởi khả năng đóng góp của các gia đình nghèo. Nếu tăng học phí, con em nhà nghèo có nguy cơ thất học. Đặc điểm của thuế thu nhập cá nhân là thu từ những người được coi là giàu trở xuống, không thu vào người nghèo.
Cho nên nếu tăng thuế thu nhập cá nhân để tăng chi cho giáo dục đồng nghĩa với việc huy động thêm sự đóng góp của người giàu và khá giả cho sự nghiệp trồng người. Nếu thống nhất được hướng như vậy, vấn đề còn lại chỉ là việc tính toán để tìm ra những thông số áp dụng trong thuế này, công việc của các chuyên gia giáo dục và thuế.
Cần nói thêm rằng cho đến nay, mục tiêu tài chính của thuế thu nhập cá nhân chưa được công bố rõ, trong khi theo lệ thường, mục tiêu này luôn cần xác định trước để định hướng cho các quy định cụ thể mỗi khi soạn thảo và thông qua các dự luật thuế. Chính vì thế mà việc đóng góp ý kiến về nhiều vấn đề cụ thể như diện thu, mức khởi điểm chịu thuế, thuế suất, mức giảm trừ gia cảnh... còn mang nặng cảm tính, thiếu cơ sở thuyết phục.
Theo Lê Văn Tứ
Thời báo Kinh tế Sài Gòn